“Chợ này giờ đóng 7 mở 3 thôi. Sáng giờ tôi bán được đúng một kg tôm cho khách quen", chị M, tiểu thương bán hải sản ở chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) than khi đã gần quá trưa.
“Tôi có tất cả 4 sạp bán vải nhưng chỉ mở cửa một sạp vì không chịu nổi. Nếu mở cả 4 sạp, tôi phải trả hơn 12 triệu đồng cho các chi phí như tiền thuế, tiền điện, phí bảo vệ trông coi hàng hóa…”. Chị T, một tiểu thương bán vải cũng ở khu chợ này chia sẻ.
Thực tế, không chỉ chị M., chị T. mà đa số tiểu thương khác tại chợ Bến Thành cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Dịch Covid-19 khiến lượng du khách nước ngoài đến TP.HCM giảm mạnh là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc quá nửa số sạp ở chợ vẫn đóng cửa im lìm.
Ế ẩm, nhếch nhác
Theo khảo sát của Zing, các khu chợ lớn như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Xóm Chiếu (quận 4), chợ Tân Thuận (quận 7) cũng gặp phải tình trạng vắng khách. Trong khi đó, cách chợ chỉ khoảng 100-200 m là rất nhiều chợ cóc, chợ tự phát ven lề đường. Người bán không phải trả phí kinh doanh, người mua ngồi trên xe chọn hàng, thanh toán nhanh gọn.
Theo chị T., chỉ những người chủ sạp làm ăn buôn bán lâu năm, có khách quen tìm đến tận sạp mới đủ sức xoay sở. Còn lại, nhiều tiểu thương lâm vào cảnh khó khăn phải trả hay sang lại sạp.
“Sang lại cũng khó vì không ai thuê, họ hạ giá xuống rất thấp thậm chí miễn phí tiền sạp nhưng vẫn không có khách. Mỗi tháng doanh thu đủ tiền chi phí là mừng rồi, còn lỗ công ngồi bán", tiểu thương này thở dài.
Chị lý giải, hiện nay do phải cạnh tranh với các siêu thị mọc lên ngày càng nhiều nên buôn bán tại chợ không mấy khả quan. Ngoài ra, việc chợ Bến Thành không có bãi giữ xe riêng cũng khiến khách hàng e ngại. Để vào chợ, họ phải gửi xe máy với giá 10.000-15.000 đồng/lượt.
Hàng loạt sạp hàng nằm sâu trong chợ Bến Thành vẫn đóng cửa nhiều tháng qua, chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tương tự, tại Hà Nội, nhiều chợ truyền thống cũng rơi vào cảnh không có người mua, chợ cóc mọc lên san sát quanh chợ. Tiểu thương che ô dù san sát, bày biện với hàng hóa từ trái cây, rau củ đến thịt cá... lấn chiếm lòng lề đường.
Khảo sát tại chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội như chợ Ngã Tư Sở, chợ Láng Hạ (quận Đống Đa), chợ Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)... lượng khách chủ yếu tập trung ở các quầy hàng thịt cá, rau củ. Trong khi đó, quầy hàng thời trang, đồ điện tử luôn trong tình trạng vắng vẻ.
Đáng chú ý, cơ sở vật chất tại các chợ truyền thống hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, hoạt động mua bán lộn xộn, nhếch nhác, thiếu quy củ. Tại chợ Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân, Hà Nội), các ki-ốt được bày bán tự phát, xập xệ không có quy hoạch, cộng thêm tình trạng nước thải ứ đọng nên chợ trở nên ẩm thấp, đặc biệt trong những ngày mưa.
Một số chợ trước đây là những khu mua sắm sầm uất nhưng sau khi được cải tạo thành các trung tâm thương mại rơi vào cảnh đìu hiu.
Tại trung tâm thương mại chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) số quầy mở chỉ khoảng 30%, phần lớn treo biển "bán và cho thuê ki-ốt". Chủ một sạp hàng cho biết so với việc kinh doanh trước đây thì hiện nay chỉ được 10-20%.
Tại Hà Nội, khu vực quầy thịt cá, rau củ ở các chợ vẫn đông đúc nhưng nhiều nơi cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Việt Linh. |
Người tiêu dùng thay đổi
Thực tế, hiện nay sự phát triển đi lên của các loại hình kinh doanh bán hàng online, cửa hàng tiện ích hay siêu thị, trung tâm thương mại… đã làm thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi khiến áp lực cạnh tranh của chợ truyền thống ngày càng gia tăng.
Trước đây, chị Mai Anh (quận 7, TP.HCM) thường thích đi chợ vì giá thành rẻ, rau củ tươi nhưng từ sau dịch, chị chuyển sang đi siêu thị. "Bởi ở đây có không gian sạch sẽ, thoải mái, không quá đông người nên giảm thiểu khả năng lây nhiễm bệnh. Từ khi dưới chân chung cư mở cửa siêu thị, tôi gần như không đi chợ nữa", chị nói.
Nhiều người cũng cho biết họ ít đi chợ vì ngại cảnh đông đúc, ồn ào và tốn tiền gửi xe. Thuỳ Dung (quận 4, TP.HCM) cho biết cô thường mua số lượng đồ ăn lớn cho cả gia đình nên rất thích dùng dịch vụ giao hàng tận nhà của siêu thị.
Thường xuyên mua hàng ở chợ cóc quanh chợ Hoàng Văn Thái, chị Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng thừa nhận các sạp hàng ven đường đáp ứng nhanh nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm tươi sống của chị với giá cả rẻ hơn trong các siêu thị... "Đặc biệt, tôi không cần phải gửi xe hay di chuyển nhiều như vào các chợ hay siêu thị mà chỉ ngồi trên xe mua đồ", chị nói.
Tại khu vực thành thị, người dân có xu hướng thay đổi thói quen lựa chọn các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hoặc siêu thị để mua sắm nhiều hơn. Ảnh: Phương Lâm. |
Bà Sử Kim Thoa - Trưởng ban quản lý chợ Phùng Hưng (quận 5, TP.HCM) thừa nhận sau khi chợ mở cửa trở lại tình hình buôn bán tại chợ ngày càng ế ẩm. "Có nhiều kênh cung cấp, phân phối hàng hóa là nguyên nhân chính khiến chợ truyền thống vắng vẻ. Không chỉ riêng chợ Phùng Hưng và tất cả các chợ trên địa bàn thành phố đều đang gặp phải tình trạng này", bà nói với Zing.
Theo trưởng ban quản lý chợ này, chỉ một số tiểu thương trẻ tuổi linh hoạt bán hàng online trên mạng nhưng nhiều người bán khác vẫn khó tiếp cận kênh này. Bà Thoa đánh giá các cửa hàng tiện lợi, siêu thị đang dần thay thế chợ truyền thống.
Lý giải nguyên nhân một số chợ truyền thống trên địa bàn vắng lặng, ế ẩm, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Thị Kim Ngọc cho rằng do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số tiểu thương đã chuyển đổi từ mua bán trực tiếp sang trực tuyến và đang tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, có nhiều người về quê tránh dịch và vẫn chưa quay trở lại.
Để vực dậy và phát triển chợ truyền thống, Sở định hướng các chợ xây dựng phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM.
Sắp tới, để vực dậy và phát triển chợ truyền thống, bà cho biết Sở Công Thương định hướng các chợ xây dựng phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới.
"Trong đó đẩy mạnh lợi thế của các chợ như: Nguồn gốc hàng hóa, giá cả hợp lý… Đồng thời, Sở sẽ làm việc cụ thể với các địa phương để đề ra giải pháp hiệu quả", bà nói.
Cuối tháng 11/2021, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt Đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, TP đặt mục tiêu tối thiểu 100% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và tất cả chợ xây mới đáp ứng được các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại theo quy định tại đề án.