Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Báo xưa đăng bài về dịch cúm ở Nam Bộ

Tờ báo có tên Nông - cổ mín - đàm, với ý nghĩa là “uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn”, đăng bài từ cho thấy dịch cúm hoành hành tại Nam Bộ hơn 100 năm trước.

Tên của tờ báo được in lớn trên trang nhất bằng ba loại chữ, Quốc ngữ, Hán và Pháp. Đây là tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio - một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corse, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm, xuất bản lần đầu vào ngày 1/8/1901, theo một nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ban hành tại Sài Gòn.

Chủ bút lần lượt là các ký giả Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt.

Nông - cổ mín - đàm bàn về nông nghiệp và thương nghiệp, phát hành thứ năm hàng tuần tại Sài Gòn bằng chữ Quốc ngữ.

Số 1 ra ngày 1/8/1901. Một thời gian sau báo được xuất bản một tuần 3 kỳ. Sau khi phát hành số ra ngày 4/11/1921, báo bị đình bản. Đây được coi là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ quốc ngữ.

Dich benh o Nam ky xua anh 1

Trang nhất số báo đăng về dịch cúm. Ảnh: Tiền Phong.

Dịch cúm tại Nam Bộ xưa

Năm 1873, có một dịch cúm tại Nam Kỳ, tác giả Hai Đức ở chợ Lớn đã làm một bài từ về dịch cúm này. Nhân đợt dịch cúm năm 1902, bài này được đăng lại ở Nông - cổ mín - đàm, số 38, 15/5/1902.

Bài như sau, xin chép lại nguyên văn, kể cả cách viết chính tả thời đó:

"Trong năm quí-dậu
Cuối tiết đoan-dương;
Thuyền diêu hồn vừa lặn bến Mích-la,
Chén bồ-tửu mới nghĩ tay tuỳ-khách;
Ngậm-ngùi đương lóng tiết người xưa.
Thình lình bỗng trời bay khí độc,
Cỏi Nam-hà sáu tĩnh mấy muôn nhà.

Bịnh thữ-thắp ngàn người in một chứng,
Lúc sơ cẩm nhiệt hàng qua lại,
Dễ mặt ngỡ lăng-nhăng.
Khi truyền-kinh gân cốt mỏi-mê,
Dở chơn dường cúm rúm,
Tay lần-mò như Tây-tữ cắp tì-bà.
Chơn lính-quính như Tần-vương dâng Ngọc-tĩ,
Sa-ban mọc cục to cục nhỏ.

Dầu xương đồng da sắt cũng tan-hoang,
Lệ khí rơi xóm nọ xóm ni.
Xui sắt gái tài trai quên Thể-thống,
Kìa những chốn lầu son các tía.
Khói phòng-phong bay trắng chơn trời,
Nọ là nơi lều cỏ cửa gai, Nước tần-thể đỏ xanh mặt đất.

To gần là chú chệc,
Làm cơn cũng chắc lưỡi mà ải-ôi,
Mạnh sức như ông Tây.
Đến thể cũng ôm đầu là má-lách,
Thì-tiết ấy dẫu tài sanh Hạng-Võ.
Sức ngàn cân khôn cữ đỉnh Bạc-san,
Cơ hội này nhờ duy trạch Hiên-Kì.
Sách tám trận để tàn tà bổ chánh,
Ơn ông trời xây dữ làm hiền.

Nghĩ đoạn trước những nực cười cơ tạo-hoá,
Xin anh cúm lui xe trở bánh,
Rày sắp sau đừng giong-ruổi chốn trần-gian
".

Bài từ đã khái quát diễn biến nhanh và phức tạp của dịch cúm trên toàn lục tỉnh Nam kì: Thình lình bỗng trời bay khí độc / Cõi Nam-hà sáu tỉnh mấy muôn nhà.

Kế đến, tác giả chỉ ra những triệu chứng khi mắc phải cúm. Biểu hiện ban đầu của người bị cúm là nóng và sốt: "Bịnh thữ-thắp ngàn người in một chứng / Lúc sơ cẩm nhiệt hàng qua lại".

Tiếp theo là thân thể mỏi mệt, chi phối hoạt động của tay chân: "Dễ mặt ngỡ lăng-nhăng / Khi truyền-kinh gân cốt mỏi-mê/ Dở chơn dường cúm rúm,/ Tay lần-mò như Tây-tữ cắp tì-bà,/ Chơn lính-quính như Tần-vương dâng Ngọc-tĩ…".

Sau đó, thân thể người sẽ phát ban gây ra đau nhức cơ thể: Sa-ban mọc cục to cục nhỏ / Dầu xương đồng da sắt cũng tan-hoang.

Dịch bệnh lan tràn khắp nơi, từ xóm làng dân dã cho đến nơi quyền quý cao sang, không trừ một ai, không phân biệt màu da, chủng tộc: To gần là chú chệc / Làm cơn cũng chắc lưỡi mà ải-ôi / Mạnh sức như ông Tây / Đến thể cũng ôm đầu là má-lách.

