Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế

Lần đầu tiên, Diễn đàn Báo chí Toàn quốc được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận, mổ xẻ và đưa ra giải pháp về các vấn đề bức thiết nhất của báo chí Việt Nam.

Chỉ trong khoảng thời gian gần 2 ngày (15 và 16/3), dưới sự điều hành, chia sẻ của các lãnh đạo báo chí, các nhà báo, chuyên gia truyền thông nổi tiếng, các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo… Các phiên họp với nhiều ý kiến trao đổi đã mang đến nhiều ý tưởng sáng tạo, hướng đến thay đổi, đổi mới mạnh mẽ, định hình tương lai để giúp Báo chí Cách mạng Việt Nam giữ vững vị thế của mình trước thềm kỷ niệm 100 năm!

1. “Tôi đánh giá cao Diễn đàn Báo chí Toàn quốc vừa tổ chức rất thành công trong Hội Báo Toàn quốc mấy ngày qua. Các đồng chí đã tiên phong, sáng tạo trong đổi mới lĩnh vực báo chí truyền thông, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia” - đó là nhìn nhận của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - về Hội Báo Toàn quốc 2024. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, những kiến nghị, đề xuất tại Diễn đàn là cơ sở rất quan trọng để Hội Nhà báo Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung trình cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với báo chí; là những kinh nghiệm quý báu để các cơ quan báo chí học hỏi, tìm giải pháp, hướng đi cho cơ quan báo chí của mình.

Hoi bao anh 1

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thuyết trình tại phiên toàn thể.

Quả thực, người làm báo và công chúng báo chí cả nước đã nhìn thấy ở Diễn đàn này rất nhiều điều mới mẻ, sáng tạo chưa từng có. Đúng như định hướng ban đầu của Ban tổ chức Diễn đàn, đó là từ việc nhận thấy một số điểm bất cập của báo chí Việt Nam là thiếu các dữ liệu đo lường, thống kê cụ thể về hoạt động của các cơ quan báo chí, hầu hết các cơ quan báo chí có quy mô nhỏ và vừa nên không đủ nguồn lực nghiên cứu những xu hướng mới mẻ của thế giới, và cũng không có điều kiện để thử nghiệm những cách làm mới.

Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo mỗi năm, rất nhiều khóa đào tạo do Hội Nhà báo Việt Nam cũng như Hội Nhà báo địa phương, các Liên Chi hội và Chi hội nhà báo tổ chức, chỉ ra được nhiều khó khăn mà báo chí đang vấp phải, gợi mở nhiều hướng đi nhưng không có nhiều cơ quan báo chí thực sự tạo ra thay đổi đột phá cho chính mình. Năm nào tại các Hội Báo Toàn quốc cũng có những cuộc tọa đàm, những phiên thảo luận ý nghĩa, nhưng thường là những sáng kiến đơn lẻ của các đơn vị trực thuộc…

Và với sự kiện năm nay, hướng đến tìm kiếm giải pháp và tương lai của báo chí trong thời đại mới…đã làm nên dấu ấn đặc biệt và hiệu quả cao. Trong đó, ấn tượng nhất là việc “giải mã” những thách thức và cơ hội cho Báo chí Cách mạng Việt Nam trên hành trình chạm mốc 100 năm được hội tụ trong bài thuyết minh mở màn bùng nổ của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh - người đưa ra ý tưởng, chỉ đạo thực hiện nội dung Diễn đàn Báo chí Toàn quốc. Với tâm huyết từ nhiều tháng khảo sát ở tất cả các cơ quan báo chí, cộng với góc nhìn về xu hướng báo chí thế giới, ông nhận định hiện nay, báo chí đang đứng trước những thách thức cũng như cơ hội lớn.

Nhà báo Lê Quốc Minh từng nhận định tổng quan của báo chí Việt Nam trong thời gian tới ắt hẳn có nhiều “việc cần làm ngay”. Đó là “không được sử dụng nội dung nếu không được phép”, nên các cơ quan báo chí cần phải thúc đẩy để ban hành những quy định pháp lý nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của báo chí, để không bị sử dụng và phân tích bởi các hệ thống AI mà không có sự chấp thuận và không có đền bù tài chính thỏa đáng.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần tìm ra thị trường ngách, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Làm được điều ấy, cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao, người dùng trung thành hoặc mối quan hệ trực tiếp với các nhà quảng cáo cụ thể mà không bị lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ. Ngoài quảng cáo, các cơ quan cần tìm kiếm các nguồn doanh thu khác, trong đó doanh thu từ độc giả phải được coi là chiến lược bền vững hàng đầu.

Ngoài ra, “ưu tiên Digital không có nghĩa là ưu tiên mạng xã hội” - đây cũng chính là chìa khóa đánh bật lo ngại của nhiều cơ quan báo chí khi đứng giữa “ngã ba đường”. Nhà báo Lê Quốc Minh nhận định rằng, báo chí phát hành trên các nền tảng công nghệ không hiệu quả và sẽ không hiệu quả, vì vậy đã đến lúc kéo độc giả trở lại với website của báo chí. Thêm vào đó, báo in cần được nâng niu và đối xử như một sản phẩm cao cấp, mang lại những thông tin giá trị với chiều sâu cùng sự hiểu biết mà chỉ con người mới có thể mang lại. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng khuyên rằng, thay vì bị động trước sự phát triển của AI hoặc bị thua cuộc trong cạnh tranh với AI thì báo chí trong nước nên chủ động tìm hiểu, ứng dụng AI vào hoạt động tác nghiệp của phóng viên báo chí…

Hoi bao anh 2

Phiên thảo luận về phát thanh với rất nhiều diễn giả thú vị mang đến không khí sôi động cho Diễn đàn.

2. Bài thuyết minh tổng thể của đồng chí Lê Quốc Minh như là một đề dẫn đặc sắc mở ra cho 10 phiên thảo luận tiếp đó tại Diễn đàn, khiến công chúng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Gặp nhau về ý tưởng, hội tụ trí tuệ, tâm huyết và khát vọng cống hiến, hơn 70 Diễn giả ở 10 phiên thảo luận đã tập trung cao độ vào các chủ đề: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; Xây dựng môi trường văn hóa báo chí; Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; Phát thanh năng động trong môi trường số; Nâng cao chất lượng phóng sự, phóng sự điều tra; Đầu tư, ứng dụng công nghệ tại các tòa soạn, Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí, Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo, Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số.

Sự linh hoạt, đổi mới, không phiên nào giống phiên nào… đã thu hút và hấp dẫn đại biểu tham dự, thậm chí có những phiên thảo luận kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ mà vẫn còn đầy tiếc nuối với cả Ban tổ chức và công chúng. Sự tâm huyết, những chia sẻ “gan ruột” từ diễn giả đăng đàn, từ đại biểu tham dự quả thực như đang lật giở từng lớp vấn đề quan trọng, sống còn của báo chí nước nhà.

Ở đó, có thể nhìn thấy được lớp giá trị cốt lõi của Báo chí Cách mạng Việt Nam - thứ “trầm tích” không bao giờ được đánh mất, không bao giờ thay đổi. Đó trước hết chính là “tính Đảng, tính định hướng” - sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho hôm qua, hôm nay và mai sau.

Đứng trước thách thức to lớn, như cạnh tranh thông tin trong kỷ nguyên số, khi tâm lý, thị hiếu công chúng thay đổi, phương tiện thay đổi; những hạn chế, điểm yếu, dư địa đổi mới nằm ngay trong bản thân cơ chế hoạt động của các cơ quan báo chí của Đảng… Đó là vấn đề “xây dựng văn hóa báo chí” – gìn giữ đạo đức của người làm báo trong bất cứ hoàn cảnh nào, là chiếc “mỏ neo” vững chắc để chúng ta giữ được đam mê, nhân cách và lửa nghề. Thế nên việc xây dựng môi trường báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa trở thành yêu cầu không thể thiếu và hết sức cấp thiết đối với hết thảy các cơ quan báo chí Việt Nam.

