Đại sứ Ted Osius và người bạn đời Clayton Bond đều là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Mỹ. Hai ông lần đầu gặp nhau tại một sự kiện dành cho nhân viên đồng tính của các cơ quan ngoại giao Mỹ hồi năm 2004. Họ tổ chức đám cưới ở Vancouver, Canada, vào tháng 6/2006.
Sau khi kết hôn, hai ông cùng đến nhận nhiệm vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Ấn Độ. Khi ông Osius được bổ nhiệm vị trí phó đại sứ tại phái bộ ở Indonesia (2009 - 2012), ông Bond cùng đến đây theo tư cách bạn đời của phó đại sứ.
Tại một sự kiện ở TP HCM hồi tuần trước, ông Clayton Bond, đã chia sẻ với Zing.vn những điều ít người biết về cuộc sống của một cặp đôi ngoại giao đồng tính và những trải nghiệm của các ông tại các quốc gia trước khi đến Việt Nam.
- Các ông tổ chức đám cưới ở Canada thay vì tại Mỹ. Là công dân sống và làm việc tại Mỹ nhưng không thể kết hôn ở đất nước mình, khi đó ông cảm thấy thế nào?
- Mặc dù chúng tôi rất muốn tổ chức đám cưới ngay tại đất nước của mình, tôi và bạn đời trân trọng cơ hội mà chúng tôi có thể kết hôn hợp pháp, ngay cả khi chúng tôi phải đến một nước khác để thực hiện điều này.
Bên cạnh đám cưới hợp pháp ở Canada, chúng tôi cũng tổ chức một buổi lễ ở nhà riêng của Ted tại bang Maryland, trước sự chứng kiến của gia đình và bạn bè. Tất cả những khoảnh khắc này đều vô cùng ý nghĩa đối với tôi và Ted. Còn bây giờ, hôn nhân giữa chúng tôi đã được công nhận hợp pháp trên toàn nước Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius bên cạnh người bạn đời Clayton Bond tại một sự kiện ở TP HCM. Ảnh: Hải An |
Cuộc sống của một cặp đôi ngoại giao đồng tính
- Sau khi kết hôn, ông và bạn đời đều nhận nhiệm vụ tại Ấn Độ. Việc là một cặp đôi đồng tính có gây cản trở gì đến công việc của các ông ở đất nước Nam Á này? Khi đó, người dân và giới chức địa phương tiếp đón các ông như thế nào?
- Chúng tôi đã trao đổi với rất nhiều người trước khi đến Ấn Độ. Dù Ấn Độ là quốc gia có văn hóa xã hội bảo thủ, mọi người xem chúng tôi là người nước ngoài và không mấy bận tâm chuyện của chúng tôi. Trong 3 năm sống, làm việc và thăm thú ở Ấn Độ, chúng tôi không biết liệu có ai cảm thấy khó chịu với tôi hoặc chồng hay không.
Tôi nhớ một kỷ niệm như thế này, đó là khi tôi và Ted đến dự một sự kiện vào buổi tối tổ chức ở nhà riêng của sếp tôi. Khi tôi tiếp chuyện một vị khách nữ lớn tuổi, bà ấy (cũng như nhiều người khác) hỏi rằng tôi đã kết hôn chưa. Tôi trả lời: “Rồi ạ”.
Bà ấy tiếp tục hỏi thăm thêm về “vợ” tôi. Ngẫu nhiên, lúc này Ted cũng đang trò chuyện cùng một vị khách gần đó. Tôi tiếp tục trả lời vị khách rằng tôi không cưới vợ nhưng tôi có người bạn đời của mình và anh ấy đang đứng đằng kia.
Khi trả lời như vậy, tôi không biết chắc vị khách nữ kia sẽ phản ứng như thế nào. Có thể tôi đã làm bà ấy ngạc nhiên hoặc sốc. Tuy nhiên, bà nắm chặt tay tôi, mỉm cười và nói chắc nịch rằng: “Anh đang sống cuộc đời của mình”.
- Vậy trước khi ông đến Jakarta với tư cách thành viên gia đình của phó đại sứ Mỹ, ông đã tìm hiểu về đất nước Hồi giáo như thế nào? Với những sự cố như thiệp mời gửi “phu nhân Osius”, ông phản ứng như thế nào?
- Cũng như trước khi đến Ấn Độ, chúng tôi đã thăm hỏi rất nhiều người về Indonesia. Họ bảo rằng do chúng tôi là người nước ngoài nên sẽ không có vấn đề gì với chuyện chúng tôi là một cặp đồng tính. Tôi nhận thấy tôi và chồng vẫn được người dân Indonesia tiếp đón nồng hậu.
Tôi rất biết ơn chính phủ Indonesia đã cấp cho tôi thị thực với tư cách người nhà của phó đại sứ, cũng như việc Jakarta đã dành cho tôi một vị trí trong tiệc tối cấp nhà nước để chiêu đãi Tổng thống Obama khi ông công du tại Indonesia hồi năm 2010.
Với những sự cố như bạn đề cập, tôi không cảm thấy phiền lòng. Dẫu vậy, tôi rất trân trọng nếu nhận được các lời mời đề cập chính xác về tôi cũng như mối quan hệ giữa tôi và Ted.
Bạn đời của đại sứ Mỹ nói ông không phiền lòng khi bị gọi nhầm là "phu nhân Osius". Ảnh: Hải An |
- Ông đã cùng chồng sống và làm việc tại Việt Nam gần 2 năm. Ông cảm nhận thế nào về đất nước chúng tôi? Những kỷ niệm đáng nhớ nhất đến thời điểm này của ông là gì?
- Chính phủ và người dân Việt Nam đã rất rộng rãi và hiếu khách khi tiếp đón chúng tôi, và tôi rất cảm kích về điều này. Mọi người vô cùng thân thiện, luôn chào đón tôi và gia đình.
Một trong những trải nghiệm ý nghĩa nhất đối với tôi trong khoảng thời gian ở Việt Nam là khi chúng tôi cùng tuyên thệ lại lời hôn ước trước sự làm chứng của Phó chánh án tối cao Ruth Bader Ginsburg. Buổi lễ diễn ra ở nhà riêng tại Hà Nội vào ngày 8/8 để kỷ niệm năm thứ 10 chúng tôi sống với nhau. Gần đây nhất, cả gia đình chúng tôi và các con đã chào đón Tổng thống Obama nhân chuyến thăm Việt Nam của ông hồi tháng 5. Đây đều là những khoảnh khắc tuyệt vời, và chúng tôi sẽ nâng niu những kỷ niệm này mãi mãi.
- Cách của ông để luôn duy trì cuộc sống hạnh phúc với bạn đời là gì?
- Mỗi tuần, chúng tôi thống nhất việc cùng ra ngoài ăn trưa hoặc ăn tối ít nhất một lần, và chỉ có tôi cùng Ted. Chúng tôi luôn dành thời gian cho những khoảnh khắc riêng tư của gia đình, như việc đọc sách cho các con, xem TV cùng chúng, dùng bữa với nhau và chơi đùa với con cái.
Đại sứ Mỹ giới thiệu người bạn đời và các con với Tổng thống Obama khi ông chủ Nhà Trắng đến thăm Hà Nội hồi cuối tháng 5. Ảnh: FBNV |
Đấu tranh để sống thật với bản thân
- Ông từng gặp khó khăn sau khi thừa nhận với gia đình. Trong phần lớn trường hợp, gia đình là nơi cuối cùng mà người LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) sẽ công khai. Theo ông, cả 2 phía (gia đình và bản thân) cần chuẩn bị như thế nào cho quyết định này?
- Mỗi người phải tự quyết định nên sống thật hay không và nếu có thì bằng cách nào. Trong quá khứ, có lúc tôi biết rằng tôi không còn có thể che giấu bản thân nữa, mà thực ra là tôi cảm thấy rất khó khăn khi phải giả vờ. Khi đó tôi không còn cảm thấy lo sợ nữa. Tôi tin rằng mình vẫn có thể sống tốt ngay cả khi gia đình và những người khác không chấp nhận mình.
Do vậy, cách đây 15 năm, khi mẹ tôi hỏi rằng “Con đồng tính phải không”, tôi không ngần ngại trả lời “Vâng ạ”. Chính mẹ cũng đã trải qua một giai đoạn khó khăn sau khi biết chuyện. Tôi biết rằng mẹ lo lắng cho tôi, vì xã hội thời đó không có nhiều tấm gương điển hình về những người đồng tính thành công trong cuộc sống. Mẹ có thể đã nghĩ xu hướng tình dục sẽ là yếu tố chặn đứng mọi cơ hội thành công.
Để chấp nhận sự thật này, mẹ tôi cần tới vài năm. Bây giờ mẹ đã hoàn toàn yêu thương tôi vì chính bản thân tôi. Bố cũng luôn chấp nhận chính tôi và luôn tỏ ra tích cực. Hiện tại, rất nhiều bạn bè và người thân khiến tôi ngạc nhiên vì sự ủng hộ của họ dành cho tôi.
- Theo ông, đối với cộng đồng LGBT, việc được thừa nhận trong luật pháp so với được gia đình và người thân chấp nhận, điều nào quan trọng hơn?
- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất chính là bạn phải chân thực với bản thân của mình trước hết, rằng bạn là ai. Chỉ khi bạn đã chấp nhận chính mình, thì những người xung quanh mới có thể làm như vậy, rồi sau đó pháp luật sẽ công nhận bạn. Chúng ta cần nói rõ với mọi người mình mong muốn được đối xử như thế nào. Khi chúng ta thoải mái với bản thân hơn thì người khác mới có thể hành động tương tự.
Tôi cho rằng gia đình, bạn bè và chính phủ là những nhân tố có thể giúp một người được sống thật một cách thoải mái hơn, qua việc công nhận phẩm giá của từng cá nhân bất kể xu hướng tình dục, bản dạng giới hoặc những yếu tố khác.
Bạn đời của đại sứ Mỹ chia sẻ bí quyết duy trì hạnh phúc của ông là cả 2 cùng nhau chăm sóc các con. Ảnh: Lê Hiếu |
- Dù Mỹ là một trong những nước có phong trào đấu tranh vì quyền lợi cộng đồng LGBT mạnh mẽ và đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, tình trạng kỳ thị đồng tính vẫn là vấn đề đang diễn ra tại Mỹ. Một trong những hệ quả như vụ xả súng tại hộp đêm cho người đồng tính ở Orlando gần đây. Ông nghĩ thế nào về điều này?
- Với những giá trị cốt lõi của mình, tôi nghĩ Mỹ vẫn là quốc gia của sự tự do và dũng cảm. Sự tự do sẽ ngày càng rộng mở hơn, khi nhiều người có quyết định dũng cảm là sống thật với chính họ và với những người khác; cũng như khi nhiều người sẽ dũng cảm chấp nhận đối với những sự khác biệt xung quanh họ, vì tất cả đều là đồng loại bất kể xu hướng tình dục, bản dạng giới, tôn giáo hay bất kỳ nhân tố nào khác.
- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của các hoạt động của cộng đồng LGBT tại Việt Nam? Ngoài những sự kiện sôi nổi ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, nếu có dịp gặp gỡ những người đồng tính ở các địa phương khác còn dè dặt và bảo thủ, ông sẽ nói gì với họ?
- Thực sự là rất tuyệt khi Ted và tôi được đến Việt Nam trong thời điểm này, khi sự chấp nhận đối với những người thuộc cộng đồng LGBTIQ (I: liên giới tính, Q: chưa phân định giới - tạm dịch) ngày càng gia tăng. Tôi và bạn đời rất vinh hạnh khi có thể hỗ trợ các bạn trong những hoạt động xóa bỏ kỳ thị chỉ dựa trên xu hướng tình dục hoặc bản dạng giới.
Đối với những người đang sống trong một môi trường chưa cởi mở, tôi muốn nói với họ rằng, việc là người đồng tính, song tính hay vô tính không có gì là sai trái. Nếu có thể, họ hãy cố gắng sống thật với chính bản thân mình và với những người khác. Tôi mong họ biết rằng tình hình đang cải thiện ngày càng tốt hơn. Cuộc sống của họ cũng sẽ tốt hơn khi ngày càng nhiều người chọn lựa sống thật với bản thân.