Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân tại Mỹ được dự báo tiếp tục đi lên. Đây là tin xấu với Fed. Ảnh: Bloomberg. |
Cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - có thể vẫn tăng trong tháng 2. Điều này sẽ đẩy cơ quan quản lý Mỹ rơi vào thế khó. Bởi họ đang mắc kẹt giữa cuộc chiến chống lạm phát và những căng thẳng trong lĩnh vực tài chính.
Theo khảo sát của Bloomberg, giới quan sát dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi của Mỹ trong tháng 2 (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) sẽ tăng 0,4% so với một tháng trước đó. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.
So với tháng 2/2022, chỉ số này được dự báo tăng 4,7%. Còn chỉ số giá tiêu dùng cá nhân nói chung vọt lên 5,1% sau một năm. Cả hai đều gấp đôi mục tiêu lạm phát của Fed.
Các dữ liệu "nóng"
Trong cuộc họp chính sách được coi là "khó khăn nhất của Fed trong nhiều năm", ngân hàng trung ương Mỹ nhất trí tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4,75-5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Sau khi tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - lưu ý rằng vẫn chưa chắc chắn về các động thái tiếp theo, và điều này sẽ phụ thuộc vào những dữ liệu sắp tới.
"Ủy ban sẽ theo dõi sát sao thông tin và đánh giá tác động đối với chính sách tiền tệ", FOMC tuyên bố sau cuộc họp. Cơ quan này cho rằng các chính sách phù hợp sẽ được đưa ra để "giảm lạm phát về mức mục tiêu 2%".
Con đường đưa lạm phát trở lại mức 2% vẫn còn dài và gập ghềnh
Chủ tịch Fed Jerome Powell
"Con đường đưa lạm phát trở lại mức 2% vẫn còn dài và gập ghềnh", ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed - nhận định.
Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,2% trong tháng 2 và 6% so với một năm trước đó. Nếu loại trừ giá năng lượng và lương thực biến động, CPI cốt lõi tăng 0,5% so với tháng 1 và 5,5% sau một năm.
Đà giảm của chi phí năng lượng đã giúp hạ nhiệt CPI trong tháng 2. Lĩnh vực này ghi nhận mức giảm 5,2%, riêng giá dầu nhiên liệu lao dốc 7,9%.
Tuy nhiên, giá lương thực vẫn tăng 0,4% so với tháng trước đó và 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trứng đã giảm 6,7%, dù vẫn tăng 55,4% trong vòng một năm.
Chi phí ở - chiếm khoảng 1/3 chỉ số CPI - đã tăng 0,8%, nâng mức tăng một năm lên 8,1%. Nhóm này chiếm hơn 60% tốc độ tăng của CPI.
Thị trường việc làm cũng vẫn "nóng" với số lượng việc làm mới tăng hơn 800.000 vị trí trong tháng 1 và tháng 2.
Quyết định khó khăn
Trong họp báo sau cuộc họp, ông Powell tiết lộ FOMC đã cân nhắc tạm dừng tăng lãi suất do khủng hoảng trong ngành ngân hàng. Nhưng cuối cùng, cơ quan này vẫn nhất trí nâng lãi suất điều hành vì các dữ liệu lạm phát và thị trường lao động còn nóng.
"Chúng tôi cam kết bình ổn giá cả và tất cả bằng chứng đều nói lên rằng mọi người cũng tin chúng tôi sẽ làm điều đó", ông Powell cho biết và cam kết "duy trì niềm tin đó bằng lời nói cũng như hành động".
Đối với mối đe dọa từ những vụ phá sản ngân hàng mới nhất, các quan chức Fed vẫn đặt niềm tin vào những tiêu chuẩn về vốn và thanh khoản cao hơn cuộc khủng hoảng tài chính 2008, cùng các biện pháp khẩn cấp để xử lý rắc rối.
"Họ tin rằng mình có sẵn các công cụ để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng", ông Jay Bryson - chuyên gia kinh tế trưởng của Wells Fargo - nhận định. Nhưng ông cảnh báo rằng đây có thể là một quyết định tồi.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.