Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bernard Tapie qua đời và lời vĩnh biệt của ông trùm bóng đá Pháp

Qua đời ở tuổi 78, Bernard Tapie để lại di sản là những tranh cãi không hồi kết về nhân vật có một không hai trong lịch sử bóng đá Pháp.

tapie qua doi anh 1

Bernard Tapie là ai?

Là ca sĩ nhạc pop, hay một tay đua xe đường trường gặp tai nạn tới mức hôn mê 2 tuần và giải nghệ sớm?

Là chủ đội đua thuyền buồm phá kỷ lục thế giới khi vượt biển Đại Tây Dương hay ông trùm kiếm 2 tỷ francs nhờ việc mua lại những công ty trên bờ vực phá sản, ngụy trang tài chính cho chúng trước khi sa thải nhân sự quy mô lớn?

Là ông chủ vực dậy Adidas từ ngưỡng suýt phá sản, tạo ra logo ba vạch trứ danh ngày nay của hãng đồ thể thao này, hay người đưa Olympique Marseille lên đỉnh cao và cũng dìm niềm tự hào của thành phố cảng nước Pháp xuống vực sâu?

Là người luôn tự nhận có bằng kỹ sư xây dựng nhưng thực tế chưa từng tốt nghiệp trung học phổ thông, hay kẻ luôn quả quyết mình sinh năm 1946 dù thực tế già hơn 3 tuổi.

tapie qua doi anh 2

L'Equipe tri ân Bernard Tapie bằng việc đưa ông trùm ra trang bìa. Ảnh: L'Equipe.

Bernard Tapie là tất cả. Khi người đàn ông tranh cãi bậc nhất nước Pháp trút hơi thở cuối cùng vào ngày 3/10/2021, L'Equipe đưa hình ảnh Tapie thời hoàng kim ra trang bìa với dòng tít "A jamais le boss" - "Mãi mãi ông trùm".

Đạo diễn Claude Lelouch nhận định trong bộ phim "Ai là Bernard Tapie" vào năm 2001: "Tôi nghĩ nếu Tapie là người Mỹ, ông ấy sẽ trở thành Tổng thống, hoặc ít nhất là ứng viên tranh cử".

These Football Times thì mô tả: "Tapie là Donald Trump trước cả khi Trump xuất hiện, một biểu tượng của cơn bão dân túy với nụ cười Hollywood cùng đôi mắt nâu đầy mưu mô".

Đỉnh cao của bóng đá Pháp

Trước khi Bernard Tapie tới vào năm 1986, Marseille đã là biểu tượng lớn với 5 lần vô địch Ligue 1. Nhưng đội bóng thành phố cảng đang bước vào đà suy thoái không thể ngăn cản khi trắng tay trong 14 năm liền. Marseille kết thúc mùa giải 1985/86 với vị trí thứ 12 trên BXH, hơn đội xuống hạng Strasbourg vỏn vẹn 3 điểm.

Marseille buộc phải tìm nhà đầu tư để vực dậy. Và Tapie là nhân vật hứng thú với dự án tham vọng này. Doanh nhân tới từ Paris ngày ấy sau những chiến thắng liên tiếp ở các hoạt động kinh doanh và thể thao đã nhận ra quyền lực thực sự để tạo ra ảnh hưởng văn hóa tới từ chính trị thay vì ví tiền.

tapie qua doi anh 3

Hầu bao không đáy của Tapie đưa Marseille vô địch Champions League 1993. Ảnh: Getty.

Nhận thức rõ việc nước Pháp đang bị chia rẽ bởi các vấn đề chủng tộc, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và tâm lý chống dân nhập cư, Tapie coi Olympique Marseille sẽ là công cụ để mình tiến xa trên chính trường. Thành công của Marseille sẽ tượng trưng với các lá phiếu từ cử tri.

Ông mua lại Olympique Marseille với tượng trưng 1 franc. Thị trường thành phố Marseille, Gaston Defferre, trong buổi lễ nhậm chức đã nhấn mạnh với Tapie: "Tôi không chỉ bán cho cậu CLB, hay sân vận động. Tôi bán cho cậu một biểu tượng".

Với túi tiền không đáy của Tapie, Marseille lập tức vung tiền ra thị trường chuyển nhượng. Họ bổ nhiệm Michel Hidalgo, HLV dẫn dắt tuyển Pháp vô địch Euro 1984 làm Giám đốc kỹ thuật, đưa ngôi sao Jean Pierre-Papin về sân Velodrome. Jean-François Domergue, Alain Giresse và Karlheinz Förster là những tân binh khác khoác lên mình màu áo trắng.

Marseille lập tức thay da đổi thịt. Đội bóng thành phố cảng nước Pháp về nhì ở mùa giải 1986/87 và lọt vào chung kết cúp Quốc gia Pháp. Kết quả này chưa thỏa mãn tham vọng của Tapie. Marseille tiếp tục "đi săn" trong mùa hè 1987.

tapie qua doi anh 4

Cố chủ tịch Bernard Tapie từng giúp Olympique Marseille giành chiếc cúp vô địch Champions League 1992-1993. Đồ họa: Minh Phúc.

Châm ngôn nổi tiếng của Tapie là "Phải chiến thắng bằng mọi giá". Điều này được thể hiện rõ ràng trong các mục tiêu chuyển nhượng của Marseille trong thời gian đó. Mùa hè 1987, Marseille nhắm chiêu mộ anh thủ Abedi Pele từ FC Mulhouse. Tuy nhiên, Marseille lại chậm chân hơn Monaco khi đội bóng Công quốc sớm sắp xếp kiểm tra y tế cho tiền vệ người Ghana.

Tapie cuối cùng gọi điện trực tiếp cho Pele, thuyết phục tiền vệ này không thực hiện xét nghiệm máu. Đội ngũ bác sỹ của Monaco tá hỏa khi nghi ngờ Pele nhiễm HIV và khiến thương vụ chuyển nhượng bị hủy bỏ. Marseille của Tapie cứ thể cuỗm Pele mà không gặp phải sự tranh chấp nào.

Với những chiêu trò như thế, Marseille lũng đoạn thị trường chuyển nhượng bóng đá Pháp. Họ mang hàng loạt danh thủ về Velodrome, từ thành danh như Enzo Francescoli, Jean Tigana, Alain Roche, Chris Waddle, đến tiềm năng như Eric Cantona, Didier Deschamps.

Tapie thậm chí suýt đưa được Diego Maradona về sân Velodrome nếu như "Cậu bé vàng" không lật kèo vào phút chót.

Với chất lượng đội hình vượt xa phần còn lại, Marseille của Tapie dễ dàng thống trị Ligue 1 với 4 chức vô địch từ năm 1989 đến 1992. Cũng trong thời gian này, Tapie thăng tiến vũ bão trên chính trường.

Năm 1989, Tapie trở thành Thứ trưởng đảng Xã hội cho vùng Bouches-du-Rhone sau khi đánh bại đại diện của đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu, Jean-Marie Le Pen với điểm nhấn là khoảng 300 phiếu bầu bỗng không cánh mà bay.

Thắng lớn tại Pháp, nhưng châu Âu vẫn là giấc mộng của Tapie. Thất bại trước Benfica tại bán kết cúp C1 châu Âu mùa giải 1989/90 là một trong những cột mốc đẩy tham vọng của Tapie với Marseille lên cực đại.

Ở trận lượt đi tại Velodrome, Marseille thắng 2-1 với các bàn của Papin và Sauzee. Tới trận lượt về trên đất Bồ Đào Nha, Marseille cầm hòa tới phút thứ 82 trước khi biến cố đến. Từ quả đá phạt góc, tiền đạo Vata của Benfica lấy tay đẩy bóng vào lưới trong sự vui mừng phát điên từ 4 góc khán đài sân Da Luz.

Pháo hoa và cờ quạt bay rợp trời trên các khán đài. Bàn thắng được công nhận và Marseille bị cướp mất suất vào trận chung kết cúp châu Âu đầu tiên trong lịch sử.

Ngay sau trận đấu, Tapie đứng dậy và thề trả thù: "Điều này không bao giờ được phép xảy ra với chúng ta lần nào nữa".

Đỉnh cao châu Âu và scandal dàn xếp tỷ số

Sức mạnh của Marseille và tầm ảnh hưởng của Tapie dần vượt xa biên giới nước Pháp trong thập niên 90. Ông trùm của đội bóng thành phố cảng mua lại 80% cổ phần của Adidas, thay đổi logo của hãng thể thao này và vực dậy nhờ nước đi táo bạo khi hướng tới thị trường châu Á.

Dragan Stoijkovic, Rudi Voeller, Basile Boli, Laurent Fournier được mang về Velodrome. Tapie thậm chí đưa Franz Beckenbauer về làm HLV trưởng trước khi đẩy "Hoàng đế" vào hậu trường để lại tin tưởng Raymond Goethals. Với sức mạnh ngày một khủng khiếp, Marseille vượt qua cả AC Milan hùng mạnh của Arrigo Sacchi, để tiến vào trận chung kết cúp C1 châu Âu 1990/91.

tapie qua doi anh 5

Kế hoạch dàn xếp tỷ số của Tapie đổ bể bởi Jacques Glassmann (trái). Ảnh: Getty.

Nhưng định mệnh một lần nữa trêu ngươi Tapie và Marseille. Họ thua Sao Đỏ Belgrade trên chấm luân lưu với điểm nhấn là việc ngôi sao Stoijkovic từ chối sút luân lưu khi chạm mặt đội bóng cũ.

Bởi vậy khi tiến vào trận chung kết Champions League 1992/93 gặp Milan, Tapie hiểu đây là cơ hội buộc phải thành công. Bởi đế chế mà Tapie gây dựng đang lung lay dữ dội.

"Ông trùm" nợ chồng chất khi vung tay quá trán trong thời gian kiểm soát Adidas. Tapie buộc phải bán bớt cổ phần tại công ty truyền hình TF1 để bù lỗ.

Thậm chí ông còn định bán nốt cả Adidas. Mức giá Tapie đặt ra ban đầu là 400 triệu USD, nhưng bên mua rút lui ngay sau khi ngửi thấy mùi sai phạm từ Tapie. 7 tháng sau, Tapie phải bán Adidas với giá 370 triệu USD, thấp hơn 30 triệu so dự tính ban đầu.

Chức vô địch châu Âu là mục tiêu để Tapie lật ngược thế cờ trên chính trường cũng như thương trường. Nhưng chuyện không đơn giản. Lịch thi đấu là trở ngại lớn cho Marseille.

Họ sẽ phải đấu với lần lượt Valenciennes, AC Milan, Paris Saint-Germain, và Toulouse trong tham vọng giành cú đúp danh hiệu. PSG với sự chống lưng của Canal+ trở thành đối thủ chính của Marseille trong hành trình đua vô địch Ligue 1.

Mấu chốt của loạt trận này là cuộc đấu với Valenciennes. Tapie không muốn các ngôi sao của mình tốn quá nhiều sức khi trước mắt là trận chung kết Champions League, nhưng cũng không chấp nhận bất kỳ bất trắc nào đến trong hành trình vô địch Ligue 1 lần thứ 5 liên tiếp.

Chính vào lúc này, kế hoạch dàn xếp tỷ số bắt đầu được Tapie tính toán. Ông trùm ra lệnh cho Jean-Jacques Eydelie, hậu vệ của Marseille từng thi đấu tại Valenciennes, tiếp cận với hai đồng đội cũ Christophe Robert và Jorge Burruchaga để mua độ.

Trong cuốn tự truyện sau này, Eydelie kể lại nguyên văn lời của Tapie nói với mình qua điện thoại: "Hãy bảo đồng đội cũ của mày đừng nên cư xử như những thằng ngu và phá hoại giấc mơ của Marseille tại Munich (địa điểm diễn ra trận chung kết Champions League - PV). Hiểu chưa?”

Kế hoạch nhanh chóng được phổ biến tới các cầu thủ và HLV Goethals. "Tất cả đều biết trận đấu sẽ bị dàn xếp. Nếu thắng Valenciennes, trận đấu với PSG sẽ trở thành trận giao hữu không hơn. Ngài chủ tịch muốn anh em tránh chấn thương trước trận chung kết với Milan", Eydelie kể lại.

Vào buổi tối trước khi trận đấu diễn ra, Eydelie gọi điện tới phòng số 215, khách sạn Du Lac để mua độ với giá 200.000 francs. Ngoài Robert và Burruchaga, trong phòng còn có Jacques Glassmann. "Ngày mai, các anh muốn gì? Ra sân với 10% chiến thắng ư? Muốn thua với 200.000 francs mỗi người hay thua với không xu nào?", Eydelie đề nghị.

Robert và Burruchaga đồng ý với điều kiện phải trả trước 50% số tiền. Glassmann thì lưỡng lự. "Tôi không biết phải làm gì cả. Nếu không nói ra, tôi sẽ tự nguyền rủa chính mình. Nếu nói, sẽ chẳng ai tin tôi", Glassmann nhớ lại.

Glassmann thức trắng cả đêm. Anh liên tục đốt cigar và suy nghĩ. Khi mặt trời ló dạng, Glassmann quyết định: "Mình phải nói".

Tin tức về vụ dàn xếp tỷ số lan ra nhanh chóng tới HLV cũng như chủ tịch của Valenciennes, Michel Coencas. Ông Coencas gọi Robert vào phòng khách sạn, rút súng dọa bắn vỡ đầu gối nếu không nói sự thật. Nhưng Robert vẫn một mực phủ nhận tất cả.

Trận đấu sau cùng vẫn diễn ra. Marseille thắng 1-0 trong thế trận các cầu thủ Valenciennes hời hợt thấy rõ.

Mùa giải vẫn tiếp diễn, Marseille vươn lên đỉnh cao khi đánh bại Milan 1-0 trong trận chung kết Champions League để trở thành CLB Pháp duy nhất trong lịch sử vô địch châu Âu. Họ cũng giành chức vô địch Ligue 1992/93 với 2 điểm nhiều hơn PSG. Valenciennes xuống hạng ngay sau trận thua trước PSG và tuyên bố phá sản vài năm sau đó.

Ngay trong mùa hè 1993, mọi sai phạm bị vạch trần. 12 cầu thủ của Marseille bị đưa đi thẩm vấn khi trở lại chuẩn bị cho mùa giải 1993/94. Những nhân vật liên kết mua độ là cầu thủ Jean-Jacques Eydelie và Giám đốc Jean-Pierre Bernès đều bị tóm.

Marseille bị tước chức vô địch Ligue 1 mùa giải 1992/93, và bị cấm tham dự Champions League 1993/94.

Chỉ Tapie vẫn bình an vô sự. Quyền lực giúp ông trùm của Marseille chỉ bị tạm giam. Trong nhà giam, Tapie vẫn ngông cuồng nhấn mạnh "Tôi bị đối xử như con vật". Văn phòng chính phủ không thể tìm ra chứng cứ buộc tội Tapie bất chấp mọi nhân vật của vụ dàn xếp tỷ số đều bị xử phạt.

Phải tới tháng 2/1994, Tapie mới bị buộc tội tham nhũng, hối lộ và gian lận sau khi các nghị sỹ Pháp bỏ phiếu nhằm bãi bỏ quyền miễn trừ quốc hội của ông trùm này. Tháng 3/1995, mọi tội trạng của Tapie bị lật tẩy khi cấp dưới Bernes khai mọi sự thật trước tòa.

Ông trùm sau cùng ngồi tù 2 năm, cùng 8 tháng tù treo và 3 năm bị theo dõi.

Những hệ lụy và cái kết

Scandal dàn xếp tỷ số là cú đấm nặng vào nền bóng đá Pháp ngày đó. Sau này, người ta còn phát hiện Marseille tiêm chất cấm để các cầu thủ khỏe hơn. Arsene Wenger khi ấy dẫn dắt AS Monaco đã quyết bỏ xứ tới Nhật Bản sau khi mọi việc bị phanh phui.

"Đó là thời kỳ tệ nhất của bóng đá Pháp. Tất cả bắt đầu từ cách làm của Tapie tại Marseille. Ai cũng biết Marseille đã mua độ đối thủ. Chúng tôi năm nào cũng về nhì sau họ. Có những kẻ chẳng quan tâm tới bóng đá, mà chỉ nghĩ đến tiền", Wenger nói vào năm 2001.

tapie qua doi anh 6

CĐV Marseille vẫn hết mực yêu quý và tôn thờ Tapie. Ảnh: Getty.

