- Ông đánh giá như thế nào về lực lượng biên tập viên sách hiện nay? Liệu con số gần 1.200 biên tập viên được cấp chứng chỉ hành nghề trong thời gian qua có là ít so với gần 30.000 đầu sách một năm (số liệu năm 2015)?
- Lượng biên tập viên ít hay nhiều là do thị trường quy định, do nhu cầu, điều kiện của từng nhà xuất bản. Chúng tôi chưa có điều kiện để tổng hợp việc đó. Nhưng có một điều chắc chắn là, để có một biên tập viên giỏi mất rất nhiều thời gian, cần sự trân trọng của xã hội. Đặc biệt là của báo chí.
Báo chí lâu nay phê phán rất nhiều sai sót của biên tập viên. Nhưng cũng đề nghị báo chí cần khen ngợi ghi nhận công lao đóng góp của biên tập viên kỳ cựu, có đóng góp với nghề.
Ví dụ, biên tập viên của NXB Trẻ, NXB Chính trị Quốc gia… rất giỏi. Họ làm việc có trách nhiệm, ở những lĩnh vực hóc búa, và vẫn làm tốt.
Ghi nhận xã hội, kể cả bậc lương, và với thông tin báo chí chưa đúng mức với lao động của họ. Chúng ta quan tâm tới họ, không chỉ đòi hỏi ở họ, mà còn sự ghi nhận, động viên họ.
- Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề điều tiết của thị trường đối với lượng biên tập viên?
- Đó là do điều tiết của các nhà xuất bản. Ví dụ, để đào một cái hố, có thể chỉ cần một ông, nhưng có chỗ có thể phải năm ông mới làm được. Lĩnh vực này, cuốn sách này có thể một người biên tập là được, nhưng có những cuốn sách liên quan đến nhiều kiến thức chuyên ngành, khoa học thì cả chục người biên tập. Do thị trường, nhu cầu của các nhà xuất bản mà có lượng biên tập viên phù hợp.
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất Bản, tại hội thảo về công tác biên tập viên nhà xuất bản. |
- Thời gian qua bên cạnh người làm tốt làm giỏi, còn có nhiều sách sai, sách làm ẩu đã ra thị trường và bị xử phạt. Liệu các biên tập viên trong giai đoạn này gặp thách thức gì?
- Họ không gặp thách thức gì mới mẻ. Chỉ khác là khi họ cầm chứng chỉ hành nghề biên tập viên, thì đồng thời với đó là trách nhiệm. Ai lấy tên của họ ghi vào xuất bản phẩm của đối tác liên kết mà không cho họ biết, không qua họ biên tập, thì họ đang bị lợi dụng. Các lãnh đạo hoặc những người bên ngoài lợi dụng thì họ phải đấu tranh bảo vệ chính mình.
Việc cấp thẻ hành nghề biên tập cũng là để nâng cao trách nhiệm làm nghề. Một hình thức kiểm soát đối với lĩnh vực này. Nhưng có một số người vẫn nể nang, chưa đấu tranh.
Sắp tới, khi các cơ quan quản lý làm nghiêm, nếu tên tuổi của họ bị lợi dụng trên những cuốn sách vi phạm, cơ quan quản lý thu thẻ, thì buộc họ phải lên tiếng.
- Như vậy là thời gian qua tồn tại hiện tượng biên tập viên có thẻ hành nghề chỉ đứng tên trên cuốn sách mà không hề biên tập cuốn đó?
- Cái đó không ai kết luận được, bởi bản thân tôi chưa trực tiếp bắt được và xử lý vụ nào.
- Công tác đào tạo nghiệp vụ và cấp chứng chỉ hành nghề biên tập được thực hiện ra sao trong thời gian qua?
- Thời gian qua hơn 1.000 biên tập viên đã được đào tạo và cấp thẻ. Theo chúng tôi, tuyệt đại đa số thực hiện tốt chức năng của mình. Bằng chứng là số sách vi phạm, số sách ẩu trong công tác biên tập đã giảm triệt để. Số vụ nghiêm trọng như những năm trước là không còn. Chỉ còn những sai sót mà sai sót trước khi phát thẻ biên tập viên.
Bởi vậy, có thể nói việc phát thẻ biên tập viên là nâng cao trình độ, trách nhiệm. Biên tập viên cũng ý thức được điều đó. Đó là bước tiến lớn của biên tập viên ở các nhà xuất bản. Tôi đề nghị ghi nhận đội ngũ, tập thể biên tập viên này.
- Tiếp theo, công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho các biên tập viên trong tình hình mới được thực hiện thế nào?
- Những năm tới, khi hội nhập càng sâu, chúng ta cần đẩy mạnh thông tin đối ngoại, đẩy mạnh văn hóa Việt Nam ra nước ngoài thì sách của chúng ta là vũ khí chính, một trong những vũ khí cơ bản để chuyển tải văn hóa Việt ra nước ngoài.
Trước hết, chúng ta phải làm tốt những cuốn sách. Thông qua những lớp đào tạo, hội thảo, và nhiều công việc khác của bộ, ban ngành phối hợp nhiều cấp, chúng ta có thể trang bị thêm cho họ, để họ làm tốt công tác này.