Thời con gái, dù chưa có chồng tôi đã mong rằng con mình sau này sẽ thích đọc sách. Khi có bầu, mơ ước này càng nhiều hơn. Khi bé 6 tháng tuổi, tôi bắt đầu mua vài quyển sách từ vựng, flash card về cho con khám phá. Từ 6 tháng đến 1 tuổi, con làm quen với sách như những món đồ chơi thú vị. Mỗi trang sách có hình ảnh, màu sắc bắt mắt và con học những từ vựng đầu tiên trong cuộc sống.
Gần 2 tuổi con đã thích sách như một món đồ chơi, thức dậy là con tìm sách để đọc. Việc tập cho con hình thành thói quen này ngoài sự kiên nhẫn chơi cùng con, chọn lọc loại sách phù hợp, còn cần sắp xếp sách ở những vị trí con dễ dàng tìm được như ở đầu giường, tầng thấp của kệ, trên bàn,… Căn phòng sẽ bừa bộn một chút xíu để con cảm thấy sự thoải mái.
Mỗi lần ngủ dậy, việc đầu tiên con làm là cầm quyển sách đọc. Ảnh: Ngọc Hân. |
Đến năm 3 tuổi, từ những trang sách, con đã học được số vốn kha khá từ vựng nhiều chủ đề như con số, màu sắc, chữ cái, các loại hoa trái, động vật, các hành tinh,… Con biết chọn sách mình thích đọc mỗi khi đến nhà sách hoặc quán cafe sách. Tôi mua tiếp những quyển truyện kể để bé học những câu chuyện bổ ích.
Những tháng ở nhà tránh dịch Covid-19 vừa qua, tôi chọn mua sách online để con đọc thư giãn và tự học ở nhà. Trước khi chọn quyển sách nào tôi đều tìm hiểu thông tin và đánh giá của người đã mua để xem quyển sách có phù hợp với con mình không.
Mỗi khi có sách mới, con chủ động cầm sách và đến nhờ người lớn đọc giùm, chừng vài lần là con tự đọc một mình theo cách riêng của mình.
Một trong những thứ quan trọng cần chú ý lúc đọc sách cho con là nghệ thuật kể chuyện. Ngoài các yếu tố như giọng kể sinh động, cuốn hút, phát âm rõ các từ, tốc độ đọc vừa phải để trẻ nghe và hiểu câu chuyện,… nội dung câu chuyện là thứ cha mẹ cần lưu ý.
Bé chưa biết đọc chữ (thường là dưới 6 tuổi), tùy theo độ tuổi và khả năng của bé, người đọc linh hoạt thay đổi nội dung phù hợp, bởi với một số sách, nếu đọc chính xác nội dung bé sẽ không hiểu và cảm thấy chán. Câu chuyện có thể rút gọn lại, hoặc thay đổi một số từ đơn giản hơn hoặc người kể chuyện sáng tạo một câu chuyện khác phù hợp với bé.
Trong khi kể thường xuyên đặt những câu hỏi để kích thích khả năng quan sát và ghi nhớ của bé, ví dụ như Xe ben đang chở gì vậy? Bông hoa này màu gì? Có mấy con ong đang bay? Bạn ếch đang làm gì vậy? Bạn thỏ đi đâu? Vì sao bạn gấu khóc? …
Bé say sưa đọc ở cafe sách. Ảnh: Ngọc Hân. |
Bé hơn 3 tuổi, nếu đã biết bảng chữ cái tiếng Việt có thể dạy bé nhận dạng chữ qua các tiêu đề sách, trước khi mở sách ra đọc, tôi chỉ vào từng chữ trong tiêu đề sách, đọc chậm từng từ và lặp lại vài lần, một thời gian ngắn sau con đã nhớ tên của vài quyển sách có khoảng 4-5 từ đơn giản.
Trẻ con mỗi ngày mỗi lớn, cuộc sống với vô vàn những thú vui hấp dẫn bên ngoài lôi cuốn, tôi mong rằng sẽ con giữ được thói quen đọc sách đến khi trưởng thành. Tủ sách như món quà tinh thần ba mẹ gom góp dành tặng cho con.
Hãy chia sẻ cách đọc sách cùng con, giúp con thích đọc sách về địa chỉ email: toasoan@zing.vn.