Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Độ phức tạp của TPP đang đe dọa doanh nghiệp Việt Nam

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, TPP là hiệp định thương mại tự do nhưng chưa hẳn tự do. Sự phức tạp của các bộ tiêu chuẩn đang là mối đe dọa lớn với doanh nghiệp Việt Nam.

Nhìn nhận câu chuyện chuẩn bị TPP của Việt Nam, một số chuyên gia quốc tế cho rằng, lâu nay, doanh nghiệp Việt chỉ bàn luận xoay quanh cơ hội, lợi ích chứ chưa đề cập đến những bước chuẩn bị cần thiết để hội nhập. Khi thực sự nhìn nhận được vấn đề, vẫn chưa chuẩn bị được tới đâu thì bão đã ập vào.

Đối phó với chồng văn bản cao 1 m, nặng 45 kg

TPP là một hiệp định thương mại có độ phức tạp cực kỳ lớn, nếu không nắm rõ điều này thì có thể sẽ là thảm họa đối với các quốc gia thành viên nếu không có sự chuẩn bị tốt. 

Sự phức tạp của TPP được thể hiện qua hàng loạt văn bản, điều khoản bổ sung, mà hầu như mỗi chi tiết nhỏ trong từng sản phẩm cũng được áp dụng bộ tiêu chuẩn này. Cụ thể, toàn văn TPP gồm 5.544 trang, khi in ra sẽ có một chồng văn bản cao gần 1m, nặng 45 kg. Để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm phức tạp như dệt may và điện tử hiểu rõ ràng và áp dụng đúng đang là một quá trình khó khăn.

Su phuc tap cua TPP anh 1
Doanh nghiệp Việt vẫn chưa lường hết những phức tạp khi gia nhập sân chơi TPP. Ảnh minh họa

Ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA) cảnh báo: “Hầu hết các quy định phức tạp trong hệ thống phân loại thuế quan, mã số HS định giá hải quan… đều được xáo trộn một cách mới lạ để đưa vào quy tắc xuất xứ của TPP. Đến nay, hầu như rất ít doanh nghiệp Việt Nam hiểu được những điều này".

Ngành dệt may đang được đánh giá là ngành hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, nhưng nếu không nghiên cứu kỹ có thể sẽ dẫn đến rắc rối lớn. Đây là ngành bị tác động bởi hầu hết các điều khoản của bộ tiêu chuẩn từ sản phẩm, nguyên phụ liệu, lao động…

Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu thứ 2 vào Mỹ về may mặc, khoản thuế phải đóng là rất cao vì Mỹ xem dệt may là một ngành nhạy cảm. Lợi thế trước mắt khi có TPP là 60% hàng xuất khẩu đến Mỹ sẽ được miễn thuế trong ngày đầu tiên. Các khoản khác giảm dần và bãi bỏ trong vòng 12 năm. Đổi lại, những quy định về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu thì được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nếu không tìm hiểu kỹ sự phức tạp này thì doanh nghiệp Việt Nam đối diện với nhiều nguy cơ.

Một minh chứng trực quan nhất, theo ông Nestor Scherbey, là thông tin về ngành này sẽ rơi vào chương 62 của hồ sơ. Trong đó, dệt may và nguyên phụ liệu được chia vào nhiều nhóm khác nhau, như: nguyên phụ liệu, sản phẩm không dệt, móc… được xếp từ chương 62.01 – 62.08. Trong mỗi chương lại có ngoại lệ và mỗi ngoại lệ lại có ngoại lệ của ngoại lệ. Nhìn chung độ phức tạp của nó ngày càng được bổ sung để áp dụng tuyệt đối bộ tiêu chuẩn.

Vào TPP, không có chuyện "khó quá bỏ qua"

Đại diện của AMCHARM tại Việt Nam cho rằng, điều quan trọng là doanh nghiệp xuất khẩu phải biết tự đặt câu hỏi về chính hoạt động của mình. Ví dụ như doanh nghiệp mình sản có bao nhiêu sản phẩm? Mỗi sản phẩm đó cấu thành từ bao nhiêu nguyên phụ liệu? Các thành phần này xuất xứ từ đâu? Mã số hồ sơ của từng nguyên phụ liệu tạo nên sản phẩm là gì?

Sự phức tạp vẫn chưa dừng lại ở đó, khi hoàn thiện những quy trình cấu thành, doanh nghiệp còn phải nắm rõ công thức để phân loại hàng hóa thuộc mã số nào và áp dụng mức thuế nào, tính toán sao cho có thể hưởng lợi tốt nhất từ TPP hay không?

Khi tham gia vào TPP sẽ không có chuyện "khó quá bỏ qua" như những hoạt động kinh doanh trước đây. Mặc dù đây là một hệ thống quy phạm phức tạp, nhưng buộc doanh nghiệp phải ghi nhớ đến từng chi tiết. Nếu không doanh ghiệp sẽ bị truy thu thuế và áp dụng một mức chế tài rất nặng.

Đối với việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể chủ động thực hiện việc này. Tuy nhiên, hồ sơ phải lưu trong 5 năm để phục vụ công tác hậu kiểm. Hải quan các nước TPP có thể sang Việt Nam lục lại hồ sơ xem có chuẩn, có chính xác với các quy định trong TPP. Nếu có sai lệch thì thực sự là thảm họa, vì sẽ phải gánh một mức chế tài rất cao.

Không phải chỉ có TPP mới yêu cầu tính minh bạch, mà bất cứ FTA nào cũng không chấp nhận khai niệm gian lận trong giao thương. Các doanh nghiệp dù ở quốc gia thành viên nào cũng phải hoạt động trên nguyên tắc tuân thủ các bộ tiêu chuẩn. Với sự chặt chẽ như vậy, nếu không xây dựng cho mình hạ tầng cùng đội ngũ tư vấn tốt thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ hết sức thiệt thòi khi hội nhập.

Khi những hào hứng về lợi ích qua đi đã lộ rõ những thách thức cơ bản mà doanh nghiệp cần đối diện để không tụt lại phía sau so với các nước thành viên khác. Tuy nhiên, đến nay hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chuẩn bị được gì, trong khi TPP sẽ có hiệu lực trong vòng hơn một năm nữa. Đụng vào khía cạnh nào cũng thấy thiếu và yếu để hội nhập.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM chia sẻ: “Hầu như về mọi mặt chúng ta vẫn chưa chuẩn bị được gì. Từ nay đến khi TPP có hiệu lực chỉ còn tối đa là 3 năm, nhưng tình thế hiện tại rất khó để xoay chuyển. Tôi e rằng chúng ta chưa kịp trở tay thì cