Nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn về công việc của biên tập viên sách, mới đây, Quảng Văn Books tổ chức buổi workshop online với chủ đề “Biên tập sách - công việc thầm lặng”.
Hai diễn giả là bà Ngô Thu Ngần - Trưởng phòng biên tập sách văn học nước ngoài, Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam và ông Trịnh Minh Tuấn - CEO Quảng Văn Books.
Xương sống của một đơn vị xuất bản
Bên cạnh việc trình bày những nét đặc trưng cơ bản của nghề biên tập sách theo quan niệm truyền thống, hai diễn giả còn nêu quan điểm về công việc này trong thời đại 4.0 hiện nay.
Bà Ngô Thu Ngần cho biết theo quan niệm truyền thống, biên tập viên giống như "bà đỡ", chăm lo cho quá trình ra đời một cuốn sách - đứa con tinh thần của một tác giả hoặc dịch giả.
Bà Ngô Thu Ngần, NXB Phụ nữ Việt Nam. Nguồn: Quảng Văn Books. |
Ngày nay, biên tập viên được ví là xương sống của một đơn vị xuất bản. "Họ phải tham gia vào nhiều công đoạn liên quan và kết nối với các bộ phận trong quy trình xuất bản một cuốn sách, chứ không đơn thuần là đút chân gầm bàn, sửa câu chữ hay lỗi chính tả trên bản thảo”, bà Ngần nói.
Công việc đầu tiên của biên tập viên sẽ là khai thác, lên đề cương, duyệt kế hoạch bản thảo với ban biên tập, các phòng, ban liên quan trong nhà xuất bản. Bên cạnh đó, người làm nghề này còn trực tiếp hoặc gián tiếp thương lượng về bản quyền, giao dịch bản quyền với tác giả hoặc dịch giả.
Công việc thứ hai của biên tập viên là khai thác tài trợ. Họ trực tiếp hoặc gián tiếp khai thác tài trợ dịch thuật, xuất bản, truyền thông từ các quỹ văn hóa, dịch thuật, hoặc tổ chức văn hóa, đại sứ quán...
Công việc thứ ba là trực tiếp biên tập bản thảo. Khi có một bản thảo từ tác giả hoặc dịch giả gửi tới, họ sẽ biên tập câu chữ, bố cục và hình ảnh (nếu có).
Bà Ngần cũng cho hay sau khâu biên tập bản thảo, biên tập viên còn phải làm việc cùng các bộ phận khác trong nhà xuất bản, ví dụ như chế bản, dàn trang, sửa morat, hoặc làm việc với họa sĩ vẽ bìa, hoặc họa sĩ vẽ minh họa cho cuốn sách.
“Lúc này, họ phải đưa ra những thông tin xuất hiện trên bìa, tem sách, hoặc gợi ý các ý tưởng vẽ bìa cho họa sĩ tham khảo và tham gia quá trình duyệt maket bìa”, bà Ngần nói.
Bên cạnh đó, biên tập viên còn phải kết nối với bộ phận truyền thông, kinh doanh, phát hành để quảng bá và đưa sách ra thị trường, hoặc tiếp cận đối tượng bạn đọc tiềm năng.
Một công việc “bếp núc” khác nữa là họ còn phải làm việc với bộ phận kế toán, tài vụ để theo dõi việc trả thù lao nhuận bút, nhuận dịch cho các tác giả.
“Giám đốc” của bản thảo
Đồng tình với ý kiến của bà Ngô Thu Ngần, ông Trịnh Minh Tuấn cho rằng biên tập viên thời 4.0 là “giám đốc” của một bản thảo. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh vai trò tổ chức của biên tập viên.
Theo ông Tuấn, công việc của biên tập viên có hai loại là bên trong và bên ngoài nhà xuất bản. Công việc bên trong gồm thẩm định, biên tập, đối chiếu, làm việc với bộ phận bản quyền, dàn trang, thiết kế, tiếp thị, kinh doanh, kế toán. Công việc bên ngoài là làm việc với tác giả, dịch giả hoặc hội sách.
“Gần đây, cũng có lý thuyết cho rằng vai trò của biên tập viên dần chuyển sang vai trò của một tư vấn chứ không thuần túy là chuyện câu chữ và biên tập”, ông Tuấn nói.
Quan điểm của ông Tuấn về biên tập viên cũng khác so với quan niệm truyền thống và một số đơn vị làm sách khác. Đó là bên cạnh những công việc trên, biên tập viên còn phải bảo vệ bản thảo trước hội đồng và giới thiệu chúng trước phòng kinh doanh và phòng tiếp thị.
Ngoài ra, biên tập viên còn phải biết cách tìm ra những tác giả tiềm năng, nuôi dưỡng, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tác giả đó thể hiện được ra hết tài năng của mình.
Ông Trịnh Minh Tuấn - CEO Quảng Văn Books. Nguồn: FBNV. |
Một công việc đa năng, đa nhiệm
Cũng tại buổi workshop, hai diễn giả còn trả lời các câu hỏi xung quanh nghề biên tập viên sách. Một trong những câu hỏi đó là “biên tập sách có được coi là nghề thầm lặng hay không?”.
Trả lời câu hỏi này, bà Ngô Thu Ngần cho rằng đây là nhận định đúng nhưng chưa đủ. So với trước đây, hiện nay, người làm công việc này còn phụ trách nhiều khâu và quy trình khác nhau.
“Thậm chí, những năm gần đây, nhiều biên tập viên đã bước ra ánh sáng để truyền thông cho một cuốn sách, quảng bá cho sản phẩm của mình đỡ đầu trên nhiều kênh để nó đến tay độc giả”, bà Ngần nói.
Theo ông Trịnh Minh Tuấn, công việc của biên tập viên sách hiện tại sôi nổi hơn rất nhiều, đa năng, đa nhiệm hơn trước.
Ông Tuấn lấy ví dụ, khi tham dự một số hội chợ sách quốc tế ở Singapore, Malaysia, ông thấy có rất nhiều biên tập viên giới thiệu những cuốn sách do chính họ biên tập, được nhà xuất bản ấn hành.
“Biên tập viên sẽ trình bày những tiềm năng của cuốn sách với thị trường xuất bản các nước. Họ nói một cách sôi nổi, hoạt bát. Lúc này, biên tập viên không còn thầm lặng nữa mà là một ngôi sao của hội sách quốc tế”, ông Tuấn nói.