CLB Hà Nội của vòng đấu trước và vòng đấu này trình diễn hai bộ mặt đối lập hoàn toàn. Ở trận đấu với HAGL, cũng với lực lượng đấy, họ chơi một trận đấu không đến nỗi nào và chỉ thua sau cú sút xuất sắc của Lương Xuân Trường.
Nhưng trước Bình Định, họ chơi quá nghèo nàn, đơn điệu. Về mặt tinh thần, các cầu thủ quá thiếu tự tin.
Với người hâm mộ bình thường, khi nhìn đội hình ra sân của CLB Hà Nội đã cảm thấy ngạc nhiên. Tôi không hiểu lý do gì mà Văn Kiên, Văn Xuân không đá, thay vào đó, những người đá hậu vệ biên là Đức Huy, Thái Quý.
HLV Park Choong-kyun gặp quá nhiều khó khăn trong việc truyền tải ý đồ lối chơi tới cầu thủ CLB Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Sự bỡ ngỡ
Chưa vội bàn chuyện năng lực, trình độ, HLV Park Choong-kyun còn quá bỡ ngỡ khi chỉ có ít ngày làm việc tại CLB Hà Nội. Một điều quan trọng nữa là ông ấy đến với đội bóng vào thời điểm rất nhạy cảm.
Đội mới thắng tưng bừng trước Quảng Ninh rồi sau đó thua HAGL, điều này khiến tinh thần của họ đi xuống. Với một HLV bóng đá, ngoài chuyên môn quản lý ra, thì công tác tâm lý cho cầu thủ cũng vô cùng quan trọng.
Như ở trận đấu vừa qua, ông Park rất khó khăn, đặc biệt khi đội thua. Có quá nhiều sự ngơ ngác xảy ra trong khu vực kỹ thuật của CLB Hà Nội khi HLV trưởng trao đổi thông qua phiên dịch. Tôi từng làm bóng đá nên không khó khăn gì để nhận ra điều này.
HLV rất muốn truyền lửa cho cầu thủ, nhưng gặp vấn đề bất đồng ngôn ngữ. Có thể công tác phiên dịch chưa tốt, chưa truyền tải hết được tinh thần HLV tới cầu thủ.
Cũng có thể thời gian chưa đủ. Bởi khi đã làm việc với nhau lâu, cầu thủ và HLV chỉ cần một ánh mắt hoặc một câu nói cơ bản để hiểu nhau.
Lối chơi của CLB Hà Nội không phải đến trận này mới bộc lộ sự thay đổi. Từ những trận trước đó, cách đá đầy bản sắc đã mất dần.
Khi có lực lượng mạnh nhất, CLB Hà Nội triển khai lối đá ban bật ngắn khiến đối thủ rất khó chống đỡ. Lúc nhân sự không có phong độ tốt nhất, CLB Hà Nội khó có thể mạo hiểm với lối chơi sở trường.
Khi HLV Hàn Quốc đến, ông ấy muốn chọn cách triển khai bóng lên phía trên nhanh hơn, an toàn hơn bằng những đường chuyền dài. Nhưng đá kiểu đấy thì CLB Bình Định bắt bài rất dễ.
Đội bóng của HLV Nguyễn Đức Thắng biết CLB Hà Nội mạnh yếu thế nào, nên chủ động pressing tầm cao. Lúc này, ý tưởng của CLB Hà Nội coi như nằm trong toan tính của Bình Định.
HLV Park muốn CLB Hà Nội đá đơn giản hơn, nhưng nhân sự hiện tại chưa cho phép ông làm điều đó. Ảnh: Việt Linh. |
CLB Hà Nội đang từ bỏ lối chơi sở trường?
Bóng dài lại không phải sở trường của đội trong nhiều năm qua. Thứ nhất, mặt bằng chung thể hình cầu thủ nội của CLB đều hạn chế. Thứ hai, hiện tại đội không có trung phong cắm phù hợp để đáp ứng lối chơi như vậy.
Ý tưởng thi đấu như vậy rất khó phát triển về mặt chiến thuật.
Hãy nhìn các trung vệ CLB Bình Định, họ đều to khỏe, có tốc độ, sức mạnh. Cặp tiền đạo đội Hà Nội lại đều chơi thiên về kỹ thuật, chứ không phải mẫu châu Phi chơi băm bổ càn lướt.
Bruno Cantanhede khi ở Viettel rất lợi hại khi chơi trong thế trận phản công. Geovane Magno lúc còn ở Sài Gòn nắm vai trò trung tâm trong lối chơi.
Trước hàng phòng ngự CLB Bình Định, với một thế trận như vậy, các tiền đạo đội Hà Nội trở nên vô hại. Họ không tung ra được nhiều pha đột phá, dứt điểm nguy hiểm.
Trong bóng đá, trung phong một đội vô hại thì đối thủ càng đá lại tự tin hơn. Chúng ta thấy đối lập với sự hưng phấn của CLB Bình Định là tinh thần đi xuống của cầu thủ Hà Nội, những người phải đá rất khổ sở, chuyền hỏng, mất bóng liên tục.
CLB Hà Nội thua cũng bởi các chân sút được kỳ vọng đã không tỏa sáng. Nhưng khó có thể trách Quang Hải, Văn Quyết.
Cầu thủ ngôi sao không phải lúc nào cũng là người gánh vác cả một đội bóng mà không có sự hỗ trợ nào. Văn Toàn, Công Phượng ở HAGL làm sao mà hay được nếu xung quanh họ không có những người chia lửa?
Người hâm mộ cũng chẳng thể chỉ trích HLV Park Choong-kyun. Nhân sự tay ông ấy chỉ có thế, trong khi quỹ thời gian chuẩn bị vỏn vẹn chưa đầy một tuần.
Khi đến một đội bóng giàu thành tích, HLV nào cũng sẽ bị áp lực chứ không riêng gì HLV Park.
Mới qua một trận, chưa thể nói gì nhiều. Chưa chắc cách chơi như vậy đã là triết lý của chiến lược gia người Hàn Quốc.
Chẳng qua với tình thế này, ông ấy chọn cách đá sau cho đơn giản và hiệu quả nhất. Hãy cho thuyền trưởng ấy thời gian để trả lời.
Ông Phan Anh Tú sinh năm 1957, từng có 2 năm tu nghiệp tại Đức (1993, 1996) trước khi công tác tại Sở VHTT Hà Nội từ năm 1979. Trong giai đoạn 1997-1999, ông là thành viên ban huấn luyện đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Ông từng đảm nhận các vai trò Chủ nhiệm CLB Hà Nội, Tổng thư ký LĐBĐ Hà Nội, Trưởng ban bóng đá nữ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Ủy viên Ban Thường vụ VFF.