Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Bị đuổi việc qua mail và tấm vé đến sự giàu có tiêu tan

Cổ phiếu ngành công nghệ sụp đổ đã khiến viễn cảnh "đổi đời" của nhiều nhân viên tan biến chỉ sau một năm.

Tommy York lớn lên ở San Francisco, Mỹ và từng chật vật để tiết kiệm đủ tiền mua một ngôi nhà ở thị trường đắt đỏ - cho đến khi anh nhận được một công việc kỹ sư tại Google.

Đó là thời điểm tháng 12/2021, khi cổ phiếu của Alphabet, công ty mẹ của Google, cao kỷ lục. Thu nhập của ông York bao gồm một khoản thưởng cổ phiếu trị giá 175.000 USD sẽ được thanh toán trong 4 năm. Thành công của công ty 2.000 tỷ USD khi đó có thể kéo theo dấu hiệu tươi sáng cho công việc của ông.

Mọi chuyện thay đổi sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Cổ phiếu nhóm ngành công nghệ dần đi xuống, trong đó Alphabet sụt giảm 39% trong năm 2022, dẫn đến khoản thưởng của những nhân viên như ông York giảm theo.

Trong nhiều năm, làm việc trong ngành công nghệ là tấm vé dẫn đến sự giàu có, được kế thừa từ sự bùng nổ của các công ty công nghệ.

Song, các động thái của Fed đã khiến cổ phiếu công nghệ sụt giảm mạnh. Dù có sự phục hồi trong năm nay, rất khó để ngành này sớm trở lại thời điểm bùng nổ như năm 2021.

Hồi tháng 1, khi còn chịu tang người mẹ vừa qua đời không lâu, ông Tommy York cùng hàng nghìn đồng nghiệp đã nhận thông báo sa thải từ Google. Ông nhận được 46.000 USD trợ cấp cổ phiếu.

sa thai nganh cong nghe anh 1

Tommy York ở trong ngôi nhà tại San Francisco. Trước khi gia nhập Google, ông từng làm ở công ty khởi nghiệp về thức ăn cho mèo. Ảnh: Wall Street Journal.

“Tôi không thể đăng nhập vào tài khoản cá nhân. Đồng thời, một email tự động được gửi tới nhằm thông báo chấm dứt hợp đồng lao động. Với nhân sự bị cắt giảm, đây giống như cú tát trời giáng”, Insider dẫn bài đăng của York.

Thị trường việc làm ảm đạm đồng nghĩa với việc ông York có thể phải giảm lương ở công việc tiếp theo. Bài chia sẻ của anh trên LinkedIn về việc bị sa thải nhận được nhiều sự đồng cảm. Đa số bày tỏ thái độ bất bình trước hành động vô cảm của tập đoàn công nghệ nổi tiếng.

Vỡ mộng vì cổ phiếu sụp đổ

Cổ phiếu thường chiếm phần lớn trong khoản lương hậu hĩnh cho những nhân viên thuộc lĩnh vực này. Mọi thứ còn phất lên trong thời kỳ đại dịch và nhu cầu làm việc từ xa tăng, khiến các công ty công nghệ trở thành con cưng của thị trường.

Tình hình cổ phiếu đã làm bốc hơi phần lớn tài sản mà nhiều nhân viên dựa vào nó để trang trải phí đại học và nhà ở, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO). Tiêu biểu nhất là làn sóng sa thải hàng trăm nghìn nhân viên công nghệ trên toàn cầu.

Nhân viên ở những công ty công nghệ được niêm yết thường được trả các khoản thưởng theo đơn vị cổ phiếu hạn chế (RSU), được chia ra thành nhiều năm, và số tiền thưởng sẽ dựa trên giá trị cổ phiếu tại thời điểm đó.

sa thai nganh cong nghe anh 2

Giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ hàng đầu vào năm 2021 (màu xanh) đã bốc hơi hàng trăm tỷ USD trong nửa đầu năm 2022 (màu cam). Đồ họa: S&P Global.

Meta, công ty mẹ của Facebook, từng trả khoản thưởng theo RSU trị giá 50.000 USD vào năm 2021. Giờ đây, giá trị còn thấp hơn 1/3.

Cổ phiếu của công ty thường chiếm một phần khá lớn trong tổng tài sản của nhân viên công nghệ. Nhiều người từ chối bán cổ phiếu và đánh cược rằng giá sẽ tiếp tục tăng, theo Wall Street Journal.

“Trong thời gian cổ phiếu công nghệ tăng giá, khoản thưởng bằng vốn chủ sở hữu là một điều tuyệt vời. Nhưng đến năm 2022, nó trở thành một vấn đề”, Brandon Welch, một cố vấn tài chính ở San Diego, cho biết.

Cân nhắc về chi tiêu

Những khoản thưởng hậu hĩnh bất ngờ bốc hơi cũng khiến các nhân viên công nghệ phải sắp xếp lại các khoản chi tiêu cho nhiều mục đích lớn nhỏ.

Samantha Voigt, một kỹ sư phần mềm tại Square (hiện được gọi là Block) đã bước vào thị trường việc làm công nghệ vào năm 2017 sau khi tốt nghiệp đại học.

Cổ phiếu của công ty đã tăng gấp 9 lần trong thời gian cô làm việc tại đây, mang lại cho Voigt nguồn tài chính mà cô chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ sớm đạt được như vậy.

Samantha Voigt thường bán đi cổ phiếu ngay sau khi được nhận. Ở tuổi 27, Voigt đã trả hết khoản vay sinh viên và tự mua một chiếc ôtô, đồng thời chi tiêu cho nhiều hoạt động đắt đỏ.

sa thai nganh cong nghe anh 3

Với mức thu nhập hậu hĩnh khi vừa tốt nghiệp, Samantha Voigt từng chi nhiều tiền cho các dịch vụ đắt đỏ, chia sẻ về những chuyến du lịch. Giờ đây, các cuộc trò chuyện của cô với bạn bè đã chuyển sang tình hình các công ty công nghệ sa thải. Ảnh: Wall Street Journal.

Cô đã nghỉ làm một năm khi cảm thấy kiệt sức vì đại dịch. Giờ đây, công việc mới của Voigt được trả lương cao hơn, nhưng không còn được nhận khoản thưởng cổ phiếu từ công ty.

“Tôi từng nghĩ có thể tiêu bất cứ thứ gì và vẫn ổn. Giờ đây tôi phải suy nghĩ kỹ hơn”, cô nói, cho biết mình bắt đầu sử dụng ứng dụng quản lý tài chính, và tự làm nhiều việc như tắm cho chó, thay vì trước đây sẽ thuê người làm. Nhóm chat mà cô từng thảo luận về những chuyến du lịch xa xỉ giờ đây tập trung nói về các công ty sa thải nhân viên.

Trong khi đó, Ryan Stevens, 39 tuổi, từng làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng, trước khi tham gia ngành công nghệ vào năm 2009. Ông từng trải qua vị trí vận hành sản phẩm ở Google, Meta và công ty cung cấp website hỏi đáp Quora.

Với khoản thưởng khiêm tốn hơn nhiều vị trí khác, song ông Stevens cũng mong có thể đủ tiền để đặt cọc trước 300.000 USD nhằm sở hữu ngôi nhà trị giá 1,5 triệu USD.

Giờ đây, người cha của đứa con 2 tuổi không thể nhận các khoản thưởng cổ phiếu từ Quora. Khi ông được nhận vào Meta vào tháng 8/2021, công ty đề nghị mức thưởng cổ phiếu 80.000 USD trong 4 năm.

Đến tháng 11/2022, ông cùng hàng nghìn nhân viên bị sa thải. Sau khi bán một số cổ phiếu để trang trải chi phí, giá trị cổ phiếu ông còn lại chỉ khoảng 10.000 USD.

“Đáng lẽ những công việc này sẽ giúp chúng tôi sở hữu căn nhà và khiến chúng tôi cảm thấy mình đạt được điều gì đó”, ông Stevens bày tỏ.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Nhân viên Google vỡ mộng

Google từ lâu được đánh giá là môi trường làm việc đáng mơ ước, song nhiều nhân viên cho rằng văn hóa công ty đã thay đổi, đặc biệt là sau hàng loạt thông báo sa thải hôm 20/1.

Amazon sa thải thêm 9.000 nhân viên

Tính thêm đợt cắt giảm lần này, Amazon sẽ cắt giảm 27.000 nhân sự chỉ trong đầu năm nay.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm