Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Thăng: Thu phí tự động cứ úp úp mở mở

“Tôi không hiểu tại sao không công khai được việc đó, giờ cứ úp úp mở mở”. Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng nói về việc thực hiện việc thu phí tự động quá chậm.

Sáng 18/8, phát biểu kết thúc hội nghị Chuyên đề về kết nối giao thông các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Bí thư Thăng cho rằng việc thực hiện thu phí tự động quá chậm.

Bí thư Thăng nói: “Chỉ khi thu phí tự động mới kiểm soát được nguồn thu, vừa tránh ùn tắc giao thông, công khai minh bạch, tránh thất thoát. Người dân biết được tiền mình đóng bao nhiêu, tiền thu vào bao nhiêu. Bao nhiêu năm thì nhà thầu thu hồi vốn”.

Ket noi giao thong cac tinh phia Nam anh 1
Bí thư Đinh La Thăng phát biểu tại cuộc họp.  Ảnh: Phước Tuần

Bí thư Thành ủy TP HCM cũng cho rằng: “Giờ việc thu phí cứ úp úp mở mở. Tôi không hiểu sao không công khai được việc đó. Quyết toán bao nhiêu tiền phải nói cho rõ”.

Người đứng đầu TP HCM cũng nhìn nhận, báo chí nói việc thu phí BOT đánh nặng chi phí cho người dân, tuy nhiên, như đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, người dân chọn đi cao tốc, phải tính một cách công bằng giữa tiền mua vé và hiệu quả của con đường này mang lại, giảm thời gian, giảm chi phí.

Bên cạnh đó, Bí thư Thăng cũng đề nghị phải xây dựng chính sách phát triển, cơ chế điều phối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Ít nhất Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng chính phủ trực tiếp điều hành điều phối vùng. Chứ luân phiên hiện nay thì chỉ là cuộc gặp vui vẻ chứ không đi vào thực tế”, Bí thư Thăng nói. 

Đánh giá về xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế phía Nam, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng kết nối giao thông vẫn còn mang lợi ích địa phương, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như TP HCM.

Theo Bí thư Thăng, TP HCM với vai trò điều hành đang rất quyết liệt bàn với các tỉnh, tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để kiến nghị với Trung ương, để đánh giá những tồn tại bất cập thời gian qua đề ra các giải pháp trong thời gian tới.

“Phải xác định liên kết giao thông lợi ích giữa các vùng chứ không phải hai tỉnh gần nhau. Làm sao để sau cuộc họp này, có được những dự án triển khai. Ví dụ TP HCM triển khai ngay Cao tốc Mộc Bài - Tây Ninh... hoặc nối với Bình Dương bằng việc mở rộng quốc lộ 13, nối với Tiền Giang bằng việc mở rộng quốc lộ 50”, ông Thăng đề nghị.

Ket noi giao thong cac tinh phia Nam anh 2
Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) đưa vào khai thác đã thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế phía Đông Bắc vùng kinh tế phía Nam. Ảnh: VEC

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nhìn nhận chung vùng kinh tế phía Nam đang phát triển mạnh nhưng kết cấu hạ tầng giao thông chưa phát triển tương xứng, tuyến đường thủy chưa khai thác đúng mức.

Theo ông Đông, quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là phải làm ngay những cái thực sự cấp bách để kết nối giao thông. Chuyển đổi nhanh phương thức chuyển tải, ví dụ sang đường thủy. Làm luôn các tuyến cao tốc, song hành, vành đai để thoát khỏi nội đô TP HCM, đi vành đai ngoài để thông thoáng.

Nhiều đường cao tốc kết nối TP HCM đi các tỉnh 

Theo quy hoạch, thời gian tới vùng kinh tế miền Nam sẽ xây dựng thêm các tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chiều dài 76 km, quy hoạch 6 làn xe; cao tốc TP HCM – Mộc Bài dài 55 km, quy hoạch 4-6 làn xe; cao tốc TP HCM – Trung Lương hiện hữu 4 làn xe, được nâng cấp 6-8 làn xe; nâng cấp quốc lộ 50 từ 2-4 làn xe lên 6 làn xe...


Phước Tuần - Hà Hương

Bạn có thể quan tâm