Người dũng cảm phanh phui vụ dàn xếp tỷ số này, Jacques Glassmann được FIFA trao giải Fair-play vào năm 1995, nhưng trải qua quãng thời gian tồi tệ sau đó. Glassmann bị căm ghét ở mọi nơi đặt chân tới.

Hậu vệ này thậm chí từng bị dúi vào tay một chiếc quan tài nhỏ trước trận đấu với Gueugnon tại Ligue 2. Glassmann sau đó đi đâu cũng phải có vệ sĩ theo kèm. Khi hợp đồng với Valenciennes kết thúc, không CLB nào muốn có Glassmann.

"Cuộc sống ở Pháp thật tồi tệ. Mọi người luôn coi tôi là kẻ chỉ điểm. Công đoàn mặc kệ. Tôi phải hứng chịu tất cả, huýt sáo, sỉ nhục, từ cả nước Pháp. Tôi không chắc mình có thể làm ví dụ để khiến tất cả nói lên sự thật hay không. Không phải ai cũng muốn lắng nghe sự thật", Glassmann sau này kể lại.

Marseille đã không bao giờ trở lại là chính mình sau khi Tapie ra đi. Đội chủ sân Velodrome chỉ vô địch Ligue 1 thêm đúng một lần (mùa 2009/10) sau khi Tapie ra đi.

Tapie sau khi ngồi tù vẫn trở lại làm cái tên thu hút truyền thông Pháp. Ông trùm từng quay lại làm giám đốc Marseille vào năm 2001, và bị đồng nghiệp húc đầu vỡ mũi vì mâu thuẫn.

Trong gần 30 năm qua, Tapie liên tục xuất hiện ở tòa để kiện cáo về các khoản tham ô công quỹ. Tháng 7/2019, Tapie được tuyên trắng án. Nhưng tháng 4/2020, một phiên tòa lại khẳng định Tapie có tội. Sau cùng, mọi tài sản của ông trùm nước Pháp bị đóng băng. Khoản nợ của Tapie lên tới gần 600 triệu euro.

Tháng 4/2021, căn nhà của Tapie bị đột nhập. Ông trùm một thời bị tấn công tới mức chảy máu mắt nhưng quyết không nhập viện. Căn bệnh ung thư của Tapie đã di căn tới thực quản, dạ dày, dây thanh quản và phổi. Tapie biết mình không còn sống được bao lâu.

Sau cùng, ông trùm trút hơi thở cuối cùng vào ngày 3/10, hưởng thọ 78 tuổi. Thế giới bóng đá Pháp chọn cách tri ân Tapie như một người hùng đưa Marseille tới với thời kỳ vinh quang nhất lịch sử, sánh vai với những tên tuổi lớn nhất lục địa già, thay vì một kẻ gian lận, tham nhũng, làm mọi thứ để chiến thắng.

Tapie là người hùng hay kẻ phản diện? Tùy vào góc nhìn, giới mộ điệu sẽ có cách nhìn riêng. Nhưng rõ ràng, Bernard Tapie là biểu tượng hoàn hảo của lòng tham không đáy trong bóng đá.

Khoảnh khắc Payet ném chai nước đáp trả CĐV Nice Dimitri Payet (đội Marseille) đáp trả khi bị cổ động viên đội chủ nhà ném chai nước trong trận đấu ở vòng 3 Ligue 1 rạng sáng 23/8 (giờ Hà Nội).

Hai án phạt cho vụ bạo loạn ở Ligue 1

CLB Nice bị cấm đón khán giả ở trận tới còn HLV thể lực của Marseille không được làm nhiệm vụ sau vụ bạo loạn ở trận đấu giữa đôi bên hôm 23/8.

Nice bị trừ điểm sau vụ bạo loạn ở Ligue 1

Nice bị trừ 2 điểm còn Marseille mất 2 trụ cột vì vụ bạo loạn ở Ligue 1 hôm 23/8.

Việt Nhật

Bạn có thể quan tâm