Một bệnh dịch giả thiết mà các chuyên gia y tế cảnh báo sẽ "đe dọa thế giới và làm xáo trộn xã hội". Và rồi virus corona chủng mới xuất hiện.
Zing.vn lược dịch bài viết của South China Morning Post về cách chủng virus corona mới đã xuất hiện và làm đảo lộn Trung Quốc, biến một tỉnh thành vùng dịch bị phong tỏa, và việc nó đã được dự báo trước như thế nào.
Họ gọi đó là "Bệnh X" - một dịch bệnh giả thiết có thể xảy ra trong tương lai.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa nó vào danh sách 8 bệnh truyền nhiễm tệ hại nhất của nhân loại vào năm 2018. Không có tên vì nó chưa xảy ra. Một mục tiêu của danh sách là cho 194 quốc gia tài trợ cho cơ quan Liên Hợp Quốc này thấy được mối đe dọa từ các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, cụ thể là dịch bệnh.
Ebola trong danh sách đó, ở vị trí số 2 - loại virus được cho là đã nhảy từ dơi ăn quả châu Phi sang các loài vật mà con người ăn thịt. Bệnh giết chết khoảng 50% số người bị lây nhiễm, chủ yếu là do họ mất lượng lớn chất lỏng trong cơ thể. Virus Ebola sử dụng chính những chất lỏng đó - nước bọt, máu, chất bị nôn ra - để lây nhiễm cho những người tiếp xúc với chúng. Một virus lây lan chết người.
Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) ở vị trí số 4. SARS có thể gây viêm phổi và từng cướp đi mạng sống của hơn 800 người, hầu hết ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong, trước khi biến mất cơ bản vào năm 2003, chưa đầy một năm sau khi xuất hiện.
Một lần nữa, dơi được cho là vật chủ của virus và sau đó virus xâm nhập vào loài vật mà con người ăn thịt, trong trường hợp này có thể là những con cầy hương được bán ở chợ tại Trung Quốc. SARS không cần bơi để lây nhiễm, nó có thể trôi nổi trong những giọt bắn ra khi con người ho hoặc hắt hơi, hoặc tồn tại trên các bề mặt mà con người thường xuyên tiếp xúc.
Bệnh X nằm ở cuối danh sách, vị trí số 8. Mô tả: "(nó) thể hiện nhận thức rằng một dịch bệnh quốc tế nghiêm trọng có thể xảy ra bởi một mầm bệnh hiện chưa được biết đến".
Sau cuộc khủng hoảng Ebola ở Tây Phi, WHO đã suy nghĩ lại về những gì cần phải làm để ứng phó tốt hơn trước các dịch bệnh và lập danh sách trên, theo Marion Koopmans, người đứng đầu khoa Nghiên cứu Virus tại Bệnh viện Đại học Erasmus ở Rotterdam, Hà Lan.
Bà Koopmans, thành viên nhóm cố vấn WHO về nghiên cứu và phát triển, cho biết Bệnh X nằm trong danh sách vì nó là tiếng chuông cảnh báo toàn cầu. Đó là lời cảnh báo để bắt đầu suy nghĩ cách đối phó với những mối đe dọa này, bà nói.
Bà mô tả về nó: "Đây là một căn bệnh mới, nó đe dọa thế giới, nó gây xáo trộn xã hội và chúng ta cần phải tìm ra cách phát hiện, kiểm soát, điều trị và ngăn chặn nó. Đối với tôi, đó là Bệnh X".
Đó cũng là mô tả công bằng về kẻ giết người đã xâm nhập vào thành phố Vũ Hán của Trung Quốc trong những ngày cuối cùng của thập kỷ trước, dù giờ đây nó đã có tên và cả ảnh chân dung.
Khuôn mặt của Bệnh X xuất hiện qua hình ảnh một quả cầu màu xám mờ, đính những chiếc gai nhỏ, được chụp bởi một nhà khoa học bằng kính hiển vi điện tử.
Bước tiếp theo trong quy trình nhận dạng là khiến mầm bệnh bí ẩn từ bỏ bí mật của nó. Vì thế, họ đã chuyển sang nhờ cậy thiết bị xác định trình tự ADN có kích thước bằng máy fax văn phòng, tạo ra một đống "mã" có thể ghép lại giống như trò chơi ghép hình để có thể nhận dạng bộ gene.
Từ dữ liệu này, người ta biết rằng kẻ giết người ở Vũ Hán xuất thân từ một gia đình khó chịu, là thành viên mới của gia tộc virus corona và là anh em họ với SARS. Các nhà khoa học ban đầu đặt tên cho nó là 2019-nCoV dựa theo thời gian nó xuất hiện và mối quan hệ gia đình của nó. Sau này, nó được đổi tên thành SARS-CoV-2.
Bên cạnh kết quả ban đầu trong phòng thí nghiệm này, điều chắc chắn khác duy nhất về loại virus này là không ai biết chính xác nó đến từ đâu, làm thế nào nó rơi vào thành phố 11 triệu người, nó đến khi nào và điều gì đã khiến nó nổi loạn.
Khoảng 122 năm trước, các nhà khoa học khi tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh đã bắt đầu xác định các thực thể nhỏ hơn cả vi khuẩn - thứ mà nhà vi trùng học người Hà Lan Martinus Beijerinck năm 1898 gọi là tác nhân truyền nhiễm ký sinh.
Cùng năm đó ở Đức, nhà vi khuẩn học Friedrich Loeffler và đồng nghiệp Paul Frosch tìm thấy bằng chứng về vật chất nhỏ hơn vi khuẩn gây bệnh lở mồm long móng ở động vật.
Những phát hiện của họ mở ra cánh cửa đến một thế giới vi mô mới với các "thực thể cực dễ thấy, cực dễ lọc" trước đây chưa từng thấy. Các ký sinh trùng này sau đó được đặt tên là "viruses", theo từ Latin có nghĩa là "chất độc".
Một loạt khám phá ra đời sau đó, bao gồm cả virus gây bệnh cúm ở người vào năm 1933.
Đại học California, Berkeley mô tả phát hiện của Loeffler và Frosch bằng những từ ngữ nghe như mô tả xác sống: "Đây là manh mối đầu tiên về bản chất của virus, các thực thể di truyền nằm đâu đó trong vùng xám giữa hai trạng thái sống và không sống".
Nếu SARS-CoV-2 ở trạng thái xác sống khi vào Vũ Hán, nó sẽ sớm hoạt động để làm những gì virus thường làm: tìm vật chủ, cướp tế bào, sinh sản, nhân rộng, lây lan.
Sự tàn phá mà các loại virus khác nhau để lại trong quá trình xâm phá, chiếm giữ và tiêu diệt tế bào con người có nhiều tên gọi: sởi, herpes, bại liệt, bệnh dại, Ebola và AIDS.
Loại tàn phá phụ thuộc vào nơi virus tìm thấy nhà, loại tế bào mà nó bám vào, chui qua và cướp đi. Nơi nó tấn công một người phụ thuộc vào việc tế bào mô cơ thể nào liên kết tốt nhất với loại virus đó.
Viêm phổi là đặc sản tàn phá của SARS-CoV-2. Nó giết người bằng cách bóp nghẹt nguồn cung cấp oxy của cơ thể. Sự lây nhiễm làm cho phổi chảy chất lỏng sau đó đặc lại thành đờm hoặc mủ, từ từ ngăn chặn khả năng vận chuyển oxy vào máu của phổi.
Việc thở trở nên mệt nhọc hơn bao giờ hết, buộc tim phải hoạt động quá sức để bơm thêm máu đến các cơ quan bị thiếu oxy. Cái chết có thể đến khi tim không trụ được nữa, cùng với sự suy kiệt của các cơ quan khác. Hoặc - trong lúc cố hít thở - người nhiễm bệnh rơi vào trạng thái hôn mê và chết ngạt.
Viêm phổi đã giết chết khoảng 2,56 triệu người trên toàn thế giới vào năm 2017, theo Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington.
Thời tiết ấm hơn bình thường vào đầu tháng 12 tại Vũ Hán, thành phố cảng nội địa với dân số lớn hơn New York. Đến giữa tháng, nhiệt độ chỉ còn 9-10 độ C, nền nhiệt điển hình của tiết trời đầu đông dễ chịu tại thành phố nằm bên khúc quanh của sông Trường Giang, con sông dài nhất châu Á. Khu vực trung tâm thành phố trải rộng trên cả hai bờ của dòng sông, với diện tích gấp năm lần London.
Sông Trường Giang chảy từ vùng núi Tây Tạng qua các hẻm núi đá vôi ở miền Trung Trung Quốc, và uốn khúc khuỷu tay ở phía đông nam Vũ Hán, đi qua một khu vực bao quanh thành phố với các hồ nước nằm rải rác. Sau đó, sông sẽ đi thêm khoảng 600 hải lý đến Thượng Hải và biển Hoa Đông - đây là tuyến đường dành cho các tàu chở 1,7 triệu container đi qua các cảng Vũ Hán vào năm 2019.
Vị trí nổi bật của Vũ Hán bên sông Trường Giang ở miền Trung Trung Quốc biến nó thành trung tâm giao thương của đất nước trong nhiều thế kỷ, và thành phố càng phát triển hơn với sự xuất hiện của đường sắt. Là trung tâm vận tải, Vũ Hán là mục tiêu chính trong chiến tranh vào những năm 1940, khi thành phố bị tàn phá nặng nề trong các trận mưa bom.
Nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế gần đây đã chứng kiến các công ty từ khoảng 80 quốc gia đầu tư vào Vũ Hán - họ không chỉ bị thu hút bởi lợi thế giao thông và vị trí, mà còn bởi các trường đại học hàng đầu về khoa học và công nghệ của thành phố. Honda của Nhật Bản và công ty sản xuất bia đa quốc gia AB InBev nằm trong số đó. Chỉ riêng các công ty do Anh hậu thuẫn đã bơm 5 tỷ USD vào thành phố trong năm 2018, cựu thị trưởng Wan Yong cho biết vào thời điểm đó.
Sau đó trong tháng 12, các bác sĩ ở Vũ Hán bắt đầu tập hợp những mảnh ghép đầu tiên của căn bệnh viêm phổi bí ẩn mà cuối cùng dẫn đến phản ứng mạnh mẽ nhất ở tầm quốc gia đối với một cuộc khủng hoảng sức khỏe trong lịch sử loài người. Phản ứng đó bao gồm việc phong tỏa các thành phố và địa phương khắp tỉnh Hồ Bắc, nơi có gần 60 triệu người - gần bằng dân số nước Anh.
Trong vài tuần, báo động về kẻ giết người ở Vũ Hán xuất hiện trên màn hình tivi, điện thoại di động và mạng xã hội ở Washington, Moscow, Nairobi, Tokyo, Milan và mọi nơi khác, đảo ngược mục tiêu tăng trưởng kinh tế thế giới, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, "đắp chiếu" hàng nghìn chuyến bay, và đóng cửa biên giới.
Cho đến nay, nó đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng và khiến hàng chục nghìn người nhiễm bệnh.
South China Morning Post đã cử 5 phóng viên đến Vũ Hán từ ngày 3/1, và người cuối cùng rời đi chỉ vài giờ trước khi thành phố bị phong tỏa vào ngày 23/1. Câu chuyện được kể lại ở đây là từ lời kể của các nhân chứng, các chuyến đi đến bệnh viện, các cuộc phỏng vấn với bác sĩ và cư dân, nghiên cứu được công bố, báo cáo chính thức và bình luận của các chuyên gia y tế từ khắp nơi trên thế giới.
Các chuyên gia y tế toàn cầu vẫn đang cố gắng tìm hiểu và nắm bắt dịch bệnh lần này. Song rõ ràng những dấu hiệu đầu tiên của thảm kịch sắp xảy ra ở Vũ Hán đã xuất hiện từ từ, trong khi các bác sĩ tại thành phố cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của những gì họ đang nhìn thấy ở bệnh nhân.
Các ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại bệnh viện lớn ở Vũ Hán vào giữa tháng 12. Bệnh nhân đa số ho khan, sốt cao và thở khó khăn - những triệu chứng có thể cho thấy họ bị cảm cúm nặng trong mùa đông.
Song điều gì đó khác xuất hiện trong ảnh chụp cắt lớp CT phổi của họ. Về mặt y khoa, chúng được mô tả là "tổn thương kính mờ (ground-glass opacities)", tức các khu vực chứa đầy chất lỏng hoặc bị phá hủy một phần, dấu hiệu của viêm phổi.
Nhiễm trùng phổi là biểu hiện thấy rõ ở một trong những bệnh nhân đầu tiên được chuyển đến Bệnh viện Đồng Tế, trung tâm y tế hàng đầu ở Vũ Hán. Một bác sĩ ở Đồng Tế cho biết người đàn ông này được chuyển đến vào ngày Giáng Sinh với "các vết mờ lan rộng" trên phổi. "Ngay cả sau khi dùng kháng sinh, người này vẫn không có dấu hiệu cải thiện".
Bệnh nhân đó là một trong số nhiều người bị sốt, ho và phổi mờ đục bắt đầu "tràn vào" Đồng Tế vào tuần cuối tháng 12, bác sĩ trên cho hay.
Ông nói khi thảo luận về các ca bệnh này với các đồng nghiệp, họ đã tự hỏi có phải SARS quay trở lại.
Các bệnh nhân có triệu chứng giống SARS cũng được đưa vào Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán.
"Trên tiền tuyến, tất cả chúng ta đều biết SARS từng gây chết người như thế nào và sẽ không có ai tự mãn, dù là 17 năm sau", bác sĩ ở Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán, cũng từ chối công khai danh tính, nói.
Trong thời gian dịch SARS xảy ra, Trung Quốc đã phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề vì chậm trễ trong việc báo cáo về căn bệnh này và để nó lan rộng.
Sau này, họ đã xây dựng hệ thống trực tuyến kết nối các bệnh viện trên cả nước với Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho phép báo cáo nhanh hơn về sự bùng phát dịch, bao gồm cả những gì được gọi là "bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân", hay PUE.
