Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Bán hàng online bùng nổ nhưng chưa thể thay thế kênh truyền thống

Dù thương mại điện tử đang bứt tốc mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp vẫn chú trọng phát triển kênh phân phối truyền thống và cho rằng đây mới là xu hướng bền vững.

Cách đây không lâu, chủ tài khoản TikTok "Quyền Leo Daily" cho biết phiên livestream kéo dài hơn 12 tiếng trên nền tảng TikTok đạt doanh thu lên đến 75 tỷ đồng. Chưa rõ tính chính xác của con số này, nhưng đây rõ ràng là cột mốc mơ ước của nhiều TikToker và thương hiệu.

Chia sẻ bên lề sự kiện Shoppertainment 2024 được tổ chức bởi TikTok, bà Naree Nguyễn, Giám đốc kinh doanh khối đại lý của TikTok Việt Nam cho biết năm 2025 quy mô thị trường shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) của Việt Nam sẽ đạt 88 tỷ USD, chiếm 8% tổng quy mô thị trường châu Á - Thái Bình Dương (APAC).

Thực tế, theo báo cáo “Shoppertainment 2024: Tương lai của tiêu dùng và thương mại châu Á - Thái Bình Dương” do Accenture thực hiện, 79% người tham gia khảo sát cho biết họ được truyền cảm hứng mua sắm bởi nội dung xoay quanh giá trị và chất lượng sản phẩm hơn là các ưu đãi giảm giá.

Một khảo sát mới đây của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cũng cho thấy thói quen mua sắm trực tuyến được hình thành từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và đến nay vẫn tiếp tục gia tăng.

Bán hàng online vẫn lép vế

Chia sẻ với Tri Thức - Znews , ông Tiến Đặng - người phụ trách Digital Marketing CPD của L’Oreal Việt Nam - cho biết thời gian qua L'Oreal đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phân phối qua các kênh trực tuyến.

Tuy nhiên, ông nhìn nhận mỗi kênh có tệp khách hàng khác nhau, việc mở rộng kênh phân phối mới không phải do các kênh truyền thống đang khó khăn.

"Nhóm khách hàng tại các kênh truyền thống thường đã quen với việc ra cửa hàng mua, nên khi chúng tôi mở rộng kênh phân phối, doanh số offline không giảm đi, thậm chí còn tăng phi mã ở tất cả các kênh", ông Tiến nói và nhấn mạnh doanh thu bán hàng năm 2023 của L'Oreal Việt Nam đã tăng gấp 1,5 lần so với năm trước đó.

Trong khi đó, ông Đặng Thanh Định - CEO Nerman - chia sẻ rằng khi thương hiệu mới ra mắt, ông chỉ tập trung bán hàng qua các kênh online. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy tiềm năng của hệ thống phân phối trực tiếp, ông đã đưa sản phẩm Nerman vào các chuỗi mỹ phẩm lớn như Guardian, Hasaki, nhà thuốc An Khang...

Hai năm trở lại đây, doanh thu của Nerman tại các kênh phân phối truyền thống liên tục tăng. Hiện nay, kênh offline chiếm tỷ lệ 15-20% tổng cơ cấu doanh thu, trong khi hơn 80% còn lại vẫn đến từ kênh online.

Dù vậy, ông cho rằng thị trường tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn có hơn 90% giao dịch tập trung ở kênh này, trực tuyến thực tế chỉ chiếm khoảng 10%. Ông nhận định bán hàng qua các kênh phân phối truyền thống sẽ bền vững hơn và sẽ trở thành xu thế ở các năm tiếp theo.

"Hết dịch Covid-19, mọi người vẫn đổ về các kênh offline để mua sắm vì tâm lý muốn trực tiếp tiếp xúc sản phẩm. Hơn nữa, với các sản phẩm của Nerman nghiêng về mùi hương, việc bán hàng trực tiếp sẽ tối ưu hơn cho khách hàng", ông nói.

thuong mai dien tu anh 1

Các hệ thống bán lẻ trực tiếp vẫn đang chiếm ưu thế, đặc biệt là cửa hàng chuyên doanh, tạp phẩm, đại lý. Ảnh: Việt Linh.

Khảo sát của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho thấy tính chung toàn thị trường, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm ưu thế, đặc biệt là cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tạp phẩm, đại lý.

Đặc biệt, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội lưu ý một mô hình bán lẻ truyền thống đang nổi lên trong những năm gần đây là mini family mart. Đây là những tạp hóa gia đình nhưng được bố trí vận hành tương tự hệ thống của một siêu thị hiện đại, đang ngày càng phổ biến hơn ở TP.HCM, Hà Nội và các thành phố lớn khác.

Doanh nghiệp cần thích ứng

Theo bà Vũ Kim Hạnh, năm 2024 nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. "Kết quả khảo sát của Hội về mức độ mua sắm của người tiêu dùng năm 2024 cho thấy có tín hiệu lạc quan hơn so với năm ngoái, nhưng mức gia tăng không đáng kể", bà nói.

Cụ thể, chỉ có khoảng gần 1/3 số người tiêu dùng được khảo sát cho biết mức chi tiêu mua sắm năm nay sẽ tăng hơn chút ít so với năm 2023. Trong khi đó, trên 40% người tham gia dự định tiếp tục cắt giảm chi tiêu.

Ít nhất 6 tháng đầu năm nay vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp về bài toán thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng, mở rộng thị trường.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC

"Có thể nói, thời gian trước mắt, ít nhất 6 tháng đầu năm, vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp về bài toán thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng, mở rộng thị trường", bà Vũ Kim Hạnh nhận định.

Để thích ứng với bối cảnh này, từ năm ngoái đến nay, L'Oreal chọn cách điều chỉnh dung tích sản phẩm và phát triển sản phẩm mới với những công nghệ tương tự sản phẩm cũ nhưng được bán với giá thành rẻ hơn.

Còn với Nerman, trong năm nay họ sẽ tập trung đẩy mạnh phân phối các kênh truyền thống, đặc biệt là đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị. Dĩ nhiên, nhờ việc đã xây dựng được thương hiệu nhiều người biết đến trên nền tảng online, Nerman không cần tốn quá nhiều chi phí để quảng bá tại các hệ thống bán lẻ trực tiếp.

Tuy nhiên, họ vẫn có kế hoạch thay đổi bao bì sản phẩm và nhận diện thương hiệu phù hợp với kênh offline hơn. "Mặc dù tone màu tối chủ đạo hiện tại của Nerman rất phù hợp với khách hàng mục tiêu, nhưng nếu đưa ra các kệ truyền thống lại không nổi bật", ông Định chia sẻ.

Về phía Hội Doanh nghiệp HVNCLC, bà Vũ Kim Hạnh cho biết thời gian tới sẽ tập trung củng cố và hỗ trợ nhiều hơn cho các chợ truyền thống.

"Các hệ thống siêu thị đã có chiến lược, định hướng riêng, Nhà nước không thể tham gia. Nhưng việc quản lý, thúc đẩy chợ truyền thống là rất cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp Việt đưa hàng vào chợ - kênh phân phối lớn nhất của thị trường bán lẻ hiện tại", bà nói thêm.

Chợ truyền thống ở TP.HCM và Hà Nội ngày càng ế ẩm

Ế ẩm, nhếch nhác, chịu sự cạnh tranh khốc liệt của chợ cóc, siêu thị, kênh bán hàng online... là thực trạng hiện nay của nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM và Hà Nội.

Hơn 105.000 shop online rời sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo

Trong khi 105.000 gian hàng rời Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, sàn TikTok Shop lại chứng kiến hơn 95.000 nhà bán mới gia nhập.

Tăng trưởng xuất khẩu online của Việt Nam cao hàng đầu hệ thống Amazon

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng bán hàng xuyên biên giới qua Amazon cao hàng đầu nhờ số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng nhiều.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Liên Phạm

Bạn có thể quan tâm