Tham dự Hội nghị có: nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam… đại diện các chi hội, liên chi hội ở các cơ quan báo chí trung ương, địa phương, cùng đông đảo hội viên nhà báo trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, luôn đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, từ nhiều năm nay, Chính phủ đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội hoạt động và phát triển.
Ngày 25/4/2016 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 650/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016- 2020”.
Đề án đã hoàn thành trọn vẹn và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Tiếp nối thành công của Đề án này, ngày 08/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025”.
Chương trình tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng như: Đề tài về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, về tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng.
Đề tài về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn an ninh, chính trị; đề tài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, xóa đói giảm nghèo, về miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số,...
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: hội nghị lần này sẽ phân tích, đánh giá hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí của ba năm 2021-2023, đồng thời ghi nhận những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để quán triệt, triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ trong các năm tới.
Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu các đơn vị làm rõ hơn về phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp. Công tác hỗ trợ gắn với nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới hình thức thể hiện các tác phẩm báo chí; công tác hỗ trợ gắn với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của hội viên... Công tác tạo nguồn tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác.
Làm rõ hơn, các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm; thủ tục ký hợp đồng, thanh quyết toán và các vấn đề tài chính - kế toán. Nêu những bài học kinh nghiệm rút ra trong ba năm thực hiện Chương trình và phương hướng triển khai hiệu quả mục tiêu của Chương trình trong hai năm cuối.
Nêu dự thảo báo cáo sơ kết triển khai thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Toàn Thắng - Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Chương trình đã có tác dụng động viên, khích lệ lớn đối với hội viên, nhà báo. Nhờ có kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, các cấp Hội có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hoạt động báo chí. Đây thực sự là luồng sinh khí mới trong hoạt động báo chí cả nước.
Nhờ có kinh phí bổ sung, nhiều cấp Hội Nhà báo khó khăn về tài chính đã có thêm nguồn lực đầu tư vào hoạt động sáng tác tác phẩm chất lượng cao, được coi như một “phao cứu sinh” trong lúc kinh tế khó khăn. Đây cũng là nguồn khích lệ, tiếp sức cho anh chị em nhà báo, hội viên sáng tạo hay hơn, cao hơn..., Chương trình cũng tạo điều kiện cho Hội Nhà báo có thêm điều kiện hoạt động, tìm tòi đề tài mới theo nội dung Chương trình, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.
Quá trình triển khai thực hiện Chương trình, nhiều tác phẩm chất lượng cao được hưởng kinh phí hỗ trợ đã đoạt Giải báo chí Quốc gia và Giải báo chí của các địa phương, giải báo chí các bộ, ngành, đoàn thể. Thực tế cho thấy, các tác phẩm đoạt giải cao (A,B,C) của Giải báo chí Quốc gia những năm qua đều là tác phẩm báo chí chất lượng cao đã được hỗ trợ.
Tại hội nghị, đại diện Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội và Chi hội trực thuộc Trung ương đã thảo luận, đánh giá các kết quả đạt được của Chương trình cũng như những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ trong thời gian tới.
Ngoài ra, các đại biểu dự hội nghị cũng làm rõ việc một số đơn vị chưa triển khai thực hiện công tác này, một số đơn vị chưa giải ngân được. Tồn tại về việc lập hồ sơ quyết toán chưa đúng, kịp thời theo quy định ở một số đơn vị; kiến nghị việc cần phải ban hành các kế hoạch sớm hơn để Hội Nhà báo các địa phương kịp thời triển khai thực hiện...
Tiếp thu những ý kiến góp ý, những kiến nghị của các đại biểu, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, Cơ quan Trung ương Hội sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, các cơ quan liên quan để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho giai đoạn sau. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ quan tâm, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao từ nguồn ngân sách để các hội viên - nhà báo, đặc biệt là những hội viên ở những tỉnh khó khăn có điều kiện tiếp cận thêm những nội dung và kỹ năng làm báo hiện đại.
Nhà báo, doanh nghiệp, nhà quảng cáo hợp tác để phát triển
Phiên thảo luận “Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo” nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả “ba nhà” - Nhà báo, Nhà doanh nghiệp, Nhà quảng cáo.
Điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại của báo chí
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Hội báo Toàn quốc 2024 để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người, là điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại của Báo chí Cách mạng VN.
Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí
Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, việc xây dựng “môi trường văn hóa báo chí” là việc tiếp tục phải được hiện thực hóa thường xuyên, thực chất, quyết liệt.