Xây dựng mạng lưới là một chuyện, việc sử dụng nó lại là chuyện khác. Theo các cuộc khảo sát của CDC Trung Quốc tại các bệnh viện trong hai năm 2015 và 2016, được trích dẫn trong báo cáo của Phó giám đốc Feng Zijian, việc cập nhật các trường hợp viêm phổi trong hệ thống máy tính rất phức tạp, tốn thời gian và nhiều bác sĩ đã không được đào tạo để sử dụng nó.
Những vấn đề đó rõ ràng tồn tại khi số bệnh nhân PUE bắt đầu gia tăng tại các bệnh viện ở Vũ Hán vào cuối tháng 12, và các bác sĩ đa phần ngày càng lo ngại về các ca lây nhiễm trong các báo cáo trực tiếp cho cấp trên ở bệnh viện.
Đó là câu chuyện khi họ bắt đầu nhận thấy nhiều người bệnh làm việc tại cùng một nơi - chợ bán buôn hải sản Hoa Nam. Điều này đưa ra một cảnh báo khác vì dịch SARS 2002-03 bắt nguồn từ thịt động vật nhiễm virus tại một chợ đồ tươi ở Quảng Đông.
"SARS là câu chuyện sinh tử, đối với chúng ta và đối với bệnh nhân", bác sĩ ở Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán nói.
Khi các bác sĩ bắt đầu thấy mô thức giống nhau của các ca nhiễm, hai trưởng khoa ở các bệnh viện khác nhau đã đưa ra những báo động sớm.
Ai Fen, Trưởng khoa cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, chứng kiến ca bệnh đầu tiên vào ngày 18/12, một người đàn ông lớn tuổi bị sốt cao và nhiễm trùng phổi. Khoảng một tuần sau, một người đàn ông ở độ tuổi 40 được chuyển đến từ một phòng khám địa phương có cùng triệu chứng. Nữ trưởng khoa đã gửi các mẫu chất lỏng để xét nghiệm, theo China News Weekly.
Khi kết quả được trả vào ngày 30/12, cô mang chúng đi thẳng đến gặp các lãnh đạo bệnh viện: Các mẫu cho thấy dấu hiệu của một chủng virus corona giống như SARS.
Zhang Jixian, Chủ nhiệm khoa hô hấp tại Bệnh viện Trung Tây y kết hợp tỉnh Hồ Bắc, cách chợ Hoa Nam 6 phút lái xe, đã nhìn thấy câu chuyện tương tự.
Cô điều trị cho một cặp vợ chồng già bị ho và sốt vào ngày 26/12. Ảnh CT cho thấy các vết mờ ở phổi có liên quan đến viêm phổi. Khó hiểu hơn, con trai của họ không có triệu chứng, nhưng ảnh chụp theo yêu cầu của bác sĩ Zhang cho thấy vùng mờ tương tự trên phổi.
Trong ngày hôm đó, bác sĩ Zhang thấy một bệnh nhân có triệu chứng tương tự trước đó làm việc tại chợ Hoa Nam, theo website của ủy ban y tế tỉnh. Không ai trong số 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với các virus và vi khuẩn gây bệnh thông thường, từ cúm đến chlamydia.
Zhang, người từng trải qua cuộc chiến chống Sars cũng như chiến dịch y tế trong thảm họa động đất Tứ Xuyên năm 2008, cảm thấy lo lắng và thông báo cho cấp trên trong bệnh viện, những người sau đó đã báo cáo với giới chức y tế quận.
Khi có thêm 3 bệnh nhân viêm phổi, tất cả đều liên quan đến chợ Hoa Nam, xuất hiện tại bệnh viện của cô trong 2 ngày sau đó, cô đã báo cáo khẩn cho người đứng đầu bệnh viện. Lúc này họ đã có 7 bệnh nhân.
13h ngày 29/12, Phó chủ tịch bệnh viện, Xia Wenguang, đã gọi các bác sĩ từ 10 khoa đến phòng họp và đưa ra hồ sơ bệnh án của 7 bệnh nhân. Họ cùng nhau nghiên cứu ảnh chụp phổi, các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm từ phòng thí nghiệm. Họ đồng ý các bằng chứng này là điều đáng lo ngại.
Bác sĩ Xia cho rằng số ca bệnh sẽ gia tăng. Chiều cùng ngày, ông báo việc này với ủy ban y tế và trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố và tỉnh.
Tối hôm đó, các bệnh nhân biểu hiện triệu chứng bắt đầu được chuyển đến Bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán, nơi chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Khi các quan chức CDC địa phương nhận được cảnh báo, họ đã liên lạc với các bệnh viện trong thành phố kêu gọi "điều tra thực tế, bao gồm việc tìm lại các bệnh nhân viêm phổi có thể liên quan đến chợ Hoa Nam", theo báo cáo của CDC quốc gia.
Và họ tìm ra 27 bệnh nhân.
Thế là đủ cho giới chức y tế Hồ Bắc. Vào ngày 30/12, họ gọi cho các quan chức trong tòa nhà mặt kính nơi có trụ sở CDC Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ngày hôm sau, một nhóm chuyên gia do Phó giám đốc của cơ quan này, ông Feng, bay đến Vũ Hán.
Ông đi cùng những người "nặng ký": Xu Jianguo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Trọng điểm Nhà nước về Phòng chống và Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm; Li Xingwang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Địa Đàn Bắc Kinh; và Cao Bin, chuyên gia về hô hấp tại Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật ở Bắc Kinh.
Họ đến thành phố "để hỗ trợ nỗ lực điều tra và kiểm soát", báo cáo CDC Trung Quốc cho biết.
Các mốc thời gian này chỉ ra rằng từ khi cảnh báo leo thang vào ngày 29/12 đến khi đội ngũ CDC Trung Quốc hạ cánh ở Vũ Hán mất khoảng 72 giờ. Chợ Hoa Nam bị đóng cửa một ngày sau đó, hôm 1/1.
"Việc liên kết một căn bệnh với một nơi không quá dễ như vậy", bà Koopmans, cố vấn WHO tại Bệnh viện Đại học Erasmus, nói. Các mảnh ghép phải được ghép lại với nhau - và viêm phổi là bệnh phổ biến trong mùa đông - và sau đó được liên kết với một nơi, bà nói. "Làm điều đó nhanh nhất có thể, quan sát từ xa, tôi nghĩ thật ấn tượng".
Từ sự bùng phát dịch SARS đến sự xuất hiện của kẻ giết người ở Vũ Hán 17 năm sau, một sự thay đổi cơ bản đã diễn ra trong cách thế giới giao tiếp: mạng xã hội.
Ngày 30/12, ảnh chụp một chỉ thị kêu gọi các bệnh viện Vũ Hán báo cáo "các ca viêm phổi không rõ nguồn gốc" bị rò rỉ trên các mạng xã hội Trung Quốc như WeChat và Weibo, với hàng trăm triệu người dùng.
Vì vậy, khi virus xuất hiện ở Vũ Hán và các bác sĩ cảnh báo cho các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Bắc Kinh, tin tức đã lan tràn trên mạng xã hội và lời đồn bắt đầu xuất hiện: SARS có thể đã quay trở lại.
Một trong những người đầu tiên rung lên tiếng chuông báo động là bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, cùng nơi bác sĩ Ai làm việc.
Ngày 30/12, anh đăng bức ảnh chụp báo cáo xét nghiệm mà bác sĩ Ai đã yêu cầu trong nhóm bạn học trường y của anh trên WeChat. Khoanh tròn màu đỏ: dấu hiệu của SARS.
Ngày 31/12, ủy ban y tế Vũ Hán lên tiếng. Họ cho biết các bệnh viện đã xác định được 27 trường hợp mắc bệnh viêm phổi, nhiều trường hợp liên quan đến chợ bán buôn hải sản Hoa Nam, nói thêm rằng "không có bằng chứng rõ ràng về việc lây bệnh từ người sang người".
Tờ Nhân Dân Nhật báo sau đó nói rằng các ca bệnh này nhiều khả năng là một dạng viêm phổi khác hơn là SARS.
Bác sĩ Lý bị lãnh đạo bệnh viện gọi lên và khiển trách về bài đăng của anh trên WeChat. Ngay cả Ai cũng cho biết cô đã bị lãnh đạo bệnh viện tra hỏi về việc "phao tin đồn nhảm".
Sở cảnh sát Vũ Hán vào cuộc, thông báo trên mạng xã hội rằng họ đã "thực hiện các biện pháp pháp lý", đối với nhóm 8 người đã lan truyền tin đồn về dịch SARS. Nhóm này có ít nhất 3 bác sĩ, bao gồm bác sĩ Lý.
Anh bị triệu tập đến đồn cảnh sát địa phương và buộc phải ký vào đơn thú tội cam kết sẽ không tiết lộ thêm về dịch bệnh. Anh ký vào đơn ngày 3/1, cùng ngày thành phố cho biết 44 bệnh nhân viêm phổi đã được xác định tại các cơ sở y tế trong thành phố và đang được cách ly.
Bay đến Vũ Hán trên máy bay từ Hong Kong vào tối 3/1, tất cả tiếp viên đều đeo khẩu trang y tế. Máy bay có sức chứa 150 người gần như đầy khách cho chuyến bay kéo dài 2 giờ, dù chỉ có khoảng một phần tư hành khách đeo khẩu trang.
Nếu đó là dấu hiệu cho thấy sự lo lắng của công chúng trước tin tức về virus, tất cả dường như bình thường tại sân bay quốc tế Thiên Hà ở Vũ Hán - không kiểm tra thân nhiệt, không sàng lọc.
Một tài xế taxi trên đường đến khách sạn đã nghe về dịch bệnh, nhưng nghĩ rằng nó dường như đang được kiểm soát. Anh lục lọi trong túi và lấy ra một chiếc khẩu trang y tế. "Nếu tôi đeo khẩu trang, tôi sẽ tạo ra sự hoảng loạn và khiến khách hàng sợ hãi", anh nói
Sáng hôm sau trời u ám, lạnh lẽo và mưa mịt mù. Một tài xế taxi khác tỏ ra kinh ngạc khi được yêu cầu lái xe đến chợ bán buôn hải sản Hoa Nam. Wang Pengju phục vụ trong quân đội khi dịch SARS xảy ra, và nói rằng anh nhớ rất rõ.
"Những người từng trải qua SARS cực kỳ lo lắng về chuyện này. Tôi cảm thấy lo lắng khi phải đưa khách hàng đến khu vực xung quanh chợ này", anh Wang nói khi anh dừng xe.
Chợ bán buôn hải sản Hoa Nam nằm ngay bên ngoài đường vành đai số 2 ở phía tây Vũ Hán. Đây là một khu vực đang xây dựng, với một trường mẫu giáo, các tòa nhà chung cư, Ngân hàng Công thương Trung Quốc và các trung tâm mua sắm gần đó.
Chợ trải rộng trên diện tích bằng 4 sân bóng đá ở hai bên đường Xinhua. Con đường vẫn mở nhưng tất cả lối vào dành cho người đi bộ đến khu chợ ở tầng trệt đã bị chặn lại bằng rào chắn đỏ. Nhân viên bảo vệ mặc áo khoác dày đứng bên ngoài, cách nhau 50 mét, ở hai bên đường.
Khoảng một chục chủ cửa hàng hải sản đứng bên ngoài chợ, hầu hết đeo khẩu trang và mặc áo khoác, đi ủng cao su và đội mũ lưỡi trai. Họ đang đàm phán với những người bảo vệ để được vào chợ lấy lại cá, cua, sò và các sản phẩm khác còn lại bên trong. Một người phụ nữ được phép đi vào lấy hai hộp hải sản vào giờ ăn trưa.
Họ đều biết về căn bệnh này, nhưng một số người có giả thiết khác nguyên nhân gây ra các vấn đề về phổi ở những người nhập viện. Họ nói rằng một đám cháy xảy ra tại chợ vào cuối tháng 11. Đám cháy kéo dài vài giờ và phá hủy lượng lớn thiết bị làm lạnh và sản xuất, theo một chủ gian hàng.
"Chúng tôi nghĩ rằng đám cháy có thể đã tạo ra một chất có hại trong không khí và khi mọi người hít vào, nó làm tổn thương phổi của họ", cô nói, cho biết đây cách giải thích lan truyền khắp chợ về việc tại sao mọi người ho và khó thở.
Khi được hỏi về những gì được bán ở chợ ngoài hải sản, các chủ cửa hàng cho biết thịt từ động vật nuôi, dê, cừu và thỏ có sẵn, cũng như rắn, nhưng họ nói không biết về việc buôn bán động vật hoang dã.
Những lời phủ nhận này đi ngược lại với những gì được cho là có sẵn tại một trong những cửa hàng tại chợ, Dazhong, nơi niêm yết danh sách động vật đi kèm trên website của họ.
Danh sách động vật có sẵn của họ lên đến khoảng 100 loài cả dạng sống lẫn dạng thịt, từ hươu đỏ và chim công đến cáo và sói, sóc, chim bồ câu đốm, chim sẻ tre và gà tuyết Tây Tạng. Cầy vòi mốc, động vật sống về đêm có liên quan đến sự bùng phát dịch SARS, cũng được liệt kê bán với giá tương đương 19 USD cho một con sống.
Hầu hết động vật được bán trong danh sách đó có thể được nhân giống hợp pháp tại những nơi được gọi là trang trại theo quy định của Trung Quốc về buôn bán động vật hoang dã. Từ những trang trại đó, chúng có thể được đưa vào lồng và vận chuyển đến các chợ như Hoa Nam trên khắp Trung Quốc.
Cho đến khi Bắc Kinh cấm hoạt động này vài tuần sau đó, Trung Quốc đã cho phép nuôi nhốt với mục đích thương mại và không có hạn chế về việc tiêu thụ động vật hoang dã.
"Đây là lỗ hổng lớn trong luật pháp hiện hành", Liu Jinmei, luật sư môi trường của tổ chức phi chính phủ Friends of Nature, nói trước khi luật được thay đổi. "Nếu không có quy định về những gì có thể dùng làm thức ăn, bạn sẽ có loại chợ này. Một số người sẽ ăn, một số người sẽ mua bán, một số người sẽ nuôi và săn bắn".
Theo báo cáo của chính phủ do Học viện Kỹ thuật Trung Quốc công bố năm 2017, ngành buôn bán và nuôi động vật hoang dã Trung Quốc có hơn 14 triệu lao động vào năm 2016 và trị giá 520 tỷ nhân dân tệ (74 tỷ USD).
Ngành bao gồm các động vật được nuôi để lấy lông, sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, cũng như làm thực phẩm. Luật nuôi có giấy phép được coi là cách để giảm áp lực lên các quần thể động vật hoang dã.
"Có rất nhiều công ty lớn nuôi động vật hoang dã và bán cho các chợ và nhà hàng", theo Zhou Zhaomin, làm việc tại chương trình Bảo tồn Tài nguyên Hoang dã Tây Nam Trung Quốc tại Đại học Sư phạm Tây Hoa ở Tứ Xuyên.
Những người buôn bán động vật hoang dã tại các chợ như Hoa Nam cần "nguồn cung cấp lâu dài và đáng tin cậy", vì vậy các trang trại chăn nuôi để nhân giống động vật phù hợp với luật, ông nói.
Một hậu quả khác của việc buôn bán động vật hoang dã Trung Quốc làm thức ăn là những con vật không thường sống cùng nhau trong tự nhiên lại bị ném vào lồng, thường là bị giam cầm, không vệ sinh.
Việc đó tạo ra môi trường nguy hiểm để virus kết hợp, theo Timothy Sheahan, trợ lý giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill.
"Về mặt sinh thái, tất cả những con vật này không phải lúc nào cũng có cơ hội tương tác trong tự nhiên, vì vậy theo cách nào đó bạn đang tạo ra môi trường chín muồi cho sự lây nhiễm giữa các loài... Bạn tạo ra môi trường nhân tạo hoặc hệ sinh thái có thể giúp một loại virus nhảy từ loài này sang loài khác", vị chuyên gia nói.
Khi hiện tượng đó xảy ra với chuỗi thức ăn của con người, kết quả có thể là cái chết, theo chuyên gia Koopmans.
"Nếu bạn đưa động vật hoang dã vào chuỗi thức ăn, chúng có thể mang mầm bệnh không ảnh hưởng đến chúng, nhưng nếu mọi người nhiễm phải, họ có thể tử vong", bà nói.
WHO cho biết 70% mầm bệnh được phát hiện trong 50 năm qua đến từ động vật.
Song các nhà khoa học đang cố truy tìm nguồn gốc của chủng virus corona mới vẫn không chắc chắn rằng virus đã truyền từ động vật sang một người ở chợ Hoa Nam bởi vì con vật đó và "bệnh nhân số 0" - người đầu tiên bị nhiễm bệnh - vẫn chưa được xác định.
Có thể mối liên hệ đó sẽ không bao giờ được tìm thấy.
AIDS, hay hội chứng suy giảm miễn dịch, được đặt tên như vậy ở Mỹ vào năm 1982 và năm sau đó, virus gây ra nó, HIV, được phát hiện, theo Viện AIDS ở Mỹ.
Cho đến năm 1999, tức là 17 năm sau, một loài tinh tinh ở Trung Phi được xác định là nguồn có thể mang virus, có thể đã lây nhiễm cho những người săn bắt nó để lấy thịt và biến đổi thành HIV trong cơ thể con người.
Ca nhiễm được biết đến sớm nhất là một người đàn ông ở Kinshasa, Congo, năm 1959, theo viện nghiên cứu. Họ lưu ý rằng vẫn chưa biết rõ người đàn ông đó nhiễm virus như thế nào, nhưng AIDS sau đó đã lan rộng khắp châu Phi trong nhiều thập kỷ trước khi tìm đường đến Mỹ và các nước khác.
Tương tự như vậy với SARS. WHO cho biết căn bệnh này "từng được cho là" một loại virus lây lan từ loài động vật "chưa được xác định" như dơi, sau đó truyền sang người ở Trung Quốc từ loài cầy hương.
Bình luận khác về nguồn gốc của virus corona chủng mới xoay quanh khả năng nó có thể không đến từ động vật ở chợ Hoa Nam. Giả thiết này viện dẫn hồ sơ y tế được công bố cho thấy trong trường hợp nhập viện sớm nhất, người nhiễm bệnh không có mối liên hệ nào với chợ này.
Điều đó đã dẫn đến suy đoán rằng virus đi vào thành phố bằng con đường khác, vừa lây truyền vừa biến đổi giữa các vật chủ một cách âm thầm.
Các giả thiết khác cho rằng "xổng" ra từ Viện Virus học Vũ Hán, nơi đã xây dựng một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về các chủng virus được tìm thấy ở dơi. Viện và một trong những nhà nghiên cứu virus ở dơi hàng đầu tại đây đã bác bỏ suy đoán này.
Khi virus bùng phát ở Vũ Hán, con đường của SARS-CoV-2 có thể được thấy trong dấu vết của người bệnh và người chết, di chuyển giữa những vật chủ người mới và đi cùng họ khi họ đi xe, tàu lửa và máy bay trong phạm vi Trung Quốc và cũng như đi ra nước ngoài cho kỳ nghỉ ở Thái Lan, hội nghị kinh doanh ở Đức hay tàu du lịch ở Nhật Bản.
Song việc đuổi theo nó theo hướng ngược lại, xem xét chuỗi thức ăn, phân tích chất khạc nhổ hoặc máu có thể đã gây ra sự lây nhiễm virus giữa hai loài và điều tra các trang trại hoặc khu rừng nơi động vật nhiễm bệnh từng ở lại không để lại dấu vết có thể nhìn thấy như vậy, chỉ có dấu vết vật chất di truyền.
Điều làm cho việc theo dõi virus trở nên khả thi được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Trung Quốc tại các viện đã bóc tách mầm bệnh qua các thiết bị xác định trình tự ADN.
Đến ngày 12/1, bộ gene của virus đã được các nhà nghiên cứu này đăng tải lên cơ sở dữ liệu truy cập mở toàn cầu và chia sẻ với WHO. WHO gọi đây là "thành tựu đáng chú ý" có vai trò quan trọng trong việc giúp giới chức y tế công cộng hiểu về căn bệnh này.
"Đây có lẽ là dịch bệnh mà chúng ta chứng kiến quá trình giải mã bộ gene của virus liên qua nhanh nhất, sớm nhất", nhà virus học Ian Mackay, phó giáo sư tại Đại học Queensland, Australia, cho biết. "Điều này rất quan trọng đối với nhận thức của chúng ta về những gì đang xảy ra", ông nói, giải thích rằng việc giải mãi bộ gene giúp xác định loài vật là nguồn bệnh và bắt đầu nghiên cứu vaccine.
Phân tích cấu trúc di truyền cũng tiết lộ đặc điểm chưa từng thấy ở chủng virus corona này: các phân tử đường như có thể cho phép nó ẩn mình trước các cuộc tấn công từ hệ miễn dịch của con người.
Nó cũng giúp rút gọn danh sách nguồn bệnh tiềm năng - nghi phạm chính nằm trong số 147 loài dơi được biết đến của Trung Quốc.
Loài dơi móng ngựa (Rhinolophus affinis) mang một chủng virus với ADN giống virus corona mới đến 96%, được xác định vào tháng 1 bởi nhà nghiên cứu virus corona dơi nổi tiếng Shi Zhengli của Viện Virus học Vũ Hán.
Khác biệt 4% cho thấy một loài động vật khác có khả năng là trung gian giữa dơi và người, và trong quá trình nhảy từ dơi sang loài trung gian này, virus định hình lại cấu trúc di truyền để liên kết tốt hơn với các tế bào trong vật chủ mới, trước khi xâm nhập vào cơ thể người.
Tê tê được xem là loài có thể đóng vai trò trung gian này sau khi các nhà nghiên cứu tìm thấy một chủng virus ở tê tê có cấu trúc di truyền giống virus corona chủng mới đến 99%.
"Tê tê chắc chắn rất thú vị bởi vì chúng có một loại virus liên quan, nhưng điều này không nhất thiết khiến chúng trở thành vật chủ trung gian. Có rất nhiều loài động vật có thể mang virus tương tự", chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Eddie Holmes thuộc Đại học Sydney cho biết.
"Hiện tại chưa xác định được danh tính của bất kỳ vật chủ trung gian nào cho SARS-CoV-2. Vấn đề này có thể không được giải quyết cho đến khi chúng tôi thực hiện lấy mẫu động vật nhiều hơn", ông nói.
Là một phần trong cuộc truy tìm vật chủ này, một nhóm nhà khoa học đã tới chợ Hoa Nam theo yêu cầu của CDC Trung Quốc vào ngày 1/1 và một lần nữa vào ngày 12/1. Họ đã thu thập được 585 "mẫu môi trường" từ bàn hoặc dấu vết động vật hoặc các sản phẩm bị bỏ lại.
Trong số các mẫu đó, 33 mẫu được tìm thấy có chứa vật liệu di truyền của virus corona mới. Chúng chủ yếu được thu thập từ khu vực phía tây của chợ, nơi bán động vật hoang dã, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hôm 26/1.
"Câu hỏi 10 triệu nhân dân tệ là loài vật đó là gì. Chúng ta cần biết, đó là mảnh ghép quan trọng trong vấn đề cấp bách này", chuyên gia Holmes của Đại học Sydney, người từng đến thăm chợ Hoa Nam năm 2014, nói.
Có một thách thức khác đối với việc tìm kiếm vật chủ: Trước khi Vũ Hán đóng cửa chợ Hoa Nam, các nhóm công nhân với hàng tấn thuốc khử trùng đã đến để dọn dẹp nơi này. Điều này làm bằng chứng di truyền và dấu vết virus bị xóa sạch.
"'Hiện trường vụ án' đã hoàn toàn biến mất. Làm thế nào chúng ta có thể giải quyết một vụ án mà không có bằng chứng?", nhà nghiên cứu SARS Guan Yi của Đại học Hong Kong nói với tạp chí Caixin vào tháng 1.
Trong khi các nhà khoa học đang cố gắng trả lời câu hỏi ông Holmes nêu ra, chợ Hoa Nam có thể là nguồn gốc cho đường lây truyền khác của virus ra khỏi Vũ Hán.
Dù tầng trệt của chợ đã đóng cửa vào ngày 1/1, tòa nhà chợ ở phía đông có hai tầng, với tầng thứ hai chủ yếu là các cửa hàng bán lẻ, bao gồm một lượng lớn cửa hàng bán kính mắt.
Từ ngày 3/1 cho đến ít nhất ngày 6/1, tầng hai vẫn mở cửa và người mua sắm cùng nhân viên vào ra tòa nhà mỗi ngày, ngay phía trên các gian hàng thực phẩm bị đóng cửa bên dưới, theo lời kể của các nhân chứng.
Nếu việc này tạo ra nơi để virus thoát ra, bằng chứng sẽ thể hiện qua một đường lây nhiễm - và có thể đã có. Tỉnh ven biển Chiết Giang sau đó đã ghi nhận hơn 820 ca nhiễm, cao nhất ngoài Hồ Bắc khi đó. Song cho đến nay, nơi có nhiều ca nhiễm nhất tỉnh này vẫn là thành phố Ôn Châu, với 340 bệnh nhân. Một trong những sản phẩm nổi tiếng được sản xuất của Ôn Châu là kính mắt.
Ngày 4/1 tại Vũ Hán, các bệnh nhân viêm phổi khắp thành phố đã được chuyển đi bằng xe cứu thương đến Bệnh viện Kim Ngân Đàm. Một số được nhân viên mặc quần áo bảo hộ đưa vào bệnh viện, những người khác tự bước đi.
Tầng bốn, năm và sáu của bệnh viện dành riêng cho người nhiễm virus, nhưng bản thân bệnh viện mở cửa cho toàn bộ người dân. Người nhà mang bữa ăn và các mặt hàng khác cho bệnh nhân nội trú.
Một người đàn ông trong độ tuổi 70, từ chối nêu tên, đã lên tầng bốn mang theo một hộp cơm cho vợ ăn trưa. Ông gõ lên cánh cửa bị khóa. Một nhân viên bệnh viện mặc đồ bảo hộ màu trắng, đeo khẩu trang y tế và găng tay cao su màu xanh đã mở nó và đem bữa ăn vào bên trong.
Người đàn ông cho biết ông và vợ đều làm việc tại một quầy hàng ở chợ hải sản Hoa Nam và vợ ông có các triệu chứng của bệnh viêm phổi. Bà sau đó đi đến chỗ cánh cửa để nói chuyện với ông. Bà mặc chiếc áo khoác dài và đeo khẩu trang y tế, nhưng không có sự bảo vệ nào khác.
Một người đàn ông khác, họ Yi, đến bệnh viện vì đứa con trai 25 tuổi của anh sẽ được xuất viện vào chiều hôm đó. Anh trình giấy xuất viện, giải thích rằng con trai anh được đưa vào để theo dõi từ ngày 31/12 vì bị sốt. Họ sống cách chợ Hoa Nam một dãy nhà.
Tối hôm đó, một cửa hàng thuốc Watson tại trung tâm mua sắm Wanda Plaza đã bắt đầu hết khẩu trang y tế. Một nhân viên cho biết đã có nhiều người đến mua.
Trở lại Bệnh viện Kim Ngân Đàm vào chiều 5/1, an ninh đã được tăng cường.
Một nhân viên mặc đồ bảo hộ đầy đủ với mũ trùm đầu kéo lên, giày sneaker màu xanh sáng và khẩu trang màu ngọc lam đang canh giữ trước cánh cửa ở tầng bốn. Anh ta không có ở đó một ngày trước.
Một người phụ nữ đến để đưa đồ cho chồng, người đang ở tầng sáu. Họ đã đi mua sắm tại chợ Hoa Nam và sống cách đó không xa. Các triệu chứng của chồng cô bắt đầu hai tuần trước, ban đầu là sốt, sau đó viêm phổi. Anh được chuyển đến bệnh viện vào ngày 31/12.
Sau đó, anh bắt đầu hồi phục, cô nói. Anh hết sốt nhưng vẫn ho rất nhiều. Các bác sĩ cho biết nếu nhiệt độ của anh ta bình thường trong 7 ngày, anh có thể được chuyển sang khu theo dõi. Người phụ nữ rất lạc quan vì anh đã không bị sốt trong 3 ngày.
