Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí mật đằng sau những cái tên của Đại tướng Chu Huy Mân

Hai vai gánh hai trọng trách chỉ huy cả về quân sự và chính trị ở chiến trường Tây Nguyên, Tướng Chu Huy Mân được Hồ Chủ tịch khen là “hai mạnh”.

Trong cuốn hồi ký Thời sôi động của Đại tướng Chu Huy Mân, do Đại tá Lê Hải Triều thể hiện (NXB Quân đội nhân dân, 2004), đại tướng kể về những cái tên ông đã sử dụng trong suốt cuộc đời hoạt động.

Đại tướng Chu Huy Mân sinh ngày 17/3/1913 tại xã Yên Lưu, bên bờ sông Lam thuộc tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hóa thành phố Vinh tỉnh Nghệ An). Tên khai sinh của ông là Chu Văn Điều, bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1929. Ông kể lại lý do mình đổi tên mình thành Chu Huy Mân năm 1935 như sau:

"Tháng 5 là mùa thu thu thuế của chính quyền, gia đình tôi phải nộp tất cả là 4 đồng 5 hào. Nhà thiếu 5 hào phải chờ dệt chiếu bán mới có tiền nộp. Chu Văn Đạm - phó lý làng Thượng là anh họ tôi, do bị bọn phản động xui bậy, lợi dụng việc thiếu thuế đã đánh tôi một trận đòn đau. Tôi bực mình với người anh họ vì bị xúi giục mà đánh em, thế là chỉ giữ lại họ Chu, đổi Văn Điều thành Huy Mân. Lúc bấy giờ thanh niên trong thôn thích chữ huy là sáng, chữ mân là có chữ ngọc".

Dai tuong Chu Huy Man,  hoi ky,  Hai Manh anh 1
Cuốn hồi ký Thời sôi động kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân.

Từ sau cách mạng tháng Tám, ông tham gia hoạt động quân sự ở Trung Bộ, lần lượt giữ chức Trung đoàn trưởng trung đoàn 74, trung đoàn 174 (Cao - Bắc - Lạng), Chính ủy đầu tiên của Đại đoàn 316, một trong những đại đoàn đầu tiên của quân đội ta. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông lần lượt được cử giữ các chức Chính ủy quân khu IV, Chính ủy quân khu Tây Bắc, Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu IV.

Liên tục từ năm 1954 đến những năm 1960, ông nhiều lần được cử sang Lào làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam giúp quân đội Pathet Lào kháng chiến. Tại Lào, ông được lãnh đạo, quân đội nước bạn rất tin tưởng, thường gọi ông là Tướng Thao Chăn.

Từ năm 1965, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy mặt trận Tây Nguyên. Khi đó, ông lấy bí danh là Hồ Thạch Châu.

Ông kể trong cuốn hồi ký: “Cuối tháng 6 năm 1967, trong lúc triển khai chuẩn bị chiến dịch Đắc Tô, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gọi tôi ra Hà Nội để ổn định sức khỏe, vì qua nhiều lần sốt rét, gan có vấn đề.

Từ Tây Nguyên tôi đi ôtô vào Phnôm Pênh, mang hộ chiếu thương nhân Hồ Thạch Châu. Từ sân bay Pô Chen Tông, tôi đi Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc.

Mấy hôm sau Bác từ Quảng Châu về Hà Nội, Văn phòng gọi tôi sang khu nhà sàn gặp Bác và báo cáo tình hình với Người. Tôi đi đến chân cầu thang đón và chúc sức khỏe Bác. Chiếc bàn làm việc chỉ có hai chiếc ghế ngồi. Bác bảo:

Dừng hồi lâu, Bác nói:

- Chú ở Tây Nguyên làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị phải không?

Tôi thưa với Bác:

- Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị chưa có cán bộ thay, cháu phải tạm làm cả hai nhiệm vụ.

Bác nói với tinh thần khẳng định và động viên:

- Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt.

Về đến Tây Nguyên, sau khi nghe tướng Chu Huy Mân kể lại câu chuyện, thư ký của ông là Trần Quế liền nói đổi bí danh của ông từ Hồ Thạch Châu sang “Hai Mạnh”. Từ đó, trong các điện và công văn của Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đều ký tên “Hai Mạnh”.

Ngoài các tên và bí danh nói trên, năm 1942, khi vượt ngục Đăk Lây, ông đã nhờ người làm giấy tờ mang tên Lê Thế Mỹ và cầm theo một thánh giá bằng đồng. Do đó, khi đi đến Cam Lộ, Quảng Trị, ông bị phó chánh tổng và tuần đinh bắt theo giấy truy nã tù trốn trại là Chu Huy Mân, nhưng nhờ có giấy tờ mang tên Lê Thế Mỹ cùng tấm thánh giá đeo bên người, ông đã được thả.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng tháng 12/1976, ông được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Ông được phong quân hàm Thiếu tướng từ năm 1958, đến năm 1974 mới được phong vượt cấp lên Thượng tướng. Năm 1982, ông được phong quân hàm Đại tướng và đến năm 1986, ông nghỉ hưu ở cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước.

Đại tướng Chu Huy Mân qua đời ngày 1/7/2006 tại Hà Nội.

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã viết bài thơ ca ngợi ông:

Đồng đội gọi ông là Hai Mạnh
Chính trị - quân sự
Đức độ - tài năng
Hội tụ những tố chất song toàn
Dòng trí dũng trong mạch nguồn thời đại…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng viết về ông: “Đồng chí Chu Huy Mân một tướng lĩnh xuất sắc, chính trị, quân sự song toàn của quân đội ta, là một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân ta học tập...”.


Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm