Những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ở Sài Gòn nổi lên 4 nhà đại phú. Họ không chỉ giàu nhất Nam Kỳ lục tỉnh, mà còn giàu nhất cả Đông Dương thời bấy giờ. Bởi thế, trong dân gian người miền Nam xưa mới có câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xương, tứ Định” truyền tụng cho đến tận ngày hôm nay.
Giàu sang bậc nhất nhờ gặp may
Theo cụ Vương Hồng Sển (sách Sài Gòn năm xưa), nhân vật xếp hạng “số một” trong 4 nhà đại phú là ông Lê Phát Đạt, người Cầu Kho, xếp thứ hai là tổng đốc Đỗ Hữu Phương, thứ ba là bá hộ Xường, người gốc Minh Hương, tên thật là Lý Tường Quan, thứ tư là bá hộ Định, họ Trần.
Bức ảnh hiếm hoi về đại phú hộ Huyện Sỹ Lê Phát Đạt. Nguồn: thuonggiaonline. |
Theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang (sách Nam Phương hoàng hậu cuối cùng), tên thật của Lê Phát Đạt là Lê Phát Sỹ. Ông là cháu chắt của Mathiéu Lê Văn Gẫm - một ông cố tử vì đạo. Gia đình ông không khá giả nên phải bỏ đất Sài Gòn về Tân An làm nghề lái đò chở lương thực thuê. Cố đạo Moulin biết gia đình họ Lê có người tử vì đạo và thấy Lê Phát Sỹ có nhiều tư chất như thông minh, hiền lành, lương thiện, có chí học hành nên nhận làm con đỡ đầu để nuôi ăn học.
Lê Phát Sỹ học hết bậc tiểu học ở Sài Gòn rồi được cố Moulin gửi sang học ở chủng viện Penang, Mã Lai. Tại đây, ông đổi tên thành Lê Phát Đạt vì trùng tên với một giáo sĩ.
Sau khi tốt nghiệp, Lê Phát Đạt không làm tu sĩ hay linh mục mà về nước làm thông ngôn cho chính quyền Pháp. Ông làm việc tại tỉnh Tân An nhiều năm, được người Pháp cho nhiều bổng lộc, quyền lợi.
Ngay thời Tây mới qua, Lê Phát Đạt đã gặp may và “giàu hụ” nhờ mua hàng chục nghìn mẫu ruộng hoang trải rộng từ Nam Sài Gòn đến Đồng Tháp Mười, do chính quyền Pháp phát mãi với giá rẻ mạt. Ruộng trúng mùa liên tiếp mấy năm liền, ông mau chóng giàu có và dư thừa tiền bạc.
Sau khi trở thành đại phú, người Pháp đã ban cho ông chức huyện hàm (hàm Tri huyện chứ không phải Tri huyện tại chức) để có chút danh với đời. Sau người dân trong vùng gộp tên cúng cơm của ông với chức huyện hàm này và gọi tên là Huyện Sỹ.
Huyện Sỹ sau thôi không làm cho chính quyền Pháp “sáng vác ô đi, tối cắp ô về” mà ở nhà trông ruộng đất và hoạt động xã hội như xây trường học, viện tế bần, nhà thương, nhà thờ… để làm công ích cho xã hội
Ông bỏ tiền mua đất ở khu chợ Đũi để cất ngôi nhà thờ theo kiểu Roman rất đẹp, dân gian gọi là Nhà thờ Huyện Sỹ. Nhà thờ này từng được chọn làm nhà thờ chính tòa của địa phận Sài Gòn. Huyện Sỹ còn dâng cúng 600 ha đất ở vùng Chí Hòa để xây cất dưỡng đường cho các cha đạo có tuổi, ốm đau hoặc về hưu.
Về đường con cái, Huyện Sỹ sinh được bốn người con, thứ nhất là Lê Phát An, thứ hai là Lê Thị Bình (mẹ của Nam Phương hoàng hậu), thứ ba là Lê Phát Vĩnh, thứ tư là Lê Phát Thanh. Họ đều đi du học ở Pháp và đều là những triệu phú, điền chủ có rất nhiều ruộng đất. Họ cũng noi gương thân phụ làm việc xã hội, cúng tiền bạc cho nhà thờ, miếu đình, nhà thương, viện tế bần, mua đất xây nhà thờ...
