Theo thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng, Bình Dương hiện có hơn 29 KCN, tổng diện tích quy hoạch 12.743 ha, tỷ lệ lấp đầy là 70%. Hiện các KCN này tạo việc làm cho 472.461 lao động, trong đó 87% là người ngoại tỉnh. Hàng năm, các doanh nghiệp (DN) trong KCN đạt doanh thu 32,5 tỷ USD, đóng góp 719 triệu USD vào ngân sách Nhà nước.
Các con số trên cho thấy hiệu quả của việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, tạo đòn bẩy đưa tỉnh phát triển trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Giai đoạn 2021-2026, Bình Dương đang thực hiện nhiều chính sách để phát huy thế mạnh, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Tăng cường quỹ đất sạch
Bình Dương nổi tiếng với KCN Sóng Thần, VSIP, Mỹ Phước... thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy. Tuy nhiên, diện tích đất tại đây, đặc biệt là khu vực Dĩ An, Thuận An không còn nhiều dư địa phát triển vì đã đô thị hóa khá nhiều. Vì thế, Bình Dương chủ trương phát triển các KCN mới về phía bắc và những nơi còn nhiều diện tích trống như Bàu Bàng, Bến Cát, Tân Uyên, một mặt để xây dựng quỹ đất sạch và bài bản, mặt khác để phát triển đồng đều ở những nơi còn nhiều cơ hội.
Theo đó, quỹ đất dành cho KCN CLC tại Bàu Bàng có 1.000 ha, huyện Bắc Tân Uyên có 215 ha, thị xã Tân Uyên có 1.630 ha, thị xã Bến Cát 3.200 ha và TP Thủ Dầu Một có 765 ha.
Bình Dương sở hữu nhiều KCN, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh tiếp tục theo đuổi phương châm “hạ tầng đi trước và đón đầu”. Cụ thể, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, cụm CN theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch, tiếp tục phát triển KCN - dịch vụ - đô thị, chuyển đổi công năng các KCN phía nam, di dời cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư để đảm bảo đời sống nhân dân.
Phát triển hạ tầng
Để thu hút các doanh nghiệp, không thể không có hạ tầng và quy hoạch bài bản bởi đây là điểm mấu chốt để hàng hóa lưu thông thuận lợi, giảm thiểu chi phí logistics.
Hiện, Bình Dương đã quy hoạch lại hạ tầng giao thông vận tải với nhiều tuyến đường huyết mạch. Cụ thể, tháng 10/2020, tỉnh khởi công dự án xây dựng đường và cầu qua sông Sài Gòn, kết nối Bình Dương - Tây Ninh với tổng vốn đầu tư 370 tỷ đồng, quy mô dài 80 m.
Ngoài ra, tuyến đường nối Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng với tổng chiều dài 47 km cũng được khởi công. Những dự án này góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế các huyện phía bắc theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và đô thị, đồng thời hình thành trục giao thông liên hoàn Đông - Tây.
Một số dự án khác cũng đang được triển khai như mở rộng quốc lộ 13, nâng cấp đường ĐT743B đoạn miếu Ông Cù - Đông Tân, nâng cấp mở rộng đường ĐT741 kết nối tỉnh Bình Phước, nâng cấp mở rộng đường ĐT747 kết nối Đồng Nai. Để kết nối tỉnh khác, Bình Dương mở rộng đường Huỳnh Văn Cù, làm cầu Phú Cường qua Củ Chi, phía TP.HCM làm cầu Phú Long bắc qua Bình Dương.
Để giảm chi phí logistics, Bình Dương quy hoạch lại hạ tầng giao thông vận tải. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đặc biệt, Bàu Bàng là điểm nhấn mới khi nhận được ngày càng nhiều dự án đầu tư nước ngoài có vốn lớn. Là cửa ngõ phía bắc của Bình Dương và đóng vai trò kết nối 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bàu Bàng nằm giữa 2 tuyến đường huyết mạch quốc lộ 13 và đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn. Nhờ vậy, việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng đến các cảng biển, cảng hàng không ở TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, tỉnh đã duyệt quy hoạch cảng sông khiến Bàu Bàng tập trung phát triển các trung tâm logistics, kết nối vận chuyển hàng hóa đến cảng An Tây trên sông Sài Gòn và các sông khác, giúp giảm chi phí logistics, lưu thông dễ dàng hơn. Tỉnh cũng nhờ chuyên gia của JICA nghiên cứu, báo cáo tiền khả thi về hệ thống đường sắt kết nối vùng.
Chính sách thu hút doanh nghiệp
Chủ trương của tỉnh là phát triển các dự án KCN theo hướng tập trung vào khoa học công nghệ (KHCN) để phù hợp với xu hướng công nghiệp 4.0. Tỉnh hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội đô thị khoa học thế giới WTA, các doanh nghiệp lớn để học hỏi mô hình từ thành phố thành công trên thế giới như Singapore, Daejeon - Hàn Quốc, Eindhoven - Hà Lan.
Theo đó, KCN khoa học công nghệ sẽ thu hút tất cả doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động. Đồng thời, KCN cũng kết nối trường học - doanh nghiệp để đẩy mạnh nghiên cứu, thực nghiệm KHCN và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lâu dài.
Ngoài việc áp dụng quy tắc “một cửa” để đơn giản hóa quy trình thủ tục, Bình Dương chú trọng tiện ích đi kèm và đáp ứng các nhu cầu của DN như hải quan điện tử, viễn thông tốc độ cao, trung tâm y tế, trường học chất lượng, ngân hàng...
Mới đây, ban quản lý các khu chế xuất - KCN - khu kinh tế tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đã ký thỏa thuận với TP.HCM, hình thành mạng lưới tạo chuỗi cung ứng thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp.
Bình Dương áp dụng nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong bối cảnh nước ta đã ký kết thành công Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), việc đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi là xu thế tất yếu.
Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng nhằm làm giảm chi phí logistics, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch và quy hoạch bài bản, đơn giản hóa thủ tục như những gì tỉnh Bình Dương đang làm sẽ giúp khai thác tốt các cơ hội này.
Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh là 1 trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, do ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới) bình chọn.
Với mục tiêu trở thành đô thị loại I, thời gian tới Bình Dương tiếp tục tập trung nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ, gắn với chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo lộ trình.
Bình luận