South China Morning Post hôm 19/8 cho biết các nhà khoa học từ Đại học Washington và Trung tâm Nghiên cứu Fred Hutchinson của Mỹ đang nghiên cứu trường hợp 3 thủy thủ Mỹ, trong cơ thể chứa các kháng thể "trung hòa", đã miễn nhiễm trước virus corona dù ở trên con tàu được coi là ổ dịch.
Các thủy thủ này có mặt trên con tàu đánh cá American Dynasty, rời cảng Seatle hồi tháng 5. Các nhà khoa học trước đó đã xét nghiệm virus corona với 120 trong tổng số 122 người sẽ khởi hành trên con tàu. Kết quả cho thấy không người nào nhiễm virus, 6 người có một số kháng thể, trong đó 3 người có kháng thể "trung hòa".
Kháng thể "trung hòa" được cơ thể người sản sinh sau khi đã nhiễm virus corona. Kháng thể giúp ngăn virus xâm nhập vào các tế bào của cơ thể con người, từ đó bảo vệ cơ thể khỏi dịch bệnh.
Tàu American Dynasty ở cảng Seatle. Ảnh: Seatle Times. |
Hơn 2 tuần sau khi ra khơi, tàu American Dynasty trở lại đất liền với một số người nhiễm bệnh cần được chăm sóc y tế. Kết quả xét nghiệm cho thấy 104 người có mặt trên tàu dương tính với virus corona. Tuy nhiên, 3 thủy thủ cơ thể chứa kháng thể "trung hòa" đều có kết quả âm tính, những người này cũng không có biểu hiện bệnh lý trong suốt thời gian trên tàu.
"Vì vậy, sự hiện diện của kháng thể 'trung hòa' từ trước khi nhiễm bệnh có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng bảo vệ cơ thể chống lại dịch bệnh", các nhà khoa học đánh giá.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học cho rằng kết quả nghiên cứu trường hợp 3 thủy thủ tàu American Dynasty không phải là bằng chứng cho thấy con người hoàn toàn miễn nhiễm với virus corona sau khi đã một lần nhiễm dịch bệnh.
Trong số 6 người có kháng thể trong xét nghiệm trước khi tàu American Dynasty rời Seatle, 3 thủy thủ cơ thể chứa một số kháng thể yếu hơn đều có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona sau khi trở về đất liền.
Jonathan Ball, giáo sư virus học phân tử từ Đại học Nottingham, Anh, cho biết nghiên cứu "gợi ý cho chúng ta về khả năng một số người từng nhiễm virus trước đó có thể bị tái nhiễm trừ khi cơ thể họ có mức độ kháng thể 'trung hòa' phù hợp".
Giáo sư Ball đánh giá nghiên cứu đã cung cấp cái nhìn quan trọng đối với "một dạng miễn dịch giúp bảo vệ con người trước nguy cơ nhiễm bệnh trong tương lai", nhưng không cho thấy liệu những người từng nhiễm bệnh trong quá khứ có thể miễn dịch hay không nếu cơ thể không có đủ kháng thể 'trung tính'.
Tới nay, các nhà khoa học chưa thể thử nghiệm trực tiếp trên con người để tìm ra cơ chế bảo vệ đến từ các kháng thể "trung hòa", bởi lo ngại đạo đức liên quan tới mức độ nguy hiểm tiềm tàng và ảnh hưởng lâu dài của virus tới người tham gia thí nghiệm.