Không chỉ người Việt Nam mắc bệnh, mà người Trung Quốc (chú chệc), to khỏe như người Pháp (ông Tây) cũng đều mắc bệnh.

Dich benh o Nam ky xua anh 2

Bác sĩ Albert Calmette đang tiêm chủng bệnh đậu mùa cho trẻ em Sài Gòn năm 1891. Ảnh: Institut Pasteur - Bảo tàng Pasteur.

Quan niệm của người xưa về dịch bệnh

Đoạn cuối, tác giả luận về bệnh dịch trong cái nhìn nhân quả thường thấy trong tư duy của người bình dân Nam Bộ. Tác giả cho rằng bệnh dịch chính là hồi chuông cảnh tỉnh của đấng tạo hóa đối với con người.

Con người cần nhận thức được thông điệp vũ trụ ấy mà “xây dữ làm hiền”: Ơn ông trời xây dữ làm hiền/ Nghĩ đoạn trước những nực cười cơ tạo-hoá.

Để rồi tác giả mong bệnh dịch sẽ qua đi và không bao giờ quay trở lại: Xin anh cúm lui xe trở bánh / Rày sắp sau đừng giong-ruổi chốn trần-gian.

Đoạn từ cuối phảng phất thể hiện quan niệm cổ sơ của người Nam Bộ về nguyên nhân của dịch bệnh. Ngày xưa vào những năm thời tiết khắc nghiệt, trong nước xảy ra các nạn hạn hán, bão lụt thì sau đó thường kéo theo các loại dịch bệnh (còn được gọi là ôn dịch).

Những loại dịch bệnh này thường cướp đi sinh mạng của nhiều người. Vì điều kiện chữa trị cũng như nền y học chưa phát triển nên người dân chỉ biết dựa vào những quan niệm mang tính chất mê tín dị đoan.

Dich benh o Nam ky xua anh 3

Bài từ trên báo. Ảnh: Tiền Phong.

Họ tin rằng ôn dịch là loại bệnh do quan Ôn (một loại quan ở âm phủ coi về việc làm bệnh thời khí) đi bắt lính về làm sưu dịch ở cõi âm nên thường khi bị bệnh.

Thế nên, để tránh dịch bệnh người dân cần phải cúng tống ôn để xua đuổi những Ôn thần ấy ra khỏi làng xóm. Từ đó hình thành nên lệ “tống ôn, tống quái” và tục “thả bè chuối” rất thịnh hành ở khắp Nam kỳ.

Bài từ vốn mang “tính chất thông tấn” nhưng cũng đạt được những giá trị nghệ thuật nhất định. Những từ láy như “thình lình”, “ngậm ngùi”, “lăng nhăng”, “cúm rúm”, “mỏi mê” đã phát huy tác dụng trong việc cụ thể hóa trạng huống của sự vật sự việc mà tác giả muốn đặc tả.

Hơn thế nữa, biện so sánh kết hợp với việc dùng điển cố: “Thì-tiết ấy dẫu tài sanh Hạng-Võ / Sức ngàn cân khôn cữ đỉnh Bạc-san” đã giúp người đọc vừa hình dung nên đối tượng đang miêu tả đồng thời ẩn vào đó là tiếng cười lạc quan ý nhị.

Những hình ảnh so sánh không xa lạ với người bình dân, bởi đó là những nhân vật họ đã được bắt gặp trong những truyện tàu, tuồng hát rất phổ biến ở Nam Bộ lúc bấy giờ.

Hơn thế, nụ cười ý nhị ấy còn được tiếp nối khi tác giả nhân cách hóa bệnh cúm qua cụm từ "anh cúm". Đồng thời, kèm theo lời đề nghị (hay nói khát hơn đó chính là lời khẩn cầu) Xin anh cúm lui xe trở bánh / Rày sắp sau đừng giong-ruổi chốn trần-gian.

Chúng tôi không rõ đây có phải là văn bản đề cập dịch cúm bằng chữ quốc ngữ đầu tiên hay không. Tuy nhiên, qua văn bản trên, người đọc có thể hình dung được phần nào những thảm cảnh mà con người phải đối mặt với dịch bệnh ngày xưa. Tuy nhiên, không vì thế mà con người mất đi niềm tin, niềm lạc quan yêu đời.

Đi ngược đồng nghiệp, nhà chức trách, bác sĩ Yersin chống dịch như nào

Câu chuyện bác sĩ Yersin kiên định lập trường tư tưởng chiến đấu chống bệnh dịch là bài học sâu sắc, phù hợp mọi thời đại.

https://www.tienphong.vn/van-hoa/bao-xua-dang-bai-ve-dich-cum-o-nam-bo-1651806.tpo

Theo Trầm Thanh Tuấn / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm