Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ tham gia thành lập ĐH Fulbright VN

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định chìa khóa để nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam sau khi tham gia AEC và TPP chính là những sáng kiến, sự đổi mới.

Ngày 14/4, Chương trình Liên minh Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật (HEEAP) tại Việt Nam tổ chức hội nghị Giáo dục ngành Kỹ thuật tại Việt Nam (VEEC) lần 4. Chủ đề thảo luận tập trung vào thúc đẩy kỹ năng và tiêu chuẩn nguồn nhân lực.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho hay Mỹ sẽ tham gia việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam tại TP HCM, hoạt động theo mô hình đại học Mỹ, qua đó nhằm thúc đẩy tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, tinh thần doanh nhân và sự đột phá. 

Ông khẳng định chìa khóa để nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong TPP và AEC chính là những sáng kiến, sự đột phá. "Đây chính là yếu tố duy trì sự năng động của nền kinh tế và thúc đẩy nó tiến lên", ông nói.

Theo nhận định của HEEAP, trong quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các chương trình đào tạo kỹ thuật của Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh mối liên kết công lập và tư nhân. Qua đó bảo đảm hệ thống giáo dục đại học cung cấp đầu ra tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu đổi mối nền kinh tế. 

Đại sứ Mỹ cho rằng, sở dĩ nền kinh tế Mỹ sôi nổi và sáng tạo nhất thế giới là do mối quan hệ đối tác 3 bên quan trọng: trường đại học - khu vực tư - chính phủ. "Sự liên kết này hình thành một hệ sinh thái nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, đổi mới".

Dai su My tai Viet Nam anh 1
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. Ảnh: Thanh Tùng

Bên lề hội thảo, Đại sứ Ted Osius cũng trả lời phỏng vấn riêng hai tờ báo về tầm quan trọng của khoa học công nghệ để giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh khi gia nhập TPP.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về thách thức của Việt Nam khi tham gia TPP, ông Osius cho hay sẽ có nhiều thách thức, nhưng cũng đi kèm với rất nhiều cơ hội.

Theo đại sứ Mỹ, hiện tại, phần lớn các ngành sản xuất của Việt Nam, như giày da, may mặc, có giá trị gia tăng thấp. Khi tham gia TPP, các ngành này có cơ hội cải thiện chuỗi giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

"Chúng ta chỉ có thể làm như vậy nếu mở rộng cơ hội giáo dục cho người trẻ. Chúng ta đã được nghe rất nhiều những yếu tố quan trọng cần trang bị cho họ, như tư duy phản biện, tính sáng tạo", ông Osius nhấn mạnh.

TPP mang lại cơ hội cho giới trẻ Việt Nam để phát triển sự sáng tạo, tinh thần doanh nhân. Khi đó, các chuỗi giá trị ở Việt Nam sẽ được cải thiện, Việt Nam không còn bị "kẹt" ở "bẫy thu nhập trung bình".

Mỹ đang có nhiều hình thức hỗ trợ, như Chương trình Liên minh Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật (HEEAP) với rất nhiều trường đại học đối tác.

Đối với Mỹ, chương trình này tỏ ra hiệu quả khi giới trẻ được phát triển khả năng sáng tạo trong mô hình hợp tác giữa các khối chính phủ - khu vực tư - các học viện.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Zing.vn về những thay đổi của ngành nông nghiệp Việt Nam khi tham gia TPP, Đại sứ Osius cho rằng, Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu rất nhiều mặt hàng nông sản. "Sau khi tham gia TPP, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều luồng đầu tư hơn vào ngành nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là từ các nước cũng tham gia TPP".

Một điểm đáng chú ý là sự chia sẻ công nghệ và các ý tưởng sáng tạo giữa những nước trong TPP, khi các công ty từ Mỹ, Nhật Bản và Australia hợp tác cùng các công ty Việt Nam.

Do vậy, nông nghiệp Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Khi đó, thu nhập của người nông dân cũng được cải thiện. 

"Hồi đầu năm nay, tôi vừa kết thúc chuyến đạp xe xuyên Việt, đi từ Hà Nội vào Huế. Dọc hành trình, tôi đã được giới thiệu rất nhiều dự án nông nghiệp đầy sáng tạo. Mỹ đang hỗ trợ một số dự án như vậy", đại sứ Mỹ nói.

Tất cả các công trình đều dựa trên yếu tố phát triển bền vững và "xanh", thân thiện môi trường. Các dự án này sử dụng ít phân bón hơn, cho ra nông sản chất lượng hơn.

Việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp mang lại các lợi ích về môi trường, mà cuối cùng thì người dân sẽ được hưởng lợi nhất. 

Chương trình Liên minh Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật (HEEAP) được thành lập vào năm 2010 bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID và Tập đoàn Intel, phối hợp với Trường Kỹ thuật Ira A.Fulton thuộc Đại học bang Arizona (ASU).

HEEAP được điều phối bởi văn phòng Gi áo dục Mở rộng Toàn cầu (GOEE) của trường Kỹ thuật Ira A.Fulton. Các đơn vị tài trợ của HEEAP gồm Bộ Gi áo dục Việt Nam, Khu công nghệ cao TP HCM, Siemens, Danaher, Cadence, National Instruments và Pearson.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm