Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tham gia TPP, DN vi phạm bản quyền có thể bị phạt hình sự

Khi tham gia TPP, các DN hỗ trợ ngành điện tử cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề vi phạm bản quyền, kiểu dáng công nghiệp do chế tài xử lý vi phạm sẽ mạnh hơn.

Đó là thông tin được nêu tại tọa đàm “Ảnh hưởng của TPP và EVFTA tới các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp hỗ trợ ngành điện tử cần đặc biệt lưu ý khi các quy định của TPP thắt chặt hơn về bảo hộ nhãn hiệu, gia tăng thời hạn bản quyền tác giả và tăng cường chế tài đối với các quốc gia vi phạm bảo hộ bản quyền trí tuệ.

phat hinh su vi pham ban quyen anh 1

TPP, EVFTA đẩy mạnh bảo vệ doanh nghiệp có sản phẩm đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. 

Thậm chí, với EVFTA còn cao hơn so với tiêu chuẩn của WTO bằng nhiều biện pháp thực thi pháp luật mạnh hơn, trong đó có các biện pháp ngăn chặn việc sử dụng công cụ kỹ thuật để vi phạm bản quyền; nhiều quy định, chính sách về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp sẽ được điều chỉnh.

“Việc xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ dừng lại ở phạt hành chính như pháp luật Việt Nam hiện hành mà còn có cả bồi thường thiệt hại, thậm chí xử lý hình sự. Chính vì thế, doanh nghiệp trong nước cần tìm hiểu thông tin về các hành vi hiện chưa bị xử lý nhưng sẽ bị xử lý nghiêm khắc khi Việt Nam thực hiện các cam kết này”, bà Tuệ Anh khuyến cáo.

Bà đồng thời nhấn mạnh Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có từ rất lâu nhưng việc thực thi vẫn rất kém. Điều này gây ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp làm ăn tử tế luôn luôn phải chống chọi với hàng nhái hàng giả cũng như nạn vi phạm quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ - một vấn đề các quốc gia phát triển rất lo ngại.

Bà Tuệ Anh phân tích thêm,  thắt chặt bảo hộ sẽ mở ra cơ hội bảo vệ quyền lợi, bảo vệ sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp có sản phẩm đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trước các hiện tượng nhái một phần, một bộ phận kiểu dáng của sản phẩm đã đăng ký dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng vốn khá phổ biến hiện nay.

Trước thực tế đó, các chuyên gia khuyến nghị trong thời gian tiếp theo, các quy định của pháp luật trong nước về kiểu dáng công nghiệp sẽ phải được điều chỉnh cụ thể hơn. Và doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý tới các quy định để bảo vệ tốt nhất lợi ích liên quan.

Ngoài ra, việc gia nhập TPP, EVFTA cũng sẽ gây áp lực rất lớn đối với Nhà nước trong việc phải thực thi có hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ, nâng cao hiệu lực Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Trao đổi với báo giới cuối năm 2015, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từng nêu lên thực trạng đáng lo ngại khi Việt Nam gia nhập TPP giữa bối cảnh hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam còn yếu kém khi xử lý tranh chấp giữa các doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp…

Cùng đó, khâu thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn là lo ngại lớn nhất khi làn sóng đầu tư, hàng hóa nước ngoài đổ vào Việt Nam sau khi TPP có hiệu lực sẽ khiến các tranh chấp sở hữu trí tuệ có thể bùng nổ.


http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/tham-gia-tpp-doanh-nghiep-vi-pham-ban-quyen-co-the-bi-phat-hinh-su-137067.ict

Theo H.P/Infonet

Bạn có thể quan tâm