"Tôi chỉ hy vọng anh ấy có thể hồi phục và về nhà trước Tết Nguyên đán", cô nói. "Điều quan trọng nhất là gia đình ở bên nhau trong dịp này".
Các nhà chức trách theo dõi sự lây lan của căn bệnh bằng cách theo dõi người nhà của bệnh nhân, theo người phụ nữ này. Cảnh sát đã gọi đến nhà cô và tra hỏi, chẳng hạn như có bao nhiêu người trong gia đình và sức khỏe của họ như thế nào.
Một phụ nữ khác ở bệnh viện rất đau khổ. Chồng cô nhập viện với các triệu chứng viêm phổi. Cô buộc tóc, đeo chiếc khăn màu đỏ tươi và áo khoác tối màu. Cô ra vào bệnh viện trong nhiều giờ, hỏi mọi người để tìm hiểu tình trạng của các bệnh nhân khác.
Chồng cô 39 tuổi và đang điều trị ở tầng sáu, cô cho hay, bắt đầu khóc khi nói về anh. Nhân viên y tế đang chuẩn bị cho một bệnh nhân khác sắp được chuyển đến và yêu cầu cô rời đi. Cô đã từ chối.
"Tôi không muốn đi đâu cả", cô nói. "Tôi muốn ở gần đây, như vậy tôi cảm thấy gần hơn với anh hơn".
Một y tá đề nghị cô gọi cho anh qua điện thoại và đừng quá lo lắng vì điều đó cũng có thể khiến người chồng buồn.
Một nhân viên bệnh viện sau đó nhìn thấy một phóng viên SCMP đang ghi chép trên điện thoại di động của cô. Cô cho biết đến từ bộ phận tuyên truyền của bệnh viện và hỏi liệu phóng viên có phải là nhà báo không. Cô cầm tay phóng viên và đưa cô đến gặp công an.
"Bộ phận tuyên truyền quốc gia của Trung Quốc đã tham gia, chúng tôi rất coi trọng vấn đề này", cô nói. Các phóng viên không nên đến bệnh viện nói chuyện với gia đình các bệnh nhân vì họ không có thông tin đầy đủ và giới truyền thông phải chờ đợi thông tin chính thức từ chính quyền, cô nói.
Tại chốt công an, một sĩ quan hỏi phóng viên nơi cô làm việc và muốn xem giấy tờ của cô.
Cô được yêu cầu rời khỏi bệnh viện và thành phố. Tối 6/1 tại sân bay Vũ Hán, không có kiểm tra thân nhiệt hoặc các thủ tục khác.
Chuyến bay một lần nữa gần như đầy khách. Và khi hạ cánh ở Hong Kong, 5 nhân viên sân bay đứng đợi ở cổng với súng kiểm tra thân nhiệt từng hành khách. Các tờ rơi của cơ quan y tế được phát, đưa ra lời khuyên về cách phòng ngừa viêm phổi, viêm đường hô hấp và tư vấn sức khỏe nói chung.
Các chuyên gia về virus ở nước ngoài đã nêu ra những khó khăn trong việc xác định dịch bệnh giữa mùa đông khi hàng nghìn người ở Vũ Hán đi gặp bác sĩ, đến các phòng khám ngoại trú bệnh viện mỗi ngày vì ho, cảm lạnh và cúm.
Song họ cũng để ý thấy rằng từ ngày 5/1, chuyện gì đó đã xảy ra. Vũ Hán dường như chìm vào bóng tối.
Cập nhật chính thức hàng ngày về tình hình y tế đã dừng lại trong 5 ngày. Tuy nhiên, từ bên ngoài nhìn vào, tình hình dường như không được kiểm soát khi vào ngày 9/1, WHO đã đưa ra một tuyên bố dẫn lời giới chức Trung Quốc, lưu ý rằng "virus khả nghi có thể gây ra bệnh nặng ở một số bệnh nhân và không dễ lây truyền giữa người với người".
Sau đó, vào ngày 11/1, ủy ban y tế Vũ Hán cho biết không có trường hợp mới nào được phát hiện kể từ ngày 3/1. Họ đã thông báo về một trường hợp tử vong - một người 61 tuổi bị bệnh gan mạn tính từng đi mua sắm tại chợ Hoa Nam.
Họ cũng cho biết thêm: "Không có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người được tìm thấy. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra dịch tễ học và tiến hành các xét nghiệm liên quan. Ngoài ra, không có trường hợp liên quan nào được phát hiện trong số những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân, kể cả nhân viên y tế".
Song các bệnh viện Vũ Hán đã rơi vào hỗn loạn.
"Rất nhiều bệnh nhân tràn vào bệnh viện, tạo ra một cuộc chạy đua ở hầu hết mọi thứ - giường, bác sĩ, khẩu trang, thuốc men, thuốc khử trùng, vân vân, chúng tôi không đủ để đáp ứng", bác sĩ tại bệnh viện Đồng Tế nói về những tuần đầu tiên của tháng 1.
"Các bệnh nhân xếp hàng hàng giờ chờ chụp cắt lớp và dòng người đợi làm xét nghiệm thích hợp thậm chí còn dài hơn. Tôi cảm thấy rất tệ - người già sắp ngã quỵ nhưng chúng tôi thậm chí không có đủ ghế, họ phải thay phiên nhau ngồi", anh nói. "Bệnh viện bị quá tải".
Song hầu hết trong số bệnh nhân này không xuất hiện với tư cách ca nhiễm virus corona mới, vì họ không đáp ứng các tiêu chí chẩn đoán cụ thể do cơ quan y tế quy định. Ba tiêu chí phải có bao gồm: tiếp xúc với chợ hải sản, có triệu chứng sốt và kết quả xét nghiệm dương tính, theo bác sĩ tại Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán.
Bộ tiêu chí này là nguyên nhân của cuộc tranh cãi gay gắt giữa các bác sĩ địa phương và nhóm CDC Trung Quốc đã bay đến hôm 31/12.
Các bác sĩ Vũ Hán nói các tiêu chí quá nghiêm ngặt và hẹp, sẽ để lọt các bệnh nhân nhiễm bệnh. Họ cũng lập luận rằng những gì họ đang nhìn thấy trong bệnh viện cho thấy sự lây truyền từ người sang người đang diễn ra.
"Các bác sĩ ở Vũ Hán thực sự bị trói tay bởi các tiêu chí nghiêm ngặt này và vì chúng tôi thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm, chúng tôi không thể đáp ứng các tiêu chí cho những người có triệu chứng, khiến những người nhiễm bệnh đi khắp thành phố và truyền bệnh cho người khác", bác sĩ Hiệp Hòa Vũ Hán nói.
"Chúng tôi phải tuân theo chỉ thị dù kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy chúng tôi chính xác hơn 80% dựa trên kết quả chụp CT phổi. Tôi không biết tại sao họ đưa ra các tiêu chí như họ đã làm".
Tình hình cũng ngăn cản các nhân viên y tế kêu gọi hỗ trợ thiết bị, theo bác sĩ của Bệnh viện Đồng Tế, kể lại việc anh phải đổ nước sôi lên kính bảo hộ bằng nhựa để cố gắng giữ chúng vô trùng.
