Chiều 15/3, Phiên thảo luận “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí” (phiên số 2) trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024 đã được diễn ra.
Phiên thảo luận do nhà báo Nguyễn Anh Vũ - Tổng biên tập Báo Văn Hóa điều phối; các diễn giả là: nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Nguyễn Tiến Thanh - Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật; nhà báo Phạm Văn Báu - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Nhà báo Thanh Hóa; nhà báo Đoàn Minh Long - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa; nhà báo Phan Thanh Phong - Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân hằng tháng; nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh; nhà báo Đào Xuân Hưng - Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường.
Các đại biểu tham dự. |
Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng rãi
Phát biểu tại phiên họp về sự “Sự cấp thiết của xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, sự vào cuộc mạnh mẽ của hầu hết các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo trên cả nước, đáp ứng nhu cầu thiết thực trong đời sống báo chí nói chung và hoạt động tác nghiệp của những người làm báo nói riêng, bước đầu đã tạo được nhiều sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.
Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cũng đánh giá, trong năm 2023 vừa qua, một trong những điều khiến chính những người làm báo nặng lòng nhất đó là việc đã có nhiều trường hợp là nhà báo, cộng tác viên tại các cơ quan báo và tạp chí bị khởi tố với tội danh "Cưỡng đoạt tài sản". Cũng trong năm 2023 vừa qua, vẫn còn không ít hiện tượng, không ít nhà báo, bất chấp những quy định về đạo đức nghề nghiệp, bất chấp mọi hệ lụy để đưa tin, chụp hình nhiều nhân vật, sự kiện chỉ để câu view, vẫn còn hiện tượng nhiều nhà báo viết sai mà không xin lỗi, không đính chính; viết tin theo kiểu “nghe hơi”; không “mắt thấy, tai nghe”…
Căn nguyên của thực trạng đáng buồn này, là từ nguyên nhân buông lỏng quản lý của cơ quan báo chí, do ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế thị trường trong điều kiện thu nhập của nhà báo còn thấp, không đủ sống, áp lực chạy quảng cáo, tài trợ... nhưng bên cạnh đó, không thể phủ nhận thực tế là bởi thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận nhà báo. Đã, đang hiện diện một bộ phận nhà báo chỉ đơn thuần coi báo chí là phương tiện kiếm sống… Hàm lượng văn hóa trong những tác phẩm báo chí như thế, trong những nhà báo như thế… đã sụt giảm tới mức báo động…
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại phiên họp. |
Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, với những người làm báo cách mạng, những hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, thiếu văn hóa phải được ngắn chặn, khắc phục. Và để ngăn chặn, khắc phục, ngoài việc cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho các nhà báo, yêu cầu các nhà báo phải tuân thủ luật pháp, Luật Báo chí.
Thực hiện nghiêm quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thì một “việc cần làm ngay” nữa là tiếp tục đưa phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí" đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng rãi hơn nữa từ đó tạo nên những kết quả, hiệu quả thực chất hơn nữa.
Mục tiêu tối thượng của báo chí cách mạng là phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân và hướng con người tới những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật trong tác nghiệp, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn xuất phát từ góc nhìn nhân văn, văn hóa để tiếp cận và phản ánh các vấn đề, sự việc, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi hy vọng tại phiên thảo luận hôm nay, sẽ được lắng nghe nhiều đề xuất, giải pháp, cách làm để phong trào thi đua “xây dựng môi trường văn hóa báo chí” ngày càng thực chất, hiệu quả.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chụp ảnh cùng các đại biểu dự phiên họp. |
Tại phiên thảo luận, nhà báo Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa cho rằng, hiện nay một bộ phận không nhỏ thậm chí là tại một số các cơ quan báo chí vì những tham vọng và lợi ích nhỏ nhoi đã thực hiện việc làm xa rời tôn chỉ, mục đích của tờ báo, thờ ơ với công chúng đối tượng đọc, xem, nghe, nhìn của chính mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, chọn lựa đề tài, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, câu view, câu like…
Nhà báo Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa. |
Nhà báo Đoàn Minh Long nhấn mạnh, trong bối cảnh thực tế nêu trên, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, xây dựng và tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và bản lĩnh người làm báo văn hóa là một yêu cầu thiết thực và cấp thiết.
Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan Báo chí với mục đích tạo dựng một môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo; đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong cơ quan báo chí nhằm phát huy tốt vai trò của các tổ chức, đoàn thể cơ quan trong xây dựng lề lối, nền nếp làm việc khoa học, trật tự, kỷ cương...
Mỗi cơ quan báo chí cần giữ gìn giá trị thương hiệu của cơ quan báo chí đó
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật chia sẻ: Tôi có góc nhìn khác về việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí cùng văn hóa người làm báo. Câu hỏi đặt ra là tại sao cần phải xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí? Trong nhiều năm gần đây cách làm báo, người làm báo thay đổi, khác trước đây, ngoài làm việc sáng tác tác phẩm báo chí họ còn làm truyền thông, làm kinh tế báo chí...
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật. |
Bàn về những giải pháp trong thời gian tới, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ, điều quan trọng là xây dựng được giá trị cốt lõi văn hóa trong cơ quan báo chí, mỗi cơ quan báo chí cần giữ gìn giá trị thương hiệu của cơ quan báo chí đó, xây dựng môi trường văn hóa mới tạo ra được cảm hứng trong đơn vị đó. Không chỉ là cách ứng xử mà còn liên quan đến cảm hứng sáng tạo của phóng viên ở cơ quan báo chí đó. Xây dựng môi trường văn hóa báo chí, đó không chỉ hình thức, khẩu hiệu kêu gọi mà cần gắn với đạo đức của người làm báo với sự tồn vong của cơ quan báo chí đó”.
Còn theo nhà báo Phạm Văn Báu - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Nhà báo Thanh Hóa: Để xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, muốn làm được việc này báo chí cũng cần thúc đẩy đưa văn hóa vào trong tác phẩm báo chí. Cố gắng để mang hàm lượng văn hóa, hàm lượng văn học nghệ thuật vào trong tác phẩm báo chí của mình. Trong xu hướng đọc nhanh, đọc vội càng cần có những tác phẩm báo chí chất lượng, chuyên sâu. Như Báo Nhân Dân và một số tờ báo bắt đầu thực hiện theo hướng chuyên sâu, bởi chỉ có những tác phẩm đó mới mang yếu tố văn hóa, mang hàm lượng thông tin, kiến thức, văn học nghệ thuật...
Nói về vấn đề nhà báo vi phạm quy chế, vi phạm quy định về đạo đức người làm báo, nhà báo Phạm Văn Báu cho rằng, có một thực tế rõ ràng, khi chúng ta ban hành một quy tắc, quy định nào đó thường xuất phát từ thực tế đời sống. Trong đó nêu rõ những điều được làm và không được làm. Trên thực tế không ít nhà báo đã có vi phạm trong quy tắc sử dụng mạng xã hội, như thông tin một chiều, dẫn dắt thông tin trên mạng.
"Nhiều nhà báo bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng, nhiều nội dung không đăng báo mà đăng trên mạng. Cố gắng lèo lái dư luận, hoang tưởng về sức mạnh của mình, có những bộ phận vẫn có tình trạng vi phạm những quy tắc này. Chúng ta đã ban hành những quy định rất chặt chẽ để chúng ta thực hiện", nhà báo Phạm Văn Báu chia sẻ.
Đề cao sự gương mẫu, tiên phong của người đứng đầu
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Phiên thảo luận lần này có những nội dung rất thiết thực, hi vọng sau này có những nghiên cứu sâu hơn nữa về nền tảng văn hóa và đạo đức người làm báo, quy trình tác nghiệp của từng toà soạn. Phiên thảo luận “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí” có góc nhìn về nhiều hướng từ các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo ở cơ sở, những góc nhìn của địa phương, chúng ta sẽ học hỏi được kinh nghiệm từ các cơ quan báo chí khác đã làm được và thành công.
Trước đây, chúng tôi luôn nghĩ tới việc sửa đổi đạo đức nghề nghiệp báo chí cần tương thích với Luật Báo chí 2016, làm sao để giúp nâng cao tính văn hóa, ngăn chặn những vi phạm của người làm báo. Vì thế Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo ra đời, là cơ sở quan trọng để các cơ quan báo chí nghiên cứu để thực hiện nhiệm vụ này.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. |
Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Để xây dựng môi trường văn hóa báo chí, ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến sự gương mẫu của người đứng đầu một cơ quan báo, nếu không gương mẫu cho anh em đồng nghiệp học tập sẽ rất khó thực hiện nhiệm vụ này. Người đứng đầu như thế nào tòa soạn cơ quan báo chí sẽ như thế.
"Trong tất cả các biện pháp, giải pháp tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến sự gương mẫu, sự tiên phong của người đứng đầu, người Đảng viên. Và chúng ta, đừng nghĩ đây là phong trào mà cần nghĩ là cuộc vận động, việc này cần được duy trì thường xuyên liên tục, đi vào trong từng người làm báo, cơ quan báo chí, điều này sẽ cổ vũ, thúc giục và răn đe mỗi người", nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng ban Nhân Dân hằng tháng trao đổi tại phiên họp. |
Chia sẻ tại phiên thảo luận, nhà báo Phan Thanh Phong - Trưởng ban Nhân Dân hằng tháng cho rằng, nếu như không xây dựng môi trường văn hóa trong toà soạn sẽ không có được những tác phẩm báo chí có hàm lượng văn hóa cao, một tòa soạn văn hóa sẽ tạo ra người làm báo văn hóa và tạo những sản phẩm báo chí văn hóa.
"Ở Báo Nhân Dân trong nhiều năm qua vẫn giữ được môi trường lành mạnh trong cơ quan báo chí, chúng tôi có những tấm gương của nhiều thế hệ đi trước. Hiện nay trong tòa soạn có sự tổ chức công việc bài bản, nghiêm túc, đồng thời tạo ra không khí làm việc, tạo động lực, sân chơi, môi trường để mỗi người phát huy được năng lực phẩm chất của mình" - nhà báo Phan Thanh Phong chia sẻ thêm.
Cái cần hướng đến là khát vọng và một nền báo chí không vô cảm
Chia sẻ về nội dung này, nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần triển khai tốt phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” trong tất cả các cơ quan báo chí, chi hội nhà báo từ trung ương đến địa phương và thi đua trong mỗi cá nhân người làm báo.
Vì, nếu triển khai tốt việc này sẽ nhân lên những giá trị nhân văn, lòng tự hào, tự tôn về nghề báo, khích lệ mỗi cá nhân người làm báo, đơn vị báo chí phát triển, đoàn kết và thể hiện sức mạnh của báo chí, góp phần quan trọng chống lại những ảnh hưởng mặt trái về tiêu cực trên không gian mạng và báo chí trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay.
"Để phát triển môi trường văn hóa báo chí cần phải có đủ nguồn lực tài chính, bằng hình thức đặt hàng của nhà nước với các cơ quan báo chí, để người làm báo sống được bằng nghề, có đủ thu nhập, qua đó hạn chế những những hành vi tiêu cực trong hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và các cơ quan báo chí cần có những chế tài nghiêm minh xử lý những người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp để tăng tính răn đe, cảnh báo", nhà báo Đào Xuân Hưng chia sẻ thêm.
Nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh. |
Nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh đã chia sẻ về một số kinh nghiệm ở tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó nhà báo Nguyễn Xuân Hải khẳng định, cần xác định được văn hóa báo chí, văn hóa trong cơ quan báo chí là gì? đó phải là những giá trị được cộng đồng công nhận. Ở đó cần có sự chuyên nghiệp nhân văn và hiện đại, để đánh giá cơ quan báo chí hay người làm báo văn hóa cũng dựa trên những giá trị đó.
Nhà báo Nguyễn Xuân Hải chia sẻ: Để tạo nên bản sắc, giá trị của nền văn hóa báo chí Việt Nam, cái cần hướng đến là khát vọng và một nền báo chí không vô cảm, khi có cái này sẽ hướng đến kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp, có tác dụng giữ gìn nhà báo tránh sự xa ngã, lệnh chuẩn. Chúng ta cần chiến đấu vì lẽ phải, vì sự tiến bộ. Phấn đấu xây dựng và hướng đến người làm báo không vô cảm, hướng đến những điều tốt đẹp trong xã hội.