Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bi kịch của CLB TP.HCM

Sau khoản đầu tư để mang về ngôi sao, vị trí thứ 13 trên bảng xếp hạng V.League là sự đả kích lớn dành cho CLB TP.HCM.

Mùa 2018, CLB TP.HCM sa thải huấn luyện viên (HLV) Toshiya Miura. Chiến lược gia người Nhật Bản mất việc vì để đội nhà rơi vào cuộc chiến trụ hạng.

Sau 3 năm đổ ra hàng chục tỷ đồng để mua về 41 cầu thủ, trong đó có 15 ngoại binh, đội TP.HCM trở về đúng điểm ban đầu với cuộc chiến sinh tồn để ở lại V.League. Giàu có, tham vọng, không tiếc tiền đầu tư, tại sao CLB TP.HCM cứ mãi lận đận?

CLB TP.HCM anh 1

CLB TP.HCM đang đứng thứ 13, vị trí phải đá play-off với đội hạng Nhất. Nếu không thắng CLB Hải Phòng, đội bóng của HLV Polking có nguy cơ rơi xuống đáy bảng. Ảnh: Hoàng Hà.

Khát vọng thượng lưu

Để tìm hiểu tại sao CLB TP.HCM không tiếc tiền chiêu mộ ngôi sao, chúng ta hãy trở lại trận đấu trong khuôn khổ vòng 25 V.League 2019, khi CLB TP.HCM tiếp đón HAGL trên sân Thống Nhất.

Đây chỉ là trận thủ tục của thầy trò HLV Chung Hae-seong. CLB TP.HCM đã chắc chắn giành ngôi á quân, vị trí cao nhất từ khi đội bóng này trở lại V.League năm 2017, còn HAGL cần điểm để trụ hạng.

CLB TP.HCM thua ở trận này, kết quả dễ hiểu khi ông Chung cất cả 3 ngoại binh trên ghế dự bị để dưỡng sức cho bán kết Cúp Quốc gia. Tuy nhiên, phản ứng của khán giả còn đáng buồn hơn thất bại. Chơi ở sân Thống Nhất, nhưng CLB TP.HCM không được cổ động viên ủng hộ. Phần đông khán giả ủng hộ HAGL, hò reo phấn khích khi đội khách ghi bàn.

Trước khi HAGL thực hiện quả phạt đền quyết định, một cổ động viên còn hô lớn: “Thả cho HAGL trụ hạng đi”. Với CLB TP.HCM, làn sóng cổ vũ HAGL như những vết dao cứa vào tim. Đội TP.HCM có thành tích tốt, nhưng bị khán giả quay lưng ngay trên sân nhà.

Trong trận đấu giữa CLB Nam Định và CLB TP.HCM mùa 2018, HLV Miura từng ngạc nhiên khi đội bóng của ông chỉ có một cổ động viên theo chân cổ vũ. Kết thúc mùa 2019, CLB TP.HCM chia vui cùng nhóm cổ động trung thành, với chỉ vài chục thành viên ngồi lác đác ở khán đài C.

Là đứa con của bóng đá thành phố, dù vậy, CLB TP.HCM không được yêu mến như Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM hay Hải quan - những tượng đài bóng đá miền Nam thời bao cấp.

Dưới thời quyền Chủ tịch Lê Công Vinh, CLB TP.HCM từng vướng phải lùm xùm “nhận vơ” những danh hiệu của Cảng Sài Gòn về phòng truyền thống. Những người làm bóng đá TP.HCM nhận ra niềm tự hào quá khứ là thứ không thể mua bằng tiền, nhưng hiện tại thì có thể. Theo lãnh đạo CLB TP.HCM, nếu chiêu mộ ngôi sao - những cầu thủ đã có sẵn sự ái mộ, đội bóng có thể lôi kéo khán giả ủng hộ.

CLB TP.HCM anh 2

CLB TP.HCM mua về nhiều cầu thủ tên tuổi, nhưng không có định hướng chuyên môn cụ thể và kế hoạch phát triển đội bóng dài hạn. Ảnh: Y Kiện.

Mùa 2020, Nguyễn Công Phượng và Bùi Tiến Dũng được mang về. Đến đầu năm 2021, Lee Nguyễn cập bến sân Thống Nhất. HLV dẫn dắt CLB cũng có bản lý lịch hoành tráng: Chung Hae-seong nổi danh ở Hàn Quốc, Miura từng dẫn tuyển Việt Nam, còn Alexandre Polking là một trong những chiến lược gia hay nhất Thái Lan giai đoạn 2015-2020.

Tuy nhiên, càng đầu tư, CLB TP.HCM lại đi lùi. Mùa 2020, đội đứng hạng 6 chung cuộc, kém mùa 2019 4 bậc. Mùa 2021, CLB TP.HCM đang đứng thứ 13, vị trí phải tranh vé đi play-off trụ hạng.

Nói về thất bại của CLB TP.HCM, chuyên gia Đoàn Minh Xương so sánh: “Làm bóng đá khác với làm kinh tế. Về kinh tế, anh bỏ ra 10 đồng thì mua được 1 cái ly, bỏ ra 20 đồng thì mua được 2 cái ly. Nhưng làm bóng đá, bỏ ra 10 đồng thì thắng trận, nhưng có khi bỏ ra 20 đồng lại thua”.

Trang hoàng đội hình bằng linh kiện đắt giá, nhưng “cỗ xe” TP.HCM không chạy ổn định như trước, bởi những chi tiết mới không ăn khớp với nhau để tạo ra tổng thể hoàn chỉnh. Đội bóng của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng mắc sai lầm khi vội vã đập đi, làm lại, dù cái khuôn móng chưa đủ vững chắc để tạo ra thay đổi.

Mỗi mùa giải, CLB TP.HCM thường thay đổi 10-15 cầu thủ, bằng một nửa danh sách đăng ký thi đấu. 3 năm qua, CLB TP.HCM mua hoặc mượn 41 cầu thủ, con số quá lớn với một đội bóng muốn duy trì sức cạnh tranh đỉnh cao. Trong 4 năm, CLB TP.HCM cũng tuyển 4 HLV. Ngoài ông Chung Hae-seong, chưa ai ngồi ở ghế huấn luyện quá 1 năm.

Tương tự HLV, ngoại binh có “tuổi thọ” nghề ở CLB TP.HCM rất ngắn. Trường hợp của Ariel Rodriguez là ví dụ. Tiền đạo người Costa Rica được đưa về với mức phí 400.000 USD, nhưng đá 8 trận rồi bị “tống khứ”. Trung bình, CLB TP.HCM mất 50.000 USD cho một trận Rodriguez ra sân. Trung vệ Pape Diakite cũng bị thanh lý hợp đồng dù chơi ổn định ở hàng thủ. Lâu nhất như Diakite chỉ trụ được 2 năm, còn Jose Ortiz hay Alex Lima chỉ được dùng vài trận rồi thanh lý.

Dường như ở sân Thống Nhất, sự nhẫn nại là điều xa xỉ.

CLB TP.HCM anh 3

HAGL là ví dụ kiên định về nhân sự, thay vì làm bóng đá kiểu “ăn xổi”. Ảnh: Minh Chiến.

Kiên nhẫn như HAGL?

Mọi đội bóng muốn tồn tại trên đỉnh cao đều phải kiên nhẫn, mà HAGL là minh chứng cụ thể nhất. Năm 2015, bầu Đức loại bỏ đội một để đôn Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh,... lên đá V.League. Dù đây là lứa cầu thủ tài năng bậc nhất của bóng đá Việt, nhưng mất tới 6 năm vật vã đua trụ hạng, HAGL mới khởi sắc như hiện tại.

Cũng giống CLB TP.HCM, HAGL thay nhân sự liên tục, đặc biệt là ngoại binh, nhưng đội bóng của bầu Đức giữ được nhóm cầu thủ nòng cốt như Công Phượng, Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn,... CLB Hà Nội, CLB Quảng Ninh hay CLB Viettel, những CLB đạt thứ hạng cao ở những mùa giải vừa qua, đều có nhóm cầu thủ làm hạt nhân phát triển hoặc chí ít là có một HLV làm việc lâu dài để xây dựng lối chơi.

CLB TP.HCM thiếu tất cả. Đội hình giúp “Chiến hạm đỏ” về nhì ở V.League 2019 chỉ còn sót lại thủ môn Nguyễn Thanh Thắng và tiền vệ Đỗ Văn Thuận. Đội TP.HCM cũng thiếu một trục xương sống chủ đạo của bóng đá gồm thủ môn, trung vệ, tiền vệ và tiền đạo, khi ngoại trừ thủ môn, 3 vị trí còn lại luôn bị HLV Polking hoán đổi liên tục.

Không đội bóng nào có thể ổn định nếu thay đổi như “chong chóng”, mà thất bại của CLB Sài Gòn ở giai đoạn đầu lượt đi là bài học nhãn tiền.

CLB TP.HCM khao khát có được sự thừa nhận của khán giả thành phố. Khi còn tại vị, câu nói chủ đạo của HLV Chung Hae-seong là “chiến đấu để thể hiện tinh thần bóng đá TP.HCM”. Khi Cảng Sài Gòn lùi vào dĩ vãng, bóng đá TP.HCM thiếu đi một biểu tượng đương đại. CLB TP.HCM, với cái tên thuần chất của thành phố, mong muốn ở thành niềm tự hào mới.

Đội bóng này không tiếc tiền chiêu binh mãi mã, xây dựng học viện đào tạo trẻ, nhưng dường như các bước đi của CLB TP.HCM không nằm trong kế hoạch dài hạn, tổng thể, mà đưa ra theo kiểu “thiếu đâu, sửa đấy”. Đơn cử như việc dù được ưu ái sử dụng những cầu thủ trẻ tốt nhất từ trung tâm đào tạo của Sở TDTT TP.HCM, song chưa ai được tạo điều kiện ở đội một CLB TP.HCM. Đội bóng cũng bế tắc trong định hình bản sắc và lối đá riêng bởi luôn chạy theo kế hoạch ngắn hạn.

Để phục vụ chiến lược, CLB TP.HCM có chấp nhận 6 năm bỏ qua thành tích như HAGL để tích lũy, hay tìm một HLV phù hợp, hiểu đội bóng CLB Hà Nội, CLB Bình Dương từng làm, thay vì “sính ngoại”, chỉ tuyển các HLV quốc tế?

Cuối cùng, CLB TP.HCM cần sự kiên định, thay vì đẽo cày giữa đường. Những vật liệu đắt giá nhất, nếu bị dùng sai cách, cũng chỉ tạo nên một thành trì hổ lốn. Người hâm mộ TP.HCM có lẽ trông đợi đội bóng làm bóng đá nghiêm túc và bền vững, còn chơi kiểu “ăn xổi” và vung tiền mua thành công, nhiều CLB của 10 năm trước đã khiến cổ động viên đủ buồn rồi.

Tân binh Brazil của CLB TP.HCM sút tệ trong buổi tập đầu tiên Chiều 22/4, Patrick Da Silva cho thấy cảm giác bóng chưa tốt trong buổi tập đầu tiên cùng CLB TP.HCM.

Dusit không dẫn dắt CLB TP.HCM

Không về thay Alexandre Polking ở đội TP.HCM, Dusit Chalermsan cuối cùng đã chọn bến đỗ mới cho mình tại Thai League 2.

CLB Sài Gòn đẩy đội TP.HCM xuống áp chót bảng xếp hạng

Hai bàn thắng của Đỗ Merlo và Bùi Xuân Quý giúp CLB Sài Gòn giành 3 điểm quan trọng trên sân CLB Đà Nẵng ở vòng 11 V.League 2021.

Nam Nhi

Bạn có thể quan tâm