Đời sống báo chí càng biến động, môi trường văn hóa báo chí càng phải được thiết lập, càng phải là bệ đỡ vững vàng để báo chí Việt Nam phát triển lành mạnh, đúng định hướng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Và đó còn là phiên dành riêng cho thể loại phóng sự điều tra như một “nốt lặng giữa cung đàn” đầy ý nghĩa. Trong bối cảnh của áp lực kinh tế, cơm áo gạo tiền, thách thức bắt nhịp đổi mới… thì đây là phiên được đánh giá là nơi để níu giữ “cốt cách người làm báo”…

Hoi bao anh 3

Phiên 3 chủ đề Báo chí Dữ liệu và nội dung vượt trội thu hút với những nội dung đặc sắc đến từ các diễn giả trong nước và quốc tế.

Ở đó, là rất nhiều những gợi mở cho các nhà báo, các nhà quản lý báo chí hướng đến sự tiên phong, đổi mới trong tư duy, sự bắt nhịp xu hướng mới trong bài toán công nghệ... Từ đó định hướng “con đường đi”, sự linh hoạt trong ứng dụng và các giải pháp đổi mới sáng tạo, nâng tầm chiến lược, tính thực tế để tăng năng lực cạnh tranh của các cơ quan báo chí trong kỷ nguyên số hiện nay.

Theo đó, ở các phiên “Báo chí dữ liệu và nội dung vượt trội”, “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn”; Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; Phát thanh năng động trong môi trường số… Các chuyên gia đều cho rằng, trí tuệ Nhân tạo (AI) đang trở thành nhân tố có thể làm thay đổi cuộc chơi, không chỉ với báo chí mà còn trên bình diện rộng hơn. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí Việt Nam lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc thiếu hành lang pháp lý cho đến công nghệ lõi để bước vào sân chơi này. Các diễn giả tìm ra những giải pháp phù hợp để các tòa soạn lựa chọn và tìm ra cho mình những hướng đi đúng đắn, trong đó có việc sử dụng công cụ AI một cách có trách nhiệm ở mọi loại hình báo chí.

Không chỉ vậy, trong bối cảnh sự dịch chuyển quảng cáo từ báo chí truyền thống sang các nền tảng số và mạng xã hội thì các tòa soạn cần phải đa dạng hóa nguồn thu, phát triển những mô hình kinh doanh kỹ thuật số, tận dụng công nghệ để hiệu quả nguồn chi, điều tiết quảng cáo sạch về với báo chí sạch, xây dựng các chính sách để kiểm soát vấn đề này… là câu chuyện được thảo luận sôi nổi ở phiên “đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí”.

Đặc biệt, phiên “Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo”, lần đầu tiên đại diện báo chí, doanh nghiệp và các công ty quảng cáo ngồi lại với nhau để bàn luận về khả năng hợp tác thúc đẩy quảng bá thương hiệu và hỗ trợ báo chí. Các Diễn giả cho rằng, việc hợp tác giữa ba nhà - Nhà báo, Nhà doanh nghiệp và Nhà quảng cáo - là điều cần thiết trong bối cảnh báo chí hiện nay, vừa giúp báo chí cải thiện nguồn thu, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, và đặc biệt giúp tránh dòng tiền chạy vào các nội dung, các thông tin rác, câu view, bôi xấu chế độ trên các nền tảng mạng xã hội và các trang tin trôi nổi trên internet.

Mối quan hệ bền vững, việc hợp tác này phải dựa trên sự chủ động và minh bạch, nâng cao uy tín của Doanh nghiệp cũng như giá trị của cơ quan báo chí. Cùng với đó, phiên “Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số”, các diễn giả đã cùng thảo luận về giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí trong môi trường số; nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí; đóng góp kinh nghiệm xử lý bảo vệ bản quyền báo chí. Đồng thời, đóng góp vào quá trình sửa đổi Luật báo chí nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền báo chí và thúc đẩy hoạt động kinh tế báo chí phát triển.

Hoi bao anh 4

Phiên 9 thu hút đông đảo diễn giả cả lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo, chuyên gia, doanh nghiệp, đại lý quảng cáo.

3. Có thể nói rằng, Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024 đã thực sự làm nên một thay đổi rất lớn trong cách thức tổ chức để mọi hoạt động mang tính tổng thể, quy chuẩn hội nghị mang tầm quốc tế. Diễn đàn đã tranh thủ sự có mặt đông đảo của lãnh đạo báo chí cả nước để trao đổi, thảo luận những vấn đề vĩ mô, về nhiều lĩnh vực, nhiều thách thức cũng như cơ hội của báo chí trong thời kỳ mới.

Và với người làm báo, công chúng báo chí, sau sự thành công này là niềm hy vọng rằng, đây sẽ là Diễn đàn thường niên bàn về các vấn đề liên quan đến đời sống báo chí đang được giới báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế, là điểm hẹn tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, những người làm báo cũng như các chuyên gia truyền thông, công nghệ. Qua các phiên thảo luận có thể định hình phần nào tương lai của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, đã đang và cần phải thúc đẩy, phát huy.

Dĩ nhiên, hiện thực hóa khát vọng là cả một chặng đường dài. Bởi khó khăn, thách thức thì thời kỳ nào cũng có, và quan trọng hơn là nhìn ra được những cơ hội nào để mỗi cơ quan báo chí, dù là ở Trung ương hay địa phương, dù với quy mô lớn hay quy mô nhỏ đều có thể tìm ra hướng đi cho riêng mình. Không có giải pháp nào đúng với mọi đơn vị, nhưng cũng không có giải pháp nào là không phù hợp nếu không mạnh dạn thử nghiệm và thậm chí chấp nhận sai lầm…

“Không đi thì không thành đường, không thử sức thì không thể biết ưu thế của mình là gì. Chúng tôi mong rằng qua những diễn đàn, hội thảo như thế này, các cơ quan báo chí chủ động và mạnh dạn thử nghiệm để tìm ra con đường riêng cho mình đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam…” - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn.

Hoi bao anh 5

Phiên dành cho Truyền hình mang đến những câu chuyện về AI.

Ở góc độ nào đó, Diễn đàn khép lại, không phải đã khép lại mọi lo toan của báo chí bởi hiện tại đang là thời điểm vô cùng khó khăn của báo chí thế giới cũng như báo chí Việt Nam do sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi trong thói quen và hành vi tiêu dùng thông tin của công chúng, lại thêm cả sự phát triển tràn lan của thông tin giả, thông tin sai lệch khiến cho niềm tin của xã hội đối với báo chí bị giảm sút, trong khi đó nguồn thu quảng cáo càng ngày càng sụt giảm với mọi loại hình báo chí, kể cả điện tử.

Báo chí mang lại thông tin hữu ích cho xã hội, nhưng vai trò quan trọng và sức mạnh hàng trăm năm qua đang bị đe dọa bởi những biến chuyển liên tục, đặc biệt trong khoảng 1 thập niên trở lại đây. Nhưng đúng như Nhà báo Lê Quốc Minh đánh giá: “Nếu báo chí không thích ứng với tình hình thực tế, không đổi mới và đổi mới liên tục thì sẽ bị suy giảm vị thế, mà với báo chí cách mạng mang trên mình sứ mệnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, thì điều này là không thể chấp nhận được. Hướng tới dấu mốc 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm phải tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, phải giúp cho báo chí cách mạng duy trì vị trí của mình bằng những cách làm chủ động và hiệu quả, thúc đẩy sự năng động của các cơ quan báo chí thuộc mọi loại hình, kêu gọi sự hợp tác của doanh nghiệp”.

Và trong lúc này, lại nghĩ đến câu nói: “Không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Để vượt qua được những trở ngại, không có cách nào khác là phải quyết tâm. Tin là, sau những nỗ lực từ các cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, tâm huyết của Ban tổ chức Diễn đàn báo chí toàn quốc năm nay, sự “ngại” ấy sẽ dần bớt đi ở mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo trên hành trình chạm mốc 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam… Để rồi, chúng ta có thể tự hào rằng: trong những lúc khó khăn nhất, người làm báo cả nước đã chung sức, đồng lòng tiên phong, đổi mới, đã nỗ lực và cố gắng đắp xây cho một nền báo chí “chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn”!

Bài liên quan

https://www.congluan.vn/bao-chi-cach-mang-viet-nam--thay-doi-manh-me-de-giu-vung-vi-the-hoi-nhap-the-gioi-post288583.html

Hà Vân/Nhà báo & Công luận

Bạn có thể quan tâm