Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biệt tài của Đệ tam đại phú Sài Gòn - Chợ Lớn xưa

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, bá hộ Xường không chỉ giỏi thương trường, mà còn tinh thông sách vở. Ông cũng là tác giả của một số đầu sách.

Tu dai phu anh 1

Ông Lý Tường Quang và vợ cả Nguyễn Thị Lâu. Nguồn: wikipedia.

Trong tứ đại phú Sài Gòn - Chợ Lớn xưa, bá hộ Xường - doanh nhân gốc Hoa ở Chợ Lớn, tên thật là Lý Tường Quan, hiệu Phước Trai được người đời xếp vào hàng thứ ba.

Gia tài kếch xù

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (sách Sài Gòn - Chợ Lớn ký ức đô thị và con người) cha của Lý Tường Quan là Lý Sáng Công (1781-1855) tên tự là Lý Sáng Ế (hay Ái) là người Hoa gốc Quảng Đông sang Việt Nam sinh sống, lấy bà Trần Thị Thơ người Việt. Lý Tường Quan là con thứ ba của hai ông bà.

Còn theo thông tin ghi trên văn bia tại khu mộ của Lý Tường Quan (được tác giả Nguyễn Đức Hiệp dẫn lại trong sách) thì ông sinh tại thôn Nhơn Hòa (Gia Định) vào năm 1842, lúc mới sinh có “hồng hoa bao để” (đẻ bọc điều) nên đặt tên là Lý Tường Quan.

Văn bia này cũng ghi lại những nét chính về tiểu sử của vị đại phú này như sau: “Thuở nhỏ, ông làu thông sách vở, trọn đạo hiếu để. Khi lớn lên giữa lòng trong sạch, ra sức làm việc, trên thuận dưới hòa, chăm lo đọc sách, lại phàm việc bắn cung cởi ngựa, viết chữ bói toán, cầm kỳ thi họa đều lảo thông.

Thoạt đầu là Bang trưởng bang Triều Châu, khi Pháp đến cử ông làm bang trưởng 7 bang Hoa kiều, kiêm thông dịch cho người Pháp - việc thành lập 25 Hộ trưởng trong đô thành đều do công sức của ông.

Sau đó ông về trí sĩ, lo việc buôn bán. Người Pháp nhiều lần mời mọc ông tham gia chính quyền nhưng ông đều từ chối. Tiếp đó, ông nghỉ việc buôn bán, bỏ ra 20 năm đầu tư vào việc xây chợ, bắc cầu, xuôi ngược khắp nơi, vang tiếng một thời.

Đến năm 1896 ngày 21 tháng 10, đang truyện trò cười nói như thường, bỗng nhiên kháng bệnh, rồi mất …”.

Cụ Vương Hồng Sển trong sách Sài Gòn năm xưa thì cho biết người xếp thứ ba trong câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” như sau:

“Hộ Xường, vốn là thông ngôn xuất thân. Sớm xin thôi, ra lãnh thầu cung cấp vật dụng thức ăn cho thị xã. Nhờ khéo tay thêm phùng thời, cự phú không mấy hồi. Còn nhà thấp năm căn nửa xưa nửa nay tọa lạc đường Khổng Tử.

Vòng rào sắt trước ngõ chứng rằng mặt tiền ngó ra kinh có lẽ trước kia cao ráo, nay kinh đã lấp, thế vào đây là một con đường cái, thềm lộ bồi đất cao hơn sân nhà, thành thử sân như sâu xuống và vuông nhà đã thấp nay lại càng lụp xụp. Chủ nhà mất đã lâu, gia tài kếch xù, con cái nhiều dòng, phần ăn chia chưa xong”.

Viết sách thiên về giáo dục

Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, Lý Tường Quan là người thông minh lanh lợi, nên được viên sĩ quan hải quân trẻ người Pháp Albert Gaudot dùng làm thông dịch viên sau khi Gaudot được giao trách nhiệm quản lý thành phố Chợ Lớn năm 1863. Gaudot cũng là sĩ quan tham gia trận đánh đồn Kỳ Hòa năm 1861. Khi Gaudot mất vì bệnh ở Côn Đảo, bến dọc rạch Chợ Lớn được đặt tên là quai de Gaudot (sau này lấp thành đường Khổng Tử và nay là đường Hãi Thượng Lãn Ông).

Một góc ngôi nhà cổ của bá hộ Xường ở 292 Hải Thượng Lãn Ông. Nguồn: nguoiduatin.
Tu dai phu anh 2
Tu dai phu anh 2

Một góc ngôi nhà cổ của bá hộ Xường ở 292 Hải Thượng Lãn Ông. Nguồn: nguoiduatin.

Ông Hiệp cũng cho biết, do có tài và thành công trong thương trường nên Lý Tường Quan được bầu là bang trưởng bang Triều Châu ở Chợ Lớn.

Theo nhà văn Đào Trinh Nhất (sách Thế lực khách trú) ở Chợ Lớn có 5 bang Hoa Kiều: bang Quảng Đông, bang Phúc Kiến, bang Triều Châu, bang Hà Cá, bang Hải Nam.

Nói về nghề nghiệp của các bang, nhà văn cho biết người bang Triều Châu nấu nướng đồ ăn rất khéo cho nên nghề tiệm cao lâu của họ cũng rất phát đạt. Họ cũng làm nghề buôn bán nhưng có phần kém hơn hai bang Quảng Đông và Phúc Kiến. Một số khác thì làm những tiện nghệ như bạn thuyền, cu-li khuân vác hàng hóa.

Nói về tổ chức của các bang hội Hoa Kiều, tác giả sách Thế lực khách trú cho biết mỗi bang đều có một quỹ riêng có nhiều tiền; có một lãnh tụ (tức bang trưởng). Người làm bang trưởng bao giờ cũng là người có tuổi, giàu có, từng trải, biết nhiều…

Theo nhà nghiên Nguyễn Đức Hiệp, bá hộ Xường không những giỏi trong thương trường, mà còn là một người có học rộng biết nhiều và có biệt tài viết sách. Ông còn để lại ít nhất 3 tựa sách in ở Quảng Đông mà ông là tác giả (Phiên Thành Phước Trai tiên sinh): Ấu học thi diễn nghĩa, Thiên tự văn diễn nghĩa. Tam tự kinh diễn nghĩa. Nội dung thiên về giáo dục, viết bằng chữ Hán và dịch ra Nôm theo thể văn thơ.

Cũng theo ông Hiệp, bá hộ Xường khi còn sinh thời cư ngụ ở trung tâm Chợ Lớn cạnh rạch Chợ Lớn, nay là 292 đường Hải Thượng Lãn Ông. Căn nhà cổ này (nay là Từ đường họ Lý) đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2009. Gia đình ông bá hộ Xường có nhiều nhà cửa ở Sài Gòn-Chợ Lớn.

Bá hộ Xường mất năm 1896, được an táng ở Phú Thọ Hòa, Tân Phú. Tất cả cơ ngơi của ông đều để lại cho các con. Một trong những người con của ông là Lý Thành Huy tiếp tục con đường kinh doanh của cha.

Bài liên quan

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm