Khoảng 477 con cá voi hoa tiêu đã chết sau khi mắc cạn trên hai bãi biển hẻo lánh của New Zealand trong những ngày gần đây, các quan chức nước này cho biết.
Daren Grover, giám đốc Dự án Jonah, một nhóm phi lợi nhuận chuyên giúp giải cứu cá voi, cho biết không có con nào trong số những con cá voi mắc cạn có thể trở lại biển.
Hầu hết số cá voi hoa tiêu đã chết khi đội của ông tới. Những con còn sống thì trong tình trạng hấp hối. Chúng được tiêm thuốc an tử để không còn phải chịu đau đớn trước khi chết, theo AP.
"Những sự kiện này thật sự khó khăn và thử thách", Cơ quan Bảo tồn New Zealand viết trong một bài đăng trên Facebook. “Mặc dù là chúng chết tự nhiên, chúng tôi vẫn rất buồn”.
Trước đó, Cơ quan Bảo tồn New Zealand thông báo 232 con cá voi mắc cạn hôm 7/10 tại bãi biển Tupuangi của đảo Chatham và 245 con khác ở vịnh Waihere, trên đảo Pitt vào hôm 10/10.
Đảo Pitt và Đảo Chatham tạo nên quần đảo Chatham, nơi sinh sống của khoảng 600 người và nằm cách các đảo chính của New Zealand khoảng 800 km về phía đông.
Vụ việc đau lòng này xảy ra hai tuần sau khi khoảng 200 con cá voi hoa tiêu chết ở Australia vì mắc cạn trên một bãi biển ở Tasmania.
Những con cá voi hoa tiêu chết trên bãi biển Tupuangi, đảo Chatham. Ảnh: AP. |
New Zealand và nước láng giềng Australia là những điểm nóng về tình trạng cá voi mắc cạn hàng loạt, do những đàn cá voi hoa tiêu lớn sống ở các đại dương sâu xung quanh hai quốc đảo này.
Giáo sư Karen Stockin, một chuyên gia tại Đại học Massey ở New Zealand, cho biết không ai biết chắc tại sao một số nơi lại trở thành "bẫy cá voi" nhưng nó có thể là sự kết hợp của các yếu tố như con mồi, hình dạng của đường bờ biển và tốc độ của thủy triều.
Nguyên nhân
Cá voi hoa tiêu mắc cạn hàng loạt khá phổ biến ở New Zealand, đặc biệt là trong những tháng mùa hè. Cho đến nay, các nhà khoa học không biết chính xác nguyên nhân khiến cá voi mắc cạn.
Tuy nhiên, một số người cho rằng hệ thống định vị của cá voi có thể bị nhầm lẫn bởi những bãi cát thoai thoải và đàn cá đã đi chệch hướng sau khi kiếm ăn quá gần bờ.
Theo ông Grover, với vị trí của quần đảo Chatham - nằm gần nơi giao nhau giữa các đại dương vùng cận nhiệt đới và cận Nam Cực - có rất nhiều sinh vật biển trong khu vực thu hút những loài cá voi như thế này.
Ông cho biết khi chúng bơi đến gần đất liền hơn, chúng sẽ nhanh chóng nhận ra mình đang đi từ vùng nước rất sâu đến vùng nước nông.
“Chúng dựa vào khả năng định vị bằng tiếng vang, nhưng nó không cho chúng biết rằng chúng đang ra khỏi môi trường nước”, ông nói. “Chúng ngày càng đến gần bờ và trở nên mất phương hướng. Sau đó, thủy triều rút và trước khi chúng biết được điều đó, chúng đã mắc cạn trên bãi biển”.
Trả lời Mercury, nhà sinh vật học Kris Carlyon từ cơ quan bảo tồn của chính quyền bang Tasmania, Australia, nói rằng những vụ mắc cạn hàng loạt của cá voi "không thường xuyên nhưng chắc chắn không phải điều bất ngờ".
“Lý do phổ biến nhất dẫn đến việc mắc cạn là tai nạn bất ngờ. Chúng có thể đang kiếm ăn gần bờ và bị mắc cạn khi thủy triều xuống”, ông Carlyon nói.
Một loạt cá voi hoa tiêu chết dọc bãi biển Tupuangi vào ngày 8/10. Ảnh: AP. |
Tâm lý bầy đàn
Cá voi hoa tiêu chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng được biết là sống thành từng đàn 20-30 con với con cái làm đầu đàn. Đôi khi chúng tạo thành đàn siêu lớn tạm thời có thể lên đến 1.000 con.
Là loài động vật có tính xã hội cao, cá voi hoa tiêu hình thành mối liên kết rất sâu sắc với họ hàng và bạn bè.
Chúng sử dụng tiếng vang để định vị và điều hướng. Việc đi vào vùng nước nông gần bãi biển là rất nguy hiểm. Khi một con cá voi kêu cứu, những con khác trong đàn sẽ lao đến bên cạnh và dẫn đến tình trạng mắc cạn toàn bộ.
Những con cá voi dần hoảng loạn và bối rối, khiến hàng trăm con mắc cạn cùng một lúc.
Từng làm việc cho bộ phận môi trường Tasmania trong những năm 1980 và 90, bác sĩ thú y đã nghỉ hưu David Obendorf chia sẻ với ABC News rằng một yếu tố có thể dẫn đến các vụ mắc cạn hàng loạt là tâm lý “bầy đàn" của cá voi.
Ông cho biết địa hình bãi biển và điều kiện thủy triều có thể khiến môi trường dễ bị mắc cạn hơn, với hai "điểm nóng" nổi tiếng của Tasmania và New Zealand.
"Tất cả điều đó xảy ra nếu cá voi, thông qua vị trí tiếng vang, không thể xác định được hướng vùng nước sâu hơn và nhận được tín hiệu nhầm lẫn", ông nói. "Chúng có thể chợt nhận ra mình ở vùng nước nông và sau đó phát ra tiếng kêu cứu... dẫn đến cả đàn lớn mắc cạn”.
Tâm lý bầy đàn có thể là yếu tố dẫn đến các vụ mắc cạn hàng loạt của cá voi hoa tiêu. Ảnh: AP. |
Không thể giải cứu
Cơ quan Bảo tồn New Zealand cho biết những vụ mắc cạn không phải là hiếm trên quần đảo Chatham. Đây là nơi từng xảy ra sự kiện mắc cạn lớn nhất thế giới, với ước tính khoảng 1.000 con cá voi mắc cạn vào năm 1918, theo Stuff.
Trong khi đó, trước vụ 230 con cá voi bị mắc cạn tại khu vực cảng Macquarie, phía tây bang Tasmania, Australia vào hôm 21/9, giới chức bang cũng từng chứng kiến vụ mắc cạn hàng loạt lớn nhất của 470 con cá voi vào năm 2020.
Hơn 300 con cá voi hoa tiêu đã chết trong lần mắc cạn này, bất chấp nỗ lực của hàng chục tình nguyện viên vất vả nhiều ngày trong vùng nước đóng băng của bang để cứu thoát chúng.
Tương tự, bi kịch của đàn cá voi trong vụ mắc cạn ở New Zealand gần đây cũng khiến nhiều người đau buồn.
Ông Grover cho biết vị trí xa xôi và sự hiện diện của cá mập ở các vùng biển xung quanh khiến giới chức không thể huy động tình nguyện viên thả cá voi lại biển như những lần mắc cạn trước đây.
“Chúng tôi không chủ động kéo cá voi hoa tiêu trở lại biển trên quần đảo Chatham do nguy cơ cá mập tấn công con người và chính cá voi. Vì vậy, để chúng chết tự nhiên là lựa chọn tốt nhất”, Dave Lundquist, cố vấn kỹ thuật hàng hải của cơ quan bảo tồn cho biết.
Các quan chức cho biết do vị trí xa xôi của các bãi biển, xác cá voi sẽ không được chôn cất hoặc kéo ra biển như thường lệ, mà thay vào đó sẽ được để phân hủy tự nhiên.
“Những vụ mắc cạn hàng loạt này khiến chúng tôi rất đau buồn. Chúng tôi luôn hy vọng những con cá voi còn sống sót để trở lại đại dương, nhưng điều này là không thể”, tổ chức cứu hộ động vật Project Jonah cho hay.