Sau gần một tháng có mặt tại Hàn Quốc, Công Phượng cuối cùng cũng có màn ra mắt sân chơi K.League trong trận đấu của Incheon United và Gyeongnam ở vòng 2. Tuy nhiên, trước sự chứng kiến của hơn 8.000 fan đội nhà và 100 CĐV Việt Nam trên khán đài, tân binh số 23 chỉ được chạy trên sân chưa đầy 2 phút đồng hồ.
Theo đánh giá của cây bút Seo Ho-jung trên Naver Sports, "từng đấy thời gian không đủ để Công Phượng thể hiện bất cứ điều gì, thậm chí là không được chạm bóng. Không thể đòi hỏi anh ấy thay đổi tỷ số hay đánh bại được các hậu vệ ở K.League ngay lập tức".
Hiệu ứng lớn đến từ Công Phượng
Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của Công Phượng đối với các CĐV lại lớn hơn thế rất nhiều. "Nếu từng có một lá cờ Hàn Quốc cắm trên sân Wembley để cổ vũ cho Son Heung-min, thì trên sân Incheon lúc đó có một lực lượng hùng hậu CĐV Việt Nam đến cổ vũ Công Phượng", Naver Sports cho biết.
Một người đại diện của CLB Incheon cũng thông báo rằng dù Công Phượng không được ra sân trong trận gặp Jeju United, CĐV Việt Nam vẫn tiếp tục xuất hiện trên khán đài ở vòng 2 với nhiều đối tượng khác nhau như sinh viên, công nhân hay khách du lịch.
Công Phượng nhận được sự quan tâm lớn từ quê nhà Việt Nam. Ảnh: KFA. |
Thậm chí, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA) cũng phải ngạc nhiên về tầm phủ sóng của tiền đạo đội tuyển Việt Nam. Khi biết có hơn 26.000 lượt xem "lậu" vòng đấu mở màn của Incheon, KFA đã tiến hành phát sóng trực tuyến trận đấu K.League thông qua website chính thức từ vòng đấu thứ 2.
Tuy nhiên, ngay trước khi trận đấu bắt đầu, người hâm mộ Việt Nam cùng một lúc truy cập dẫn đến việc đường truyền quá tải và dừng hoạt động. Phía Hàn Quốc ước tính có hơn 30.000 lượt xem trận đấu theo hình thức bất hợp pháp.
Từ những bằng chứng trên, Naver Sports đánh giá Công Phượng là một ngôi sao vô cùng nổi tiếng của đội tuyển Việt Nam. Sau khi đến Incheon, nhất cử nhất động của Phượng đều được báo đài và CĐV quan tâm. Những video thu lại hình ảnh của anh trong những trận đấu tập hay vài phút trên sân cỏ cũng nhận được hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng.
Điều này không khiến truyền thông Hàn Quốc ngạc nhiên: "Trong 2 năm, vị thế của bóng đá Việt Nam đã tăng lên và từng cầu thủ cũng nhận được sự quan tâm đông đảo hơn. Việc mạng xã hội phát triển cũng góp phần thu hẹp khoảng cách giữa Hàn Quốc và Việt Nam".
Chờ trận derby của cầu thủ Việt Nam ở K.League
Đối với người yêu mến bóng đá Việt Nam, K.League là một đấu trường khắc nghiệt của châu lục. Tuy nhiên ngược lại, thị trường Việt Nam cũng là thử thách đối với K.League.
Trong quá khứ, K.League từng một lần thất bại khi cố thâm nhập vào thị trường Việt Nam vào năm 2017. Naver Sports đánh giá: "Đây là một thử nghiệm sai lầm khi K.League cho rằng họ sẽ thu hút sự quan tâm của khán giả chỉ dựa vào màn trình diễn đỉnh cao trên sân".
