Nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần có lộ trình rõ ràng, tránh để buôn lậu “ép chết” ngành sản xuất trong nước.
Theo thống kê, năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia, trung bình 31 - 32 lít/người. Với con số kỷ lục này, người Việt trở thành "quán quân" trong khu vực Đông Nam Á trong việc tiêu thụ bia. Đặc biệt, Việt Nam còn đứng thứ 3 tại Châu Á chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Tình trạng lạm dụng bia rượu là nguyên nhân làm gia tăng các tai nạn giao thông, bệnh tật. Chính vì vậy, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã kiến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này để giảm bớt việc tiêu thụ và lạm dụng bia rượu của người Việt.
Đến tháng 7/2015, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia sẽ tăng lên 65%. |
Lộ trình được tăng thuế như sau: Đến đầu tháng 7/2015 thuế tiêu thụ đối với mặt hàng bia sẽ tăng lên 65% (hiện nay là 50%). Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp tăng thu ngân sách lên cao. Dự kiến 2016, ngân sách sẽ tăng thêm 7.800 tỷ đồng, năm 2017 tăng thêm 9.000 tỷ đồng, năm 2018 tăng 10.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tính toán của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát (VBA), mức tiêu thụ bia của người Việt như vậy là thấp so với thế giới. Ở các nước phương Tây, trung bình mỗi người sử dụng khoảng 88 lít bia/năm, ở châu Á khoảng hơn 43 lít/năm.
Ông Phan Đăng Tuất, Phó chủ tịch VBA cho hay, người Việt vẫn tiêu thụ bia ở mức thấp so với thế giới. Ông Tuất cho biết, việc tính mức tiêu thụ bia phải tính nồng độ cồn trong bia mà đa phần các loại bia ở Việt Nam có nồng độ rất thấp so với thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tính theo nồng độ cồn, Việt Nam được xếp vào nhóm thấp đứng ở vị trí số 149 toàn cầu.
Quan điểm của VBA là đồng ý với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị cần có mức tăng hợp lý cho từng giai đoạn. VBA đề xuất tăng thành 3 lộ trình: giai đoạn đến tháng 7/2015 tăng từ 50% lên 55%, năm 2018 - 2019 tăng từ 55% lên 60%, từ năm 2020 tăng 60 - 65%.
Phía VBA đề nghị Bộ Tài chính cần xem xét kĩ về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia bởi nếu chỉ vì lý do hạn chế sử dụng bia, tăng thu ngân sách thì sẽ có nhiều mặt trái. Khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sẽ giảm khiến việc thu thuế của Nhà nước cho mặt hàng này (8 khoản thuế) cũng sẽ bị giảm theo. Trước đó, ngày 1/1/2013, thuế tiêu thụ đặc biệt mới tăng từ 45% lên 50% thì tổng thu ngân sách đối với ngành bia đã giảm 6% (giai đoạn 2013-quý I/2014).
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là đúng theo chủ trương của Thủ Tướng Chính phủ. Tuy nhiên, ông cho hay kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã áp dụng thì việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt không bao giờ hạn chế được tình trạng lạm dụng bia rượu. Bởi người dùng bia rượu có xu hướng càng lạm dụng, tìm mọi cách để được thỏa mãn trừ khi nguyên nhân gây lạm dụng được giải quyết.
Ông Việt chia sẻ, lâu nay ngành bia đã phải chịu tới 8 khoản thuế, phí nay tiếp tục tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên quá cao nhất thời sẽ khiến thị trường đảo lộn. Điểm tất yếu là tăng thuế tiêu thụ thì giá sẽ cao lên, doanh thu ngành bia giảm sút, việc thu thuế của Nhà nước cũng giảm theo. Ngành bia sẽ bị lao đao! Cụ thể, về giá ông Việt cho biết theo lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 15% thì giá bia sẽ phải tăng lên ở mức tương tự, người tiêu dùng phải mua bia với giá đắt! “Doanh nghiệp không thể gánh được tiền thuế này nên buộc phải cộng vào giá bán. Vì vậy trong thời gian tới nếu thuế tiêu thụ đặc biệt lên 65% thì giá thành các loại bia nói chung sẽ tăng”, ông Việt nói.
Ông Việt bức xúc, trong khi các doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, nộp thuế đầy đủ, tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước thì phát triển ì ạch vì bị “siết vòng kim cô” thì bia rượu lậu được bán tràn làn ngoài thị trường gây sức ép lớn cho sản xuất. Ông Việt khẳng định, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vốn đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ của mặt hàng bia nay tình trạng buôn lậu bia rượu tung hoành càng gây khó hơn.
“Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mà không quản được buôn lậu bia rượu qua biên giới thì không khác gì giết chết sản xuất trong nước”, ông Việt nói. Ông Việt đề xuất, các cơ quan Nhà nước bên cạnh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải chú trọng vào việc chống buôn lậu bởi một khi thuế càng cao thì buôn lậu càng gia tăng.