Người làm việc trong bất kỳ ngành nghề nào đều có nguy cơ gặp phải các vấn đề như mệt mỏi, căng thẳng, bất an. Đây là những dấu hiệu của hội chứng kiệt sức, một “hiện tượng nghề nghiệp” được WHO công nhận.
Mặc dù làm việc chăm chỉ và phát triển sự nghiệp nhanh chóng, Bill Gates cho rằng mình sẽ không bao giờ mắc hội chứng kiệt sức tại Microsoft. Gates thành lập công ty khi ông 20 tuổi. Ở tuổi 28, ông tuyên bố với NBC rằng Microsoft sẽ đạt doanh thu 100 triệu USD trong năm đó. Ông tin rằng mục tiêu này không gây áp lực lên bản thân.
Không làm việc theo vòng lặp là bí quyết giúp Bill Gates tránh kiệt sức. Ảnh: Getty. |
Khi được hỏi làm cách nào để biết mình không bị kiệt sức trong tương lai, câu trả lời của Bill Gates là giữ mỗi ngày ở công ty luôn khác biệt.
“Chúng tôi không làm một việc suốt ngày dài. Chúng tôi đi vào văn phòng và nghĩ về các phần mềm mới. Chúng tôi gặp nhau trong những cuộc họp, ra ngoài xem người dùng cuối, nói chuyện với khách hàng. Luôn có đa dạng sự lựa chọn và những điều mới mẻ diễn ra. Và tôi không nghĩ rằng sẽ đến lúc nào đó bị nhàm chán”, Bill Gates nói.
Những thành tựu đạt được các năm sau đó chứng tỏ Bill Gates đã nói đúng. Microsoft ra mắt công chúng vào năm 1986 và ông trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới.
Trường hợp của Bill Gates có thể là cá biệt khi ông được quyền làm việc không theo vòng lặp, tìm đến nhiều dự án mới, thử thách bản thân, tránh mắc phải hội chứng kiệt sức. Tuy nhiên, vẫn có những cách khác để giúp người lao động giải quyết hội chứng này.
Christina Maslach, Giáo sư tâm lý học tại Đại học California, đã tạo ra Maskach Burnout Inventory. Đây là một công cụ được sử dụng rộng rãi để đo lường tình trạng kiệt sức của người dùng. Phép đo này xem xét 3 dấu hiệu chính của chứng kiệt sức bao gồm sự kiệt quệ, mất động lực và hiệu suất làm việc.
Nếu không thể tránh khỏi những vòng lặp công việc hàng ngày như Bill Gates, bạn có thể sử dụng một số phương pháp khác. Giảm tiếng ồn, tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên, hợp tác với đồng nghiệp là một trong các biện pháp được chuyên gia đưa ra.
Ngoài ra, Business Insider cho biết việc thường xuyên giao tiếp, ngủ đủ giấc, luyện tập thể dục và ngồi thiền là những giải pháp khác giúp cải thiện tình trạng kiệt sức của người bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa hội chứng kiệt sức là kết quả của sự căng thẳng mạn tính tại nơi làm việc mà người lao động không thể khống chế. Ngoài việc ảnh hướng đến năng suất làm việc, tình trạng này khiến bệnh nhân kéo dài cảm giác căng thẳng và lo lắng. Tuy nhiên, một số người có thể chịu đựng tốt hơn người khác.
Theo nghiên cứu của The American Institute of Stress, 83% người lao động tại Mỹ phải chịu một hoặc một số loại căng thẳng liên quan đến công việc. Đây là lý do khiến một triệu người nghỉ việc mỗi ngày.
Với nhiều người đang làm việc tại nhà do Covid-19, căng thẳng có thể tăng lên do ranh giới giữa công việc và cuộc sống gia đình dần bị xóa nhòa. Nếu căng thẳng kéo dài, nó có thể dẫn đến hội chứng kiệt sức.