Nhiều nhân viên từng phục vụ trong chính quyền cũ của Tổng thống Hussein đang hoạt động và nắm những vị trí quan trọng trong hàng ngũ của IS. Ảnh: Daily Mail |
Patrick Skinner, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) tại Iraq, cho hay khoảng 100 đến 160 cựu binh và nhân viên tình báo từng phục vụ chính quyền cũ của Tổng thống Saddam Hussein đang hoạt động trong hàng ngũ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và giữ các vị trí quan trọng. Họ đảm nhận nhiệm vụ như xây dựng chiến lược quân sự, hoạt động tình báo và chiêu mộ thành viên cho nhóm.
Taha Taher al-Ani là một trong những kẻ đó. Người này từng là một thiếu tướng trong quân đội Iraq. Hiện tại, y là chỉ huy của Sư đoàn 5 của IS. Ngoài ra, al-Ani cũng là một gián điệp. Y theo dõi các đồng nghiệp cũ thông qua các mạng lưới và thu thập tin tức tình báo từ cơ quan chống khủng bố của chính phủ.
Theo Skinner, lực lượng cựu binh và nhân viên tình báo từng phục vụ chính quyền Hussein là một trong những "yếu tố cần thiết" tạo nên thành công của IS. Những cuộc tấn công bất ngờ hồi năm ngoái là một ví dụ điển hình.
"Thắng lợi của IS không chỉ đơn thuần là khủng bố. IS đã thành công trên phương diện quân sự", Skinner nhận định.
Cựu nhân viên CIA tiết lộ, nhiều quan chức từng phục vụ chính quyền cũ có quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo tại nhiều khu vực. Các mối quan hệ này góp phần không nhỏ trong những chiến thắng của IS. Điển hình là trận chiến tại thành phố Ramadi, tỉnh Anbar, vào hồi tháng 5, các chuyên gia quân sự cho rằng, IS đã thuyết phục lãnh đạo trong lực lượng an ninh rời bỏ vị trí chiến đấu.
Xương sống của IS
Al-Baghdadi, thủ lĩnh của IS, từng gặp nhiều quan chức phục vụ chính quyền Tổng thống Hussein khi còn ở trong tù và lôi kéo họ tham gia tổ chức khủng bố. Ảnh: Daily Mail |
Năm 2003, khi Mỹ tấn công Iraq, Saddam đã công khai mời quân du kích hồi giáo thánh chiến đến Iraq, cùng liên kết chống lại Washington. Theo Daily Mail, sau khi chính quyền của ông sụp đổ, nhiều quan chức, bao gồm các thành viên của lực lượng đặc nhiệm, nhân viên tình báo, lực lượng bán quân sự… bị giam tại nhà tù Bucca. Tại đây, họ đã gặp al-Baghdadi, thủ lĩnh của IS.
Trại giam Bucca trở thành cái nôi nuôi dưỡng thành phần lãnh đạo của IS. Theo AP, sau khi thoát khỏi nơi này, al-Baghdadi bổ nhiệm các cựu tù từng kề vai sát cánh với y vào các vị trí quan trọng như cố vấn cao cấp, "thống đốc" tại các "tỉnh" mà tổ chức này chiếm giữ. Đặc biệt, Saud Mohsen Hassan, chỉ huy thứ hai của nhóm, người đứng sau al-Baghdadi, cũng từng là một quan chức cao cấp trong quân đội dưới thời Saddam Hussein.
Sau khi bị thương trong một vụ không kích hồi đầu năm nay, al-Baghdadi lọc ra những người mà y tin cậy và gần gũi hơn để đưa vào các vị trí chủ chốt. Phần lớn những người được chọn là các cựu quan chức của chính quyền cũ.
Giới chức Iraq thừa nhận, họ khá mơ hồ trong việc xác định đội ngũ lãnh đạo của IS. Thông tin một chỉ huy của tổ chức này thiệt mạng xuất hiện nhiều lần nhưng họ không có chứng cứ xác thực và cũng không thể biết ai là kẻ thay thế vị trí ấy.
"Hiệu suất làm việc của IS vượt xa những gì mà chúng ta dự đoán. Không thể cài người vào tổ chức này, chúng ta khó có thể xác định chính xác điều gì sẽ xảy ra. Thật đáng sợ", một thiếu tướng tình báo quân sự giấu tên nói với AP.