Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, 55 tuổi, từng sống và làm việc ở Nga 20 năm, nay bán đồ lưu niệm tại cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: Reuters. |
Trong bài viết về những người Hà Nội coi nhà lãnh đạo Nga là “thần tượng”, Reuters mô tả cửa hàng bán đồ lưu niệm của bà Nguyễn Thị Hồng Vân ở Hà Nội, nơi những món đồ lưu niệm kiểu Nga đang bán rất chạy, cho thấy sự quan tâm và yêu mến của người dân Hà Nội thuộc mọi lứa tuổi dành cho Tổng thống Putin, nhân dịp nhà lãnh đạo Nga đến thăm thành phố.
“Người Việt Nam rất yêu thích các sản phẩm của Nga”, bà Vân nói với Reuters, khi đang ở trong cửa hàng với xung quanh là búp bê Matryoshka và những chiếc mũ thêu CCCP, viết tắt của Liên Xô (cũ).
“Tôi rất vui khi biết ông Putin đến Việt Nam vì ông ấy rất tài năng”, ông Trần Xuân Cường, 57 tuổi, người dân Hà Nội, nói với Reuters khi đang đứng gần tượng đài Lenin ngay trung tâm thủ đô Việt Nam.
Bài viết nói rằng hàng chục nghìn cán bộ Việt Nam đã đi học ở Liên Xô cũ, sau đó nhiều người trở về đảm đương những vị trí quan trọng trong hàng ngũ lãnh đạo của đất nước.
Thủ đô của Việt Nam vẫn còn nhiều tòa nhà theo phong cách Liên Xô, như Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cung Văn hoá hữu nghị Việt-Xô.
“Tinh thần Nga thật tuyệt vời, rất nhẹ nhàng, tình cảm và yêu chuộng hòa bình”, ông Trần Xuân Việt, 83 tuổi, nói với Reuters.
Bài viết còn dẫn lời Phạm Hoàng Hải Đăng, sinh viên 20 tuổi, chia sẻ: “Tôi thích Tổng thống Putin. Tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ tăng cường tình đoàn kết, hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga”.
Bài viết của Reuters được nhiều báo và trang tin đăng lại, như báo South China Morning Post của Hong Kong (Trung Quốc).
Bà Lê Kim Phương, 60 tuổi, và bà Lê Thu Hồng, 62 tuổi, đang may quốc kỳ Nga trước chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Hà Nội. Ảnh: Reuters. |
Al Jazeera dẫn lời một nhà nghiên cứu thuộc chương trình khu vực châu Á của Nhóm Khủng hoảng quốc tế đánh giá rằng Việt Nam đang định hướng chính sách đối ngoại của mình dựa trên những di sản lịch sử và lợi ích quốc gia, muốn “thể hiện Việt Nam có thể tiếp đón các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Mỹ và Nga, và có thể làm bạn với bất kỳ ai. Đó là một nền ngoại giao đa chiều”.
Chuyên gia đánh giá đỉnh cao của sự linh hoạt, với thuật ngữ được gọi là “ngoại giao cây tre”, thể hiện ở việc Việt Nam đón cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm trong năm 2023.
“Cây tre, loài cây có rất nhiều ở Việt Nam, có thể uốn cong khi cần mà không bị gãy, được dùng như một phép ẩn dụ cho chính sách đối ngoại của đất nước”, Al Jazeera viết.
CNA Singapore viết rằng Việt Nam vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ sâu sắc với Nga dựa trên mối quan hệ trong lịch sử với Liên Xô, sau khi những hỗ trợ từ Liên Xô và Nga góp một phần quan trọng trong lịch sử đấu tranh và xây dựng đất nước của Việt Nam.
Bài viết dẫn lời ông Nguyễn Đăng Phát, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga: “Sự hỗ trợ từ Liên Xô góp phần rất to lớn và quan trọng trong công cuộc kháng chiến của Việt Nam để thống nhất đất nước”.
Bloomberg có bài viết điểm lại những lần Tổng thống Putin thăm Việt Nam trước đây, cũng như mỗi quan hệ thân thiết giữa Việt Nam và Nga từ thời Liên Xô.
Bài viết đánh giá mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga vẫn bền chặt, khi nhiều công ty lớn của Nga đang tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Liên doanh Vietsovpetro của Việt Nam và Nga khai thác một trong những mỏ dầu lớn nhất Đông Nam Á trong 4 thập kỷ qua.
Hãng thông tấn Tass của Nga có bài viết dẫn ý kiến của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, cho biết, chuyến thăm của Tổng thống Putin khẳng định đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam hướng tới độc lập, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế. Chuyến thăm “sẽ giúp củng cố vị thế” của Việt Nam và khẳng định đường lối chính sách đối ngoại nhất quán được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo hãng tin Interfax, mục tiêu chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Việt Nam là nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ và nhân đạo, cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề sự quốc tế và khu vực.
Hãng RIA Novosti dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cho biết, chuyến thăm mang đến cho cả hai bên cơ hội ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác mới, tạo động lực cho sự phát triển quan hệ song phương. Những thỏa thuận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn củng cố mối quan hệ chính trị và chiến lược giữa hai nước.
Đại sứ khẳng định, đây là biểu hiện rõ ràng của tình hữu nghị và đoàn kết, góp phần củng cố vị thế của cả hai nước trên trường quốc tế vì lợi ích chung của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...