"Thật may mắn khi đã có một cơ hội mới mở ra mang tên Công Phượng, nhưng mức độ thành công sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào màn trình diễn của cậu ấy. Nếu K.League có thêm một cầu thủ Việt Nam hay Thái Lan để cạnh tranh, hiệu ứng sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa", trang này viết.
Trường hợp của những ngôi sao Park Ji-sung và Lee Young-pyo ở xứ sở sương mù là một ví dụ điển hình. Tầm ảnh hưởng của 2 cầu thủ này đã rất lớn ở quê nhà, nhưng trận đấu giữa Manchester United và Tottenham tại Ngoại hạng Anh được ví như "derby Hàn Quốc" khi Park và Lee cùng góp mặt thậm chí còn tạo nên hiệu ứng khủng khiếp hơn.
Chính điều này đã trở thành yếu tố quan trọng đưa mức độ phủ sóng của Ngoại hạng Anh trở nên dày đặc trong lòng đất nước Hàn Quốc.
Công Phượng được Incheon chiêu mộ theo hạn ngạch 1 suất cầu thủ châu Á. Đồ họa: Minh Phúc. |
Học hỏi từ J.League
Nhận thức được hiệu ứng lớn lao mà những cầu thủ như Công Phượng có thể mang lại, tác giả Seo cho rằng việc có thêm một cơ chế mới dành cho cầu thủ Đông Nam Á tại K.League là điều cần thiết trong tương lai, ngoài cấu trúc 3+1 hiện tại (3 ngoại binh + 1 suất châu Á).
Chanathip tỏa sáng ở J.League. Ảnh: The Nation. |
Seo viết: "Hãy tham khảo hệ thống giải đấu Nhật Bản khi hạn ngạch ngoại binh của họ không bao gồm các cầu thủ đến từ 9 quốc gia đối tác là Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Singapore, Indonesia, Malaysia, Iran và Qatar".
"Quy định này đã không thể ngay lập tức tạo ra hiệu ứng ở Nhật Bản khi các cầu thủ Việt Nam và Singapore chỉ có thể chơi ở giải hạng 2, nhưng thành công đã đến bằng 'cơn sốt' mang tên Chanathip Songkrasin của CLB Consadole Sapporo năm ngoái", Seo bình luận.
Lý do J.League xóa bỏ rào cản ngoại binh nêu trên bởi đây là chiến lược đáng tin cậy nhất để bước vào trị trường của những quốc gia này thông qua kênh tuyển dụng cầu thủ bản địa.
Quay trở lại trường hợp của Chanathip, thành công của cầu thủ này đã thúc đẩy làn sóng cầu thủ Thái Lan thử sức ở J.League và ngược lại, tạo đà cho J.League kinh doanh tích cực tại Thái Lan.
Còn ở K.League hiện tại, giải đấu này có tầm ảnh hưởng quan trọng để nuôi dưỡng những cầu thủ tài năng, duy trì sức mạnh đội tuyển quốc gia.
"Tuy nhiên, KFA cần phải mạnh dạn giải quyết vấn đề cho các cầu thủ nước ngoài để thúc đẩy cả yếu tố thương mại", Naver Sports nhận định.
Công Phượng có pha chọc khe ấn tượng trong trận gặp Sangju Sangmu. Ảnh: IUFC. |
Ngày 16/3 vừa qua, Công Phượng đã được HLV Andersen tung ra sân gần 30 phút cuối trận và có một đường chuyền đột phá ấn tượng. Đây được coi là kết quả từ những nỗ lực của tiền đạo gốc Đô Lương sau những trận đấu tập và là cơ hội để được Incheon sử dụng nhiều hơn trong thời gian tới.
"Thực tế này cho thấy cả CLB Incheon United và Công Phượng đã cùng được nâng cao giá trị. Nếu các đội bóng Hàn Quốc khác có thể thực hiện những điều tương tự, cơ hội và thị trường mới sẽ mở ra đối với K.League", Naver Sports kết luận.