Đầu thế kỷ 20, với câu nói “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” người dân Sài Gòn đã mặc nhiên xếp Tổng đốc Phương là người giàu thứ hai trong tứ đại phú.
Tổng đốc Phương tên thật là Đỗ Hữu Phương. Ông sinh năm 1841 tại Chợ Đũi (Sài Gòn) trong một gia đình khá giả. Cha ông là Bá hộ Khiêm (gốc Minh Hương). Mẹ ông là con gái của một quan tri phủ ở Nam Kỳ gốc Quảng Nam. Đỗ Hữu Phương biết chữ Hán và nói được một ít tiếng Pháp.
Làm giàu từ bắt tay với Pháp
Theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang (sách Sài Gòn vang bóng), Đỗ Hữu Phương trở nên giàu có và quyền lực ở thời kỳ đó là vì cả gia đình ông đều phục vụ cho chính quyền thực dân Pháp tại Nam Kỳ.
Đỗ Hữu Phương thời trẻ. Ảnh: Émile Gsell. |
Bắt tay với Pháp, Đỗ Hữu Phương được cất nhắc dần lên các chức vụ. Khi có địa vị và quyền lực, ông ta bắt đầu làm giàu bằng những ơn huệ, bổng lộc do Pháp ban, rồi sau đó gia nhập quốc tịch Pháp.
Tác giả sách Sài Gòn vang bóng cho biết, khi quân Pháp tiến đánh Gia Định (năm 1859), các nghĩa quân nổi lên, Đỗ Hữu Phương sợ bị giết nên đã chạy lên khu Bà Điểm (Hóc Môn) lánh thân và chờ thời. Đến khi thành Chí Hòa thất thủ (1861) quân Pháp làm chủ cả Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, ông ta tìm cách ra hợp tác với người Pháp. Lúc đó, Phương nhờ cai tổng Phước ở Bình Điền đưa ra trình diện tham biện hạt Chợ Lớn Francis Garnier và được nhận làm cộng sự.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (sách Sài Gòn - Chợ Lớn ký ức đô thị và con người) sau khi đã phá được đồn Chí Hòa, người Pháp đã tuyên bố Sài Gòn là cảng tự do mở cửa buôn bán với thế giới bên ngoài. Thương mại người Hoa ở Chợ Lớn đã bột phát giúp cộng đồng người Hoa và Minh Hương ở Sài Gòn - Chợ Lớn hồ hởi tham gia vào tình hình kinh tế mới.
Trong năm 1861 đầy biến động này, Đỗ Hữu Phương thấy được cơ hội mới, ông đã tiếp xúc và làm việc với người Pháp đang chân ướt chân ráo cố gắng tuyển dụng người nhằm thiết lập một nền hành chính rất sơ khai ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông được phong ngay chức trưởng khu Chợ Lớn (chef de quartier Cholon), sau thành huyện Chợ Lớn. Sau đó, ông tiếp tục được phong làm Đốc Phủ tỉnh Chợ Lớn (1872).
Theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, nhờ chức này nên Đỗ Hữu Phương dễ dàng làm giàu bằng cách cấp môn bài buôn bán cho người Hoa và ưu tiên cho một số người Hoa xuất nhập cảng thực phẩm vào Nam Kỳ để bán với giá cắt cổ cho người Việt.
Mặt khác, Đỗ Hữu Phương còn có người vợ khôn lanh, biết giao thiệp rộng nên khách khứa tây, ta thuộc giới thượng lưu giàu có thường lui tới nhà ông ta dự tiệc tùng để bàn chuyện thương mại.
Nói về người vợ này của Đỗ Hữu Phương trong cuốn Sài Gòn năm xưa cụ Vương Hồng Sển viết: “Sự nghiệp [của ông Phương] trở nên đồ sộ nhứt nhì trong xứ, phần lớn do tay phu nhân Trần thị gây dựng. Bà giỏi tài đảm đang nội trợ, một tay quán xuyến trong ngoài, làm của đẻ thêm ra mãi”.
Ông Đỗ Hữu Phương cùng vợ và các con. Nguồn: wikipedia. |
Dinh thự tráng lệ
Nói về độ giàu có của Đỗ Hữu Phương, Lý Nhân Phan Thứ Lang cho biết ông ta có trong tay 2.223 mẫu tây ruộng ở Miền Tây. Dinh thự của ông ở dọc kinh Xếp tráng lệ bậc nhất Sài Gòn, nhìn bề ngoài kiến trúc kiểu Tây, bên trong là phong cách Á Đông, bên trong dinh thự còn có cả nhà hát…
Con cái của Đỗ Hữu Phương đều thành đạt và danh giá xứ Đông Dương thời đó. Đỗ Hữu Châu được Pháp cho nhập học trường sĩ quan và lên đến chức đại tá trong quân đội Pháp. Đỗ Hữu Tài là Chánh án. Đỗ Hữu Vị gia nhập không quân bên Pháp và lên chức trung úy. Đỗ Hữu Sửu và Đỗ Hữu Thỉnh đều được Pháp trọng dụng và trở thành công chức cao cấp của Pháp. Đỗ Thị Chẩn lấy Hoàng Trọng Phu, tổng đốc Hà Đông. Đỗ Thị Dần lấy Lê Nhiếp, tổng đốc Hải Dương.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, Đỗ Hữu Phương có cách sống xa hoa, hưởng thụ. Ông ta còn “Pháp hóa hơn cả người Pháp”.
Đỗ Hữu Phương thường lui đến những nơi xa hoa bậc nhất ở Sài Gòn như nhà hàng khách sạn Continental và Café de la Paix để gặp gỡ các bạn bè Pháp Việt thượng lưu tri thức.
Theo lời kể của bá tước Pirre Barthélemy (dẫn trong sách Sài Gòn - Chợ Lớn ký ức đô thị và con người), trong một lần ghé thăm dinh thự của Đỗ Hữu Phương, ông đã thấy tất cả sự giàu sang của một ngôi biệt thự trộn Á và Âu, riêng nội thất phải viết rất nhiều trang giấy.
Cũng theo bá tước Pirre Barthélemy thường thì ông Phương ăn đồ ăn Tây ở nhà, nhưng hôm đó ông đãi khách vài món An Nam và thêm vào các món ăn Tàu.
Sau bữa ăn, ông cho khách thử ống pip thuốc phiện và dẫn khách viếng thăm tòa nhà villa kiểu Âu của ông ta. “Một phòng tiếp khách lớn nằm ở giữa trung tâm tòa nhà. Ở giữa phòng khách này là một bàn đỡ một cặp ngà voi thật tuyệt đẹp. Chung quanh là các tủ kính chứa đầy các vật bằng ngọc thạch và các đồ mỹ nghệ đắt giá…”. Bá tước Pirre Barthélemy cho biết.
Còn Toàn quyền Paul Doumer trong cuốn hồi ký Xứ Đông Dương viết về Đỗ Hữu Phương như sau: “Quan phủ Chợ Lớn là ông Đỗ Hữu Phương, được tất cả những người sống ở Nam Kỳ hoặc chỉ qua Nam Kỳ biết tới. Hiện ông ta làm mang hàm Tổng đốc danh dự, cao hơn hàm khi tại vị. […]
Ông Phủ Chợ Lớn tiếp người châu Âu trong nhà mình, đãi họ bằng sâm panh và bánh quy bơ Nanté, luôn mồm không biết mệt mỏi giới thiệu các món ăn An Nam, tổ chức những buổi biểu diễn sân khấu An Nam theo yêu cầu của khách”.
Mặc dù bị người đời chê trách làm việc cho Pháp, nhưng Đỗ Hữu Phương cũng có một vài hoạt động mà tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang gọi là “coi được”. Đó là ông đề nghị Pháp xây dựng Trường nữ sinh bản xứ và một trường trung học dành cho nam…
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, Đỗ Hữu Phương đã đi qua Pháp 4 lần, viếng các thủ đô ở Âu châu và đi chuyến vòng quanh thế giới vào năm 1884. Trong danh sách các hành khách đi tàu Anadyr từ Sài Gòn đến Marseille ngày 29/4/1889, có tên ông cùng hai người con.
Ông về hưu năm 1897 và qua đời năm 1914. Pháp đã lấy tên ông đặt tên cho con đường lớn chỗ ông ở (nay là đường Châu Văn Liêm).