Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bill Gates chi hàng triệu USD để đi máy bay riêng

Một số tỷ phú hàng đầu thế giới dùng tiền của họ để bù đắp lượng khí thải sinh ra từ phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, hành động này vẫn gây ý kiến trái chiều.

Theo CNBC, những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực hoạt động vì môi trường, bao gồm 2 tỷ phú công nghệ Bill Gates và Jeff Bezos, tạo ra lượng khí thải lớn từ phương tiện cá nhân, sau đó tìm cách cân bằng thông qua cơ chế bù đắp carbon (carbon offsets).

Cách đây chưa lâu, nhà sáng lập Microsoft, người ủng hộ mạnh mẽ cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu, tổ chức sinh nhật lần thứ 66 của mình trên một du thuyền lớn ở Địa Trung Hải, gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Bill Gates tra phi moi truong anh 1

Bill Gates dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Glasgow, Scotland. Ảnh: Reuters.

Khách mời của ông là hàng chục nhân vật nổi tiếng, trong đó có tỷ phú Jeff Bezos. Theo trang tin địa phương Daily Sabah, một số người được đưa đến buổi tiệc bằng máy bay trực thăng, loại phương tiện có lượng khí thải rất lớn.

Vài hôm sau, Bezos tiếp tục đối mặt với phản ứng dữ dội khi đi bằng máy bay riêng tới hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Scotland.

Bù đắp carbon là gì?

Những người thuộc giới siêu giàu thường viện lý do an ninh và lịch trình bận rộn để di chuyển bằng máy bay hoặc du thuyền cá nhân.

Trong quyển How to Avoid a Climate Disaster (Tạm dịch: Làm thế nào để tránh thảm họa khí hậu) phát hành năm nay, Gates viết rằng ông chống lại lượng khí thải từ máy bay của mình bằng cách "bù đắp thông qua một cơ sở loại bỏ carbon dioxide khỏi không khí".

Hôm 2/11, người phát ngôn của Bezos cũng cho rằng tổ chức Bezos Earth Fund trị giá 10 tỷ USD sẽ "bù đắp tất cả lượng khí thải carbon từ các chuyến bay" của nhà sáng lập Amazon.

Bill Gates tra phi moi truong anh 2

Hàng loạt máy bay cá nhân đưa các tỷ phú và chính trị gia tham dự COP26. Ảnh: AFP.

Về mặt lý thuyết, bù đắp carbon là việc cân bằng lượng carbon tạo ra thông qua tài trợ cho các dự án loại bỏ khí gây hiệu ứng nhà kính. Một đơn vị tín dụng bù đắp carbon tương đương với một tấn CO2 hoặc khí thải khác được loại bỏ khỏi bầu khí quyển.

Các công ty hoặc chính phủ có thể mua tín dụng carbon để bù lượng khí thải từ việc sản xuất tại nhà máy. Một số cá nhân cũng dùng cách này nhằm trả lại cân bằng cho bầu khí quyển sau khi đi xe hơi, máy bay riêng.

Những người muốn mua tín dụng bù đắp carbon có thể chi tiền cho các doanh nghiệp, chương trình trồng rừng, sản xuất năng lượng tái tạo. Theo nghiên cứu do Bank of America công bố vào tháng 9, giá bù đắp mỗi tấn khí khải vào khoảng 2-20 USD.

Trên blog cá nhân, Bill Gates cho biết ông trả khoảng 5 triệu USD/năm để bù đắp lượng khí thải carbon của gia đình mình. Nhà sáng lập Microsoft không nói rõ số tiền này được chi vào đâu, nhưng ông đã đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, giảm khí nhà kính.

Gates tài trợ cho startup Carbon Engineering ở Canada, sử dụng quy trình "thu nhận không khí trực tiếp" để hút carbon dioxide từ không khí và lưu trữ nó một cách an toàn. Ngoài ra, ông cũng tham gia vào một công ty khác của Iceland có tên là Carbfix, chuyên thu CO2 từ các nhà máy điện và chứa nó trong đá núi lửa.

Bù đắp carbon có hiệu quả hay không?

Câu trả lời không đơn giản là "có" hoặc "không". Một số chuyên gia bày tỏ sự hoài nghi về lượng khí thải bù đắp trong những năm gần đây - đặc biệt là hiệu quả và độ tin cậy của các chương trình tín dụng carbon.

Vào năm 2019, tổ chức ProPublica phát hiện ra một số trường hợp bán tín dụng bù đắp carbon nhưng không thực hiện hành động thu hồi khí thải như đã cam kết.

Bill Gates tra phi moi truong anh 3

Khi cây cháy, toàn bộ carbon nó tích trữ sẽ thải ngược ra môi trường. Ảnh: ProPublica.

Các cánh rừng được trồng trong chương trình bù đắp carbon chỉ duy trì một thời gian ngắn trước khi bị cháy hoặc tàn phá để lấy gỗ. Cuối cùng, tác dụng thu hồi CO2 cũng bằng không.

Bang California (Mỹ) đang cố gắng bù đắp lượng khí thải carbon của mình bằng cách đầu tư trồng rừng. Đây là một phần trong nỗ lực đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2045.

Tuy nhiên, nghiên cứu của CarbonPlan cho thấy tiểu bang đã đánh giá quá cao đối với khả năng thu hồi khí thải từ chương trình này và phần bù đắp "không phản ánh những lợi ích thực sự về khí hậu".

Tháng trước, tổ chức môi trường Greenpeace kêu gọi chấm dứt tình trạng bù đắp carbon. Họ hoài nghi cơ chế này đang thu hút nguồn tiền tài trợ từ các dự án chống biến đổi khí hậu dài hạn.

Các nhà hoạt động khác cho rằng bù đắp carbon là cách để những tập đoàn và tỷ phú biện minh cho hành động gây ô nhiễm của họ.

Dù vậy, việc bù đắp carbon đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là khi các tổ chức và chính phủ đồng loạt cam kết cắt giảm lượng khí thải, tiến tới trung hòa CO2.

Theo ước tính của Institute for International Finance, chi tiêu toàn cầu cho bù đắp carbon có thể tăng từ mức khoảng 300 triệu USD vào năm 2018 lên hơn 100 tỷ USD vào năm 2030.

Bitcoin có tác hại như thế nào tới môi trường? Để khai thác Bitcoin, người ta cần rất nhiều máy đào hoạt động liên tục 24/7. Lượng khí thải carbon từ hoạt động đào Bitcoin tương đương với toàn bộ khí thải carbon của Argentina.

Đây là lúc thế giới cần những cỗ máy ăn khí carbon

Các loại máy có thể hút khí CO2 là "vũ khí" hiệu quả nhất của con người để chống lại sự nóng lên toàn cầu hiện nay.

Tác hại của nước đóng chai

Các nhà khoa học chỉ ra rằng việc sản xuất nước đóng chai tàn phá môi trường nặng nề hơn so với những gì chúng ta nghĩ đến.

Du lịch vũ trụ có thể làm thủng tầng ozone

Để phục vụ chuyến tham quan ngoài không gian kéo dài chục phút, tên lửa phóng tàu vũ trụ sinh ra lượng khí thải lớn, ảnh hưởng đến môi trường.

Nguyễn Hiếu

Theo CNBC

Bạn có thể quan tâm