"Nếu chúng tôi không thể nói với thế giới bên ngoài những gì xảy ra, làm thế nào chúng tôi có thể kêu gọi trợ giúp đây? Nguồn cung vật tư y tế của chúng tôi đã cạn kiệt sau hai tuần, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chờ đợi nguồn cung từ các kênh chính thức", anh nói.
Khi các bệnh viện trở nên quá tải và thiếu thiết bị để đối phó với căn bệnh lây lan, các bác sĩ và y tá bắt đầu bị nhiễm virus. Hồ sơ bị rò rỉ từ CDC Trung Quốc cho thấy các nhân viên y tế đã ngã bệnh từ cuối tháng 12.
"Bạn có biết cảm giác như thế nào khi đọc ảnh CT của một đồng nghiệp và phải nói với họ rằng họ đã nhiễm bệnh không?", bác sĩ tại Đồng Tế nói. "Tôi muốn khóc, nhưng tôi không thể khóc vì mắt sẽ bị nhòe và chúng tôi đã có đủ khăn vệ sinh để lau mặt".
Trong số các nhân viên y tế có triệu chứng là Lý Văn Lượng, 34 tuổi, bác sĩ nhãn khoa lên tiếng cảnh báo bạn học trường y của mình về căn bệnh giống SARS trong nhóm WeChat vào cuối tháng 12. Anh bắt đầu có triệu chứng bệnh từ ngày 10/1.
Đối với chuyên gia Yanzhong Huang tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, thời gian quan trọng đã bị lãng phí và cơ hội để kiểm soát sự bùng phát sớm hơn đã bị bỏ lỡ. Sau SARS, Trung Quốc sửa đổi luật phòng chống dịch bệnh để khuyến khích sự minh bạch và chia sẻ thông tin, xây dựng mạng lưới giám sát trực tuyến lớn nhất thế giới cho phép nhân viên y tế báo cáo trực tiếp các bệnh truyền nhiễm cho CDC Trung Quốc, ông nói.
"Bạn có thể mong đợi tất cả những thứ này sẽ hoạt động khi xảy ra một dịch bệnh như thế này", ông Huang nói. "Nhưng rõ ràng hệ thống đã thất bại".
Trong khi đó, nhiều cư dân của Vũ Hán có những vấn đề khác trong tâm trí họ.
Tết Nguyên Đán đang đến gần, ngày lễ lớn nhất trong năm khi hàng trăm triệu người đi lại trên khắp Trung Quốc trên hành trình về quê và đoàn tụ gia đình.
Nhiều người đã bắt đầu rời khỏi Vũ Hán và không phải ai cũng biết về virus này. Nhà ga đường sắt Hán Khẩu ở Vũ Hán vào sáng 21/1 đông đúc hành khách, những người nghỉ Tết sớm.
Một người đàn ông 55 tuổi họ Yin đang đợi tàu với hai túi xách lớn màu đen và balô. Ông không đeo khẩu trang.
"Tôi không biết tại sao mọi người lại đeo khẩu trang", ông nói. "Tôi nghĩ đó là vì ô nhiễm". Nhưng ông cảm thấy hoang mang vì trời đang mưa và chất lượng không khí không quá tệ.
Khi được bảo đó là vì virus, ông nói ông không lo lắng. "Tôi sẽ không gặp vấn đề gì đâu. Tôi rất khỏe mạnh", ông nói.
Ngược lại, Lan Chuqiao, 28 tuổi, sắp đi đến thành phố Nhạc Dương thuộc tỉnh Hồ Nam, tỏ ra rất ngạc nhiên khi rất ít người đeo khẩu trang.
"Nếu bạn đọc tin tức trên mạng thì có vẻ như xác sống đang xâm chiếm thành phố, nhưng trong đời thực thì mọi thứ có vẻ yên bình", cô nói.
Hàng chục tình nguyện viên mặc áo khoác đỏ và đeo khẩu trang hỗ trợ hành khách trong nhà ga, nhưng không có thông báo nào để nhắc nhở mọi người về virus và không có kiểm tra thân nhiệt.
Hai ngày sau, vào lúc 10h ngày 23/1, Vũ Hán bị phong tỏa.
7h sáng hôm đó, sảnh chờ của nhà ga đường sắt Vũ Hán chật cứng và mọi người đổ xô từ mọi hướng với balô và vali nhằm thoát khỏi thành phố trước giờ phong thành.
Khi thời hạn trôi qua, xe lửa, xe buýt ngừng hoạt động, các chuyến bay bị hủy và việc ra vào thành phố bị hạn chế để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus. Trong những tuần tiếp theo, các thành phố và khu vực khác trên khắp Trung Quốc làm điều tương tự trong một nỗ lực chưa từng có để ngăn chặn đại dịch.
"Có bằng chứng mạnh mẽ về sự lây truyền từ người sang người nhưng họ đã không thể tiết lộ thông tin này một cách kịp thời. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra khi đó", Xi Chen, giáo sư tại Trường Y tế công cộng Yale, nói. "Tuy nhiên, có người đã chết".
Một trong số đó là bác sĩ nhãn khoa "thổi còi" Lý Văn Lượng. Sau khi ngã bệnh với các triệu chứng vào ngày 10/1, anh đã đợi nhiều tuần để được xác nhận là nhiễm virus. Anh qua đời vào rạng sáng 7/2, gây ra làn sóng phản ứng giận dữ lớn trên mạng xã hội Trung Quốc.
Quy mô và mức độ sự việc rõ ràng đã làm đảo lộn Bắc Kinh, và sau đó đã một loạt quan chức địa phương đã bị miễn nhiệm. Truyền thông nhà nước cũng đăng tải phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, cho biết ông đã chỉ thị các cơ quan chức năng đối phó với sự bùng phát dịch bệnh vừa chớm nở vào ngày 7/1, cho thấy ông Tập đã tham gia vào việc chỉ đạo ứng phó với khủng hoảng từ sớm.
Tuy nhiên, một chỉ dấu khả dĩ về cách Bắc Kinh nhìn nhận mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh hồi tháng 1 là xem xét lịch trình của ông Tập.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc rời đất nước vào ngày 17/1 trong chuyến đi đến Myanmar, chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong năm. Ở đó, ông đến thăm các ngôi chùa và nói chuyện với nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi về "một cộng đồng có chung số phận", và ký các thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô-la.
Chuyến đi của ông đến Myanmar cũng là một dịp kỷ niệm.
Vào ngày 21/1/2019, tức gần như chính xác một năm trước đó, ông Tập có bài phát biểu trước các đảng viên cao cấp và đã đưa ra một cảnh báo.
Hãy đề phòng và cảnh giác với những con "thiên nga đen" trong năm tới, là thông điệp của ông Tập.
Từ ngữ ông sử dụng được trích từ cuốn sách được viết bởi Nassim Nicholas Taleb có tựa đề The Black Swan: The Impact of the Very Goodbable (Thiên nga đen: Tác động của Sự bất định cao độ) - cách nói chỉ các sự kiện bất ngờ, chưa từng xảy ra.
Một năm sau khi ông Tập bắt tay và mỉm cười trước ống kính ở Myanmar, một con thiên nga đen đang vươn cổ ở Vũ Hán, vỗ cánh và bay ngay sau lưng ông.