“Phi hành đoàn trên chuyến bay từ Athens tới Vilnius ngày 23/5 nhận thông báo rủi ro an ninh từ cơ quan kiểm soát không lưu Belarus và được chỉ dẫn chuyển hướng tới sân bay gần nhất tại Minsk”, phát ngôn viên hãng hàng không giá rẻ Ryanair viết trong một email, Guardian đưa tin cùng ngày.
Sau khi chuyến bay hạ cánh, Roman Protasevich, cựu biên tập viên của hai kênh Nexta và Nexta Live trên mạng xã hội Telegram, bị cảnh sát bắt giữ.
Cảnh sát Belarus bắt giữ Roman Protasevich vào năm 2017. Ảnh: AP. |
Chính quyền Minsk xác nhận Tổng thống Lukashenko đã hạ lệnh cho quân đội triển khai một tiêm kích Mig-29 để hộ tống chuyến bay Ryanair.
Theo New York Times, nhà chức trách Belarus cho biết đã yêu cầu máy bay hạ cánh sau khi nhận thông tin về lời đe dọa đánh bom.
Họ không tìm thấy bom trên máy bay, cơ quan chấp pháp của Belarus cho biết. Ủy ban Điều tra, cơ quan điều tra hàng đầu của Belarus, cho biết đã mở cuộc điều tra hình sự về hành động hoang báo có bom.
Protasevich trước đó bị Belarus buộc tội khủng bố và kêu gọi bạo động sau khi hai kênh Nexta trở thành phương tiện chính giúp tổ chức các cuộc biểu tình vào năm 2020. Người biểu tình khi đó phản đối Tổng thống Lukashenko vì cáo buộc gian lận bầu cử. Trước khi bị bắt, Protasevich đang sống lưu vong tại Ba Lan - quốc gia từng từ chối yêu cầu dẫn độ của Belarus.
Máy bay của hãng hàng không Ireland đang trên đường từ Hy Lạp tới Lithuania. Hành động của Belarus vấp phải sự chỉ trích từ lãnh đạo nhiều nước EU.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết chuyến bay đã bị “cướp” và nói sẽ đề nghị các lệnh trừng phạt mới đối với Belarus tại buổi họp Hội đồng châu Âu vào ngày 24/5.
“Nếu máy bay có thể bị ép hạ cánh… để trừng phạt nhà hoạt động đối lập chính trị, nhà báo tại Anh và chính khách tại châu Âu sẽ khó lên tiếng hơn”, Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, cho biết.
Ông Tugendhat cùng người đồng cấp Mỹ, Ireland, Đức, Lithuania, Latvia, Estonia, Ba Lan, và Cộng hòa Séc cùng lên án hành động của Minsk là “không tặc” và kêu gọi dừng mọi chuyến bay qua bầu trời của Belarus.
Theo Guardian, chính quyền Tổng thống Lukashenko gần đây thực hiện chiến dịch trấn áp lãnh đạo các phe hoạt động đối lập. Một số người trốn ra nước ngoài sau đó bị bắt trở lại Minsk.
EU đã áp lệnh trừng phạt với gần 60 quan chức Belarus, bao gồm ông Lukashenko và con trai Victor vì cáo buộc gian lận bầu cử và trấn áp nặng tay với người biểu tình.
Minsk ngày càng nghiêng về Moscow để kêu gọi sự ủng hộ. Điều này cô lập Belarus với phương Tây nhưng hạn chế hiệu quả các lệnh trừng phạt từ Brussel hoặc Washington.