Trong cuốn sách Sống để hạnh phúc, tác giả Nguyễn Hoàng Ánh đưa ra mệnh đề “Sống để hạnh phúc” chứ không phải “Hạnh phúc để sống” giúp độc giả tìm ra cách sống và các giá trị làm người.
Đến với Học cách mỉm cười lần này, tác giả đặt ra góc nhìn mới về phụ nữ và tìm lời đáp cho câu hỏi: “Thế nào là một người phụ nữ hạnh phúc?”
Nếu như trước kia, phụ nữ chỉ tập trung vào việc nội trợ và chăm con cái thì trong đời sống hiện đại, vai trò của người phụ nữ dần trở nên đa năng hơn. Họ quay cuồng với công việc công sở, tất bật với việc chăm sóc nhà cửa, nuôi dạy con cái, đối nội, đối ngoại…
Và cũng có những người phụ nữ bất hạnh, luôn sống trong khắc khoải, âu lo, phải đối diện với những quan điểm truyền thống nặng về vai trò, trách nhiệm. Họ vướng vào bi kịch khi không biết cân bằng giữa việc sống với những ràng buộc về trách nhiệm hay sống vì bản thân mình?
Cuốn sách Học cách mỉm cười của tác giả Nguyễn Hoàng Ánh. |
Qua những câu chuyện của Hoàng Ánh ta thấy được đời sống ngổn ngang còn nhiều góc khuất, giữa vô vàn mối quan hệ hôn nhân gia đình đang hằn lên những mối đứt gãy.
Là một nhà giáo nhiều tâm huyết với thế hệ trẻ, đồng thời là một người phụ nữ Việt hiện đại, tác giả đưa đến cho độc giả những góc nhìn đa chiều về cuộc sống và định nghĩa hạnh phúc.
Lật dở từng trang sách Học cách mỉm cười, có thể thấy những nhìn nhận ấy của chị đôi khi đi ngược lại với những định kiến xã hội.
Chỉ với 200 trang sách nhưng đã gói gọn mọi khía cạnh của cuộc sống: Từ những trăn trở, hoang mang của cô gái nhỏ mới biết yêu, chập chững vào đời tới cuộc sống hôn nhân, gia đình, con cái, ngoại tình, ly hôn, định kiến xã hội và các mối quan hệ trong công việc.
Với việc quan sát, lắng nghe, những chia sẻ từ trái tim và tấm lòng của một người mẹ, người chị, một người nhiều trải nghiệm bởi vậy vấn đề nào chị cũng phân tích rất tỉ mỉ, bằng giọng điệu dí dỏm nhưng không kém phần sắc sảo khiến ta dễ dàng đồng cảm.
Chắc hẳn bạn sẽ có nhiều trải nghiệm đa chiều với những cung bậc cảm xúc khác nhau như trông ngóng hy vọng, được khen ngợi, cảm thương hay bực mình, giận dữ đến nỗi phải thốt lên như chính tác giả: “Phụ nữ Việt làm sao thế?”
Cũng không ít người sống trong xã hội hiện đại đam mê công việc, luôn muốn khám phá. Nhưng họ sẵn sàng gạt bỏ điều đó, trái tim ấm nóng của người phụ nữ luôn xem gia đình là nguồn cội của hạnh phúc.
"Với nhiều phụ nữ, bổn phận cao cả của họ là làm vợ, làm mẹ; là giữ lửa, làm tất cả những gì có thể để ngăn bão giông dừng sau cánh cửa".
Điều đó không hề sai nhưng điểm sai của người phụ nữ ấy là cam chịu, nhẫn nhịn chấp nhận thua thiệt, chấp nhận mối quan hệ ràng buộc vốn chẳng còn đúng nghĩa với tên gọi của nó.
Dù là phụ nữ, bạn vẫn có quyền yêu hết mình, thậm chí yêu cuồng nhiệt hay có những khi yếu đuối, mắc sai lầm… nhưng sau tất cả điều đó, bạn phải chứng tỏ được bản lĩnh, sự độc lập của bản thân về tinh thần lẫn vật chất.
“Đỉnh cao của hạnh phúc là cảm nhận của riêng mình, ở giây phút chỉ có một mình”.
Theo Hoàng Ánh, con gái đừng vì cố chấp mà mãi không dám buông bỏ những thứ không còn thuộc về mình, khăng khăng biến củi mục thành trầm. Và khi ta biết cách yêu bản thân, yêu người khác đúng nghĩa, chúng ta sẽ tìm thấy những giá trị đích thực của hạnh phúc!
Người ta vẫn nói, hạnh phúc chẳng phải thứ có thể phô trương, nó hiện hữu ngay đây, giữa bộn bề thanh âm cuộc sống.
Nguyễn Hoàng Ánh viết: “Hạnh phúc không phải là đích đến, hạnh phúc là hành trình”.