Những ngày nghỉ dịch COVID-19, nhìn cậu con trai lớp 1 đọc quyển “Bác sĩ Ai bô lít”, tôi không khỏi ngạc nhiên. Hỏi ra thì con nói: “Giờ con biết đọc rồi, thích thật mẹ ạ. Cuốn sách này là bạn của mẹ con mình đấy, mẹ nhớ không?”.
Câu nói của cậu con trai khiến tôi không khỏi xúc động. Cuốn “Bác sĩ Ai bô lít” là hành trang của mẹ con tôi những ngày xa xứ. Đó cũng là thử thách trong quá trình đọc sách cùng con của tôi. Khi bạn ít có sự lựa chọn, bạn sẽ biến điều khó khăn thành “quả ngọt”.
Do có lịch đi nước ngoài một thời gian và mang con trai 5 tuổi đi cùng, khi soạn hành lý tôi thấy đây thực sự là cuộc cân não. Trong nhà có quá nhiều sách tranh dành cho trẻ, nội dung phù hợp lứa tuổi và tranh vẽ hấp dẫn nhưng tôi không thể mang nhiều.
Cuối cùng, tôi quyết định bên cạnh một số sách tranh nhiều chữ thì cần mang quyển không có tranh. Và một trong những cuốn sách tôi mang theo là “Bác sĩ Ai bô lít”.
Đây là cuốn sách rất hấp dẫn, lại chia thành nhiều chương nên tôi định bụng sẽ cố gắng chia nhỏ để đọc cho con. Tuy nhiên, khi đọc cùng con, nhiều tình huống bất ngờ đã đến. Và khi không đọc sách, những nội dung gây tò mò trong đó đã trở thành cuộc nói chuyện sôi nổi giữa hai mẹ con.
Những ngày đầu ở nơi mới với nhiều cuộc gặp gỡ, tiệc vui cũng qua đi. Tiếp theo là những ngày mà con và mẹ cảm nhận rõ nhất về việc thiếu sách đọc trước giờ đi ngủ, hoặc cuối tuần không đi đâu. Lúc ấy, tiết mục đọc truyện của hai mẹ con rất được con mong đợi.
Con nói: “Truyện tranh đọc nhiều lần rồi, mẹ đọc truyện khác đi”. Tôi gật đầu và đưa quyển “Bác sĩ Ai bô lít” ra đọc cho con.
Những buổi đầu chỉ đọc mấy trang, nhưng con tôi luôn bị thu hút bởi các tình huống đặt ra ở mỗi chương truyện: “Con vật cũng có tiếng nói hả mẹ? Bác sĩ Ai bô lít hiểu tiếng con vật à?…". Và những tràng cười của con khi tôi đọc những đoạn tiếng con vật giao tiếp với nhau.
Điều làm con tò mò và háo hức hơn là những “trận chiến” giữa “người tốt và kẻ xấu”. Vốn là cậu bé thích siêu nhân, thích chơi trận giả nên con rất mong chờ những chương truyện của bác sĩ Ai bô lít.
Vì không được xem tranh nên con nằm trong lòng mẹ và nghe, rồi hỏi. Càng hỏi thì con như đi vào chuyến phiêu lưu đầy kỳ thú của bác sĩ Ai bô lít và các con vật.
Sau vài tháng, khi xếp hành lý, con nhất định cầm cuốn sách này để trong ba lô của mình. Dù chưa biết chữ, nhưng con đánh dấu một số trang và nhờ mẹ đọc khi chờ ở sân bay. Rồi khi về, lựa chọn của con vẫn là “Bác sĩ Ai bô lít” trước giờ đi ngủ.
Cuốn sách là người bạn thân thiết của con, dù một chữ bẻ đôi chưa biết, nhưng sau này, con đã kể được từng chương truyện.
Giờ đây, thấy con cầm cuốn sách “Bác sĩ Ai bô lít” và tự đọc từng chương truyện, tôi cảm thấy được khích lệ. Không chỉ có con mới cảm nhận được bài học qua từng trang sách, mà bản thân tôi cũng nhận được “trái ngọt” cho những tháng ngày đồng hành đọc sách cùng con.