Theo đề nghị của Bộ Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia nếu tăng từ 50% hiện nay lên 65% kể từ ngày 1/7/2015 sẽ giúp tăng thu ngân sách. Cụ thể năm 2016, ngân sách sẽ có thêm 7.800 tỷ đồng; năm 2017 có thêm 9.000 tỷ đồng và năm 2018 tăng thêm 10.300 tỷ đồng.
Đặt tính toán này bên cạnh thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) về nộp thuế của 4 doanh nghiệp bia lớn là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), các nhãn hàng thuộc Heineken, Carlsberg, thì có lẽ không ngạc nhiên lắm với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính. Trong năm 2011, chỉ 4 đơn vị này đã nộp 16.347 tỷ đồng thuế các loại, năm 2012 là 19.133 tỷ đồng và năm 2013 là 23.800 tỷ đồng.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia sẽ có tác động và phát sinh các hoạt động buôn bán qua biên giới. |
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho hay, quan điểm tăng thuế nhằm giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng rượu bia là không hợp lý và không được áp dụng thành công tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Những người lạm dụng đồ uống có cồn vẫn sẽ tiếp tục lạm dụng trừ khi nguyên nhân mà họ lạm dụng được giải quyết triệt để.
“Do vậy, việc tiến hành giảm thiểu tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn cần được tiến hành hiệu quả thông qua các công tác tuyên truyền giáo dục, chứ không nên áp dụng các biện pháp hạn chế sản xuất và tiêu dùng khi nhắm đến một ngành kinh tế sản xuất và kinh doanh chính thống”, ông Việt nói.
Thống kê của VBA cũng khác biệt với Bộ Tài chính khi cho thấy, tại Việt Nam, lượng bia tiêu thụ là 30-32 lít/đầu người/năm so với mức bình quân 43 lít/người/năm ở khu vực châu Á và 88 lít/người/năm ở châu Âu.
Còn theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về lượng cồn tiêu thụ tuyệt đối trên đầu người vừa được công bố, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 149 trên thế giới, với mức tiêu thụ lượng cồn tuyệt đối là 6,6 lít/người/năm, thấp hơn nhiều so với một số nước như Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, chính Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Y tế (HSPI) trích báo cáo của WHO năm 2014 cũng nhận định rằng, trong số 6,6 lít cồn tuyệt đối trên đầu người của Việt Nam, có tới 4,4 lít thuộc về thị trường phi thương mại, chủ yếu là dân tự nấu, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và không đóng góp được gì cho ngân sách.
Trong khi đó, theo kinh nghiệm quốc tế, thị trường tiêu thụ đồ uống có cồn được coi là lành mạnh khi lượng tiêu thụ bia nhiều hơn so với rượu và quy mô thị trường thương mại lớn hơn so với thị trường phi thương mại. Bởi vậy, chênh lệch về cơ cấu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt giữa bia (dự kiến là 65%) và rượu dưới 20 độ (dự kiến là 35%) cũng được các doanh nghiệp bia nhìn nhận là bất hợp lý, do bia có nồng độ cồn rất thấp, nhưng lại bị đánh thuế cao.
Hậu quả dễ nhìn thấy là, người tiêu dùng sẽ tăng sử dụng các sản phẩm thay thế có tính độc hại hơn với sức khỏe, như chuyển sang tiêu dùng các đồ uống có cồn khác rẻ hơn. Như vậy, việc chuyển sang dùng rượu có nồng độ cồn cao hơn chỉ bởi sự không hợp lý của chính sách thuế chắc chắn khiến mục tiêu nâng thuế để giảm tiêu thụ bia mang tác dụng ngược lại.
Ở khía cạnh khác, việc tăng thuế sẽ có tác động và phát sinh các hoạt động buôn bán qua biên giới, đặc biệt là gia tăng các hoạt động buôn bán sản phẩm phi thương mại dẫn tới Nhà nước thất thu thuế.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, kinh nghiệm chống lậu và gian lận thương mại qua đường biên và cửa khẩu tại Quảng Ninh cho thấy, thời điểm nào thuế chênh lệch lớn thì chống lậu tại biên giới rất căng thẳng. “Bởi vậy, cần có lộ trình thuế hợp lý để đảm bảo hài hòa lợi ích của ba bên và giảm sức ép chống lậu cho các lực lượng ở ngoài biên giới”, ông Thành nói.