Trong ngày thứ hai của hội sách lớn nhất thế giới Frankurt Book Fair (FBF), ông Juergen Boos – Chủ tịch FBF đã có buổi làm việc với đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Minh Khánh – Phó giám đốc sở Thông tin Truyền thông Thủ đô Hà Nội dẫn đầu.
Mặc dù thời gian tiếp đoàn không dài, bởi ngay sau đoàn Việt Nam, người đứng đầu FBF tiếp Thủ tướng Pháp Manuel Valls, nhưng những ấn tượng rất tốt đã để lại cho cả 2 bên. Chủ tịch FBF đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam và thủ đô Hà Nội trong việc quan tâm và hỗ trợ cho ngành xuất bản.
Theo ông, sự xuất hiện của gian hàng Việt Nam có điểm nhấn, ấn tượng và được lãnh đạo nhiều quốc gia và các nhà xuất bản và doanh nghiệp đánh giá cao. Ông Juergen Boos cho biết có kế hoạch thăm Việt Nam và ông cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam hết mình.
Ông Juergen Boos, Chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt, trong buổi làm việc với đoàn Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng. |
Người đúng đầu FBF cho rằng đằng sau sách và các xuất bản phẩm là văn hóa, du lịch, thương mại, giáo dục và cả kinh tế. Ông thông báo rất rõ rằng Hội sách Frankfurt cũng là đại diện cho các nhà xuất bản Đức và phối hợp rất chặt chẽ với chính phủ Đức và bộ Ngoại giao nên rất mong hợp tác chặt chẽ và lâu bền trong chiều sâu với Việt Nam.
Tiếp sau đó, lãnh đạo Frankfurt Book Fair đã đến tận gian hàng của Việt Nam để tham quan và trao đổi. Lãnh đạo hội sách lớn nhất thế giới luôn nhắc về những chuyến đi Việt Nam, những buổi gặp với lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông và lãnh đạo của 3 thành phố Hà Nội, Đà nẵng và TP.HCM.
Đặc biệt, bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch FBF chia sẻ nhiều ấn tượng về chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Bà Cladia cho rằng chủ tịch Nguyễn Đức Chung có tầm nhìn xa rất cụ thể và có tính quyết đoán. Những tính cách này có thể đưa không chỉ ngành xuất bản mà kinh tế, văn hóa, chính trị của Thủ đô cũng như của đất nước Việt Nam tiến rất nhanh và vững chắc trong thời gian tới.
Bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt chụp hình tại gian hàng của Việt Nam ở sự kiện. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng. |
Năm nay có điểm khác biệt lớn là ngoài 12 m2 do Cục Xuất bản đăng ký với ban tổ chức, Hà Nội cũng có một không gian riêng rộng 24 m2. Tại gian hàng năm nay rất nhiều đầu sách giới thiệu về văn hóa, lịch sử, du lịch, địa lý,… của thủ đô và cả nước đã được trưng bày. Điểm nhấn đặc biệt nhất là bản đồ Việt Nam xếp trên mặt trống đồng với đầy đủ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xếp công phu bằng sách.
Ngay trong ngày hôm nay, 20/10 cá nhân tôi đếm đã có trên 30 đoàn nước ngoài vào thăm gian hàng của Thủ đô Hà Nội Việt Nam.
Ngoài 2 gian hàng của Cục Xuất bản và Hà Nội còn có thêm gian hàng của Thái Hà Books. Đoàn lãnh đạo của Hà Nội và TP.HCM cũng đã đến tận nơi tham quan gian hàng này. Đoàn cũng được lãnh đạo chương trình Invitation Programm tiếp đón thân mật.
Việt Nam cũng là nước được chú ý tại sự kiện này. Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, đã có buổi phỏng vấn riêng với tạp chí xuất bản nổi tiếng Mỹ Publishers Weekly.
Gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ sách Frankfurt được đón tiếp nhiều đồng nghiệp và các đoàn quốc tế tham quan, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng. |
Chiều 20/10, người viết cùng bà Claudia Kaiser – Phó chủ tịch FBF cũng có buổi diễn thuyết và tọa đàm tại sân khấu Publishing Perspectives (Triển vọng của ngành xuất bản). Thông qua chương trình này, hình ảnh của Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung đã từng bước được quảng bá ra thế giới.
Tối 20/10 các nước ASEAN đã cùng nhau mở tiệc liên hoan và giới thiệu về văn hóa, ẩm thực và xuất bản ASEAN với thế giới. Các nước cũng có ý tưởng lập khu vực ASEAN với cổng chào và sự kết nối chặt chẽ hơn từ năm 2017. Các món ăn của các nước ASEAN ngay sau đó cũng được khách mời thưởng thức và khen ngợi.
Ba ngày tiếp theo tại FBF với dày đặc các sự kiện và các buổi giao lưu hứa hẹn mang lại nhiều thành công và thương hiệu cho Việt Nam.