Được vua ban ngôi vị cao quý của triều đình
Ông Lê Phát An - Trưởng nam của Huyện Sỹ là người có vai trò quan trọng trong chuyện hôn nhân của cô cháu gái Nguyễn Hữu Thị Lan với vua Bảo Đại. Theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang (sách Bảo Đại - vị vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam) ông Lê Phát An vốn không có con cái, nên đã dồn tất cả tiền bạc cho các cháu ăn học, riêng Nguyễn Hữu Thị Lan thì được cưng hơn cả.
Denis Lê Phát An (1868-1946). Nguồn: wikipedia. |
Khi mới nhập học ở Pháp có thầy tướng nói với ông An rằng Thị Lan là người phúc hậu, cổ cao ba ngấn, thuộc loại hàng quý tướng, ngày sau sẽ trở nên phú quý giàu sang bậc nhất.
Thời đó, xứ Nam Kỳ nói về giàu thì “nhất Sỹ, nhì Phương”, song Huyện Sỹ giàu nhưng không có “danh” bằng Tổng đốc Đỗ Hữu Phương. Chính vì thế Lê Phát An nhất quyết nhờ cậy Toàn quyền Pasquier và Khâm sứ Charles cho Nguyễn Hữu Thị Lan được kết duyên với vua Bảo Đại. Họ thiết kế một buổi dạ tiệc để Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan gặp nhau.
Nhờ mai mối và giúp sức của vợ chồng Pasquier và sau nhiều cuộc hẹn hò, vua Bảo Đại đã quyết định lấy Nguyễn Hữu Thị Lan và tấn phong bà làm hoàng hậu ngay trong ngày cưới, bất chấp những can ngăn của bà Từ Cung và Tôn nhân phủ.
Vào ngày cưới của cô cháu gái, ông Lê Phát An đã tặng cho Nguyễn Hữu Thị Lan một món hồi môn kếch xù. Tờ Hà Thành Ngọ báo số 1958 ra ngày 16/3/1934 có bản tin vắn cho biết “ông Lê Phát An cậu ruột cô Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Hào, nhà giàu nhất Nam kỳ cho cô 1 triệu đồng làm của hồi môn”.
Nếu quy đổi số tiền 1 triệu đồng lúc bấy giờ với giá vàng khoảng 50 đồng/lượng, thì ông Lê Phát An đã tặng tân hoàng hậu số tiền tương đương 20.000 lượng vàng. Và cũng chính từ món hồi môn đám cưới rất lớn này, mà dư luận hồi đó đã đồn thổi mức độ giàu có của gia đình Huyện Sỹ lớn hơn so với vua Bảo Đại.
Sau ông Lê Phát An còn lên tột đỉnh vinh quang khi được vua Bảo Đại phong tước An Định Vương. Ông là người duy nhất trong lịch sử Nam Kỳ thuộc hàng dân dã, không là “hoàng thân, quốc thích” được lên ngôi vị cao quý nhất của triều đình.
Ông còn được Phủ Toàn quyền Đông Dương đưa tên vào trong sách Hoàng gia và chức sắc Đông Dương xuất bản năm 1943 (tập sách liệt kê thứ tự theo vần chữ cái 451 nhân vật, kèm theo ảnh từng người, của hoàng gia trong triều đình ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, cùng các quan chức và nhân sĩ có tên tuổi của Đông Dương) dù không thuộc dòng dõi hoàng gia, cũng không phải viên chức của nhà nước thuộc địa.
Thông tin về ông trong sách này ghi như sau: Ông Denis Lê Phát An, sinh năm 1868 tại Bình Lập (Tân An, Nam Kỳ). Đã học ở Marseille. Trở lại Nam Kỳ, ông đảm nhiệm công việc kinh doanh dưới sự chỉ đạo của cha mình là Philippe Lê Phát Đạt, một trong những địa chủ lớn nhất thời bấy giờ.
Ông dành phần lớn hoạt đông của mình dành cho các công việc từ thiện và được Vatican và Chính phủ An Nam trao tặng những danh hiệu danh dự. Thông qua cuộc hôn nhân của một trong những người cháu gái của ông với Hoàng thượng Bảo Đại, ông trở thành cậu của Nam Phương Hoàng hậu.