Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bình Dương nỗ lực xây dựng thành phố thông minh

“Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” của Bình Dương là động lực để tỉnh phục hồi sau làn sóng Covid-19.

Binh Duong anh 1

Sau hàng chục năm tái lập, Bình Dương đạt nhiều thành tựu quan trọng, trở thành điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nhằm phù hợp hơn với quá trình phát triển bền vững và bắt kịp xu thế toàn cầu, Bình Dương hướng đến xây dựng mô hình thành phố thông minh (TPTM).

Tiềm năng sẵn có

Bình Dương là địa phương đầu tiên tại Việt Nam trở thành thành viên của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vào năm 2018. Điều này mở ra cơ hội thiết lập quan hệ quốc tế mạnh mẽ hơn với cộng đồng thông minh toàn cầu để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại Bình Dương.

Cuối tháng 2 năm nay, TPTM Bình Dương lần thứ 3 được vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu trên thế giới.

Với chủ trương thu hút đầu tư nhất quán, xuyên suốt hơn 20 năm qua nhưng luôn được bổ sung, đổi mới, sáng tạo, Bình Dương đã triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.

Dịch Covid-19 tác động lớn đến tiến độ xây dựng TPTM Bình Dương. Tuy nhiên, kinh tế tỉnh vẫn đạt những mốc tăng trưởng ấn tượng. Theo thống kê từ tỉnh, đến cuối năm 2020, Bình Dương có trên 48.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký đạt 450.000 tỷ đồng và gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 35,4 tỷ USD.

Binh Duong anh 2

Bình Dương là địa phương đầu tiên tại Việt Nam là thành viên của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Ảnh: Quỳnh Danh.

Năm nay, chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng. Theo Cục thống kê Bình Dương, 6 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương ổn định, duy trì những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm 2020. Trong đó sản xuất công nghiệp, thương mại từng bước tăng trưởng trở lại, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, sự gia tăng đầu tư và mở rộng các hoạt động thương mại...

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,23% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,23%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4%, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 47,2%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 43,4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,8%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,4 tỷ USD; tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 22,6%, tổng chi ngân sách địa phương giảm 3,5%. Hiện nay, thu nhập GDP bình quân đầu người của Bình Dương gấp đôi trung bình cả nước.

Những thành tựu này có được nhờ sự năng động, sáng tạo, đổi mới của tỉnh, đưa Bình Dương từ tỉnh thuần nông thành tỉnh công nghiệp phát triển. Tỉnh cũng chú trọng công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, thông tin - viễn thông, điện, nước, quỹ đất sạch sẵn có… đồng bộ và từng bước hiện đại. Bình Dương chú trọng phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng của toàn vùng đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, đi lại… cho nhà đầu tư khi đến đây.

Binh Duong anh 3

Bình Dương chuyển đổi thành công từ tỉnh thuần nông thành tỉnh công nghiệp phát triển. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sau gần 30 năm, Bình Dương đã mở rộng quan hệ ngoại giao, kết nghĩa với nhiều thành phố lớn trên thế giới như Deajon (Hàn Quốc), Yamaguchi (Nhật Bản), Einhovend (Hà Lan)... Hàng trăm thương hiệu lớn trên thế giới đã đặt nhà máy tại Bình Dương như Panasonic, Pepsi, Kumho... Hệ thống giáo dục đào tạo của tỉnh phát triển với nhiều trường đại học, hợp tác tốt với các trường danh tiếng thế giới như Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Portland Mỹ… Các hãng công nghệ lớn như Bosch, Philips… đến tìm hiểu và mong muốn mở rộng hợp tác.

Đột phá mới

Dựa trên những tiềm năng và thành tựu đã đạt được, đề án TPTM Bình Dương giai đoạn 2021-2025 tích hợp chiến lược đột phá mới, đặt trọng tâm quy hoạch “Vùng đổi mới sáng tạo” (ĐMST) trong mô hình 5 lớp: Quy hoạch đô thị và giao thông; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế cân bằng; chuyển đổi số và công nghiệp 4.0; phát triển và thu hút nguồn nhân lực.

Về quy hoạch đô thị và giao thông, tỉnh tập trung phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development). Đây là mô hình phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng. Việc phát triển và quy hoạch các khu dân cư nhà ở theo mô hình TOD sẽ giúp phân bổ dân cư đồng đều, thúc đẩy thương mại địa phương, văn hóa giao thông công cộng, văn hóa đường phố. Song song đó, tỉnh đầu tư xây dựng các tuyến đường trục theo hướng bắc - nam, đông - tây, hoàn thành các tuyến đường vành đai, trục chính của Bình Dương nhằm kết nối giao thông nội tỉnh và liên tỉnh.

Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo cũng là một trong những lớp quan trọng của mô hình này. Hiện nay, Bình Dương sử dụng Đại học Quốc tế Miền Đông làm trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đại học Quốc tế Miền Đông đang có hơn 20 doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động với nhiều ý tưởng mới, có tính ứng dụng cao. Ngoài hệ thống techlab, fablad, vườn ươm doanh nghiệp, nơi đây còn sở hữu xưởng thực nghiệm phục vụ các dự án trong lĩnh vực công nghiệp.

Binh Duong anh 4

Đề án TPTM Bình Dương hướng đến mục tiêu quy hoạch “Vùng đổi mới sáng tạo”. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nếu muốn phát triển kinh tế cân bằng, việc thu hẹp khoảng cách giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp là yêu cầu cấp bách. Để tăng giao thương với hàng trăm trung tâm thương mại toàn cầu, Bình Dương đã xây dựng khu trung tâm thương mại thế giới TP mới Bình Dương (World Trade Center - Binh Duong New City), và trở thành một thành viên của Hiệp hội các trung tâm thương mại thế giới WTCA.

Về chuyển đổi số và công nghệ 4.0, Bình Dương thí điểm mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới trong đề án cấp quốc gia, mục tiêu định vị tỉnh trở thành trung tâm logistics của khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, tỉnh phát triển các khu công nghiệp thông minh bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong quản lý, vận hành các chức năng xử lý nước thải tự động, đèn đường tiết kiệm năng lượng, camera giao thông…

Cuối cùng và quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng và quyết định sự thành công của các chiến lược, nên việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi trong triển khai đề án TPTM. Nguồn nhân lực ở đây gồm các yếu tốt: Lực lượng lao động, năng lực làm việc, khả năng hợp tác, trình độ giáo dục, kỹ năng và sự phù hợp giữa công việc - con người.

Với việc triển khai linh hoạt mô hình 5 lớp, phối hợp chặt chẽ giữa kết nối hạ tầng, xã hội và công nghệ, đề án TPTM tại Bình Dương được kỳ vọng sớm trở thành hiện thực, đưa địa phương vươn lên trở thành “vùng kinh tế thông minh”.

Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh là một trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, do ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới) bình chọn.

Với mục tiêu trở thành đô thị loại I, thời gian tới Bình Dương tiếp tục tập trung nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ, gắn với chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo lộ trình.

Giang Tiểu San

Bình luận

Bạn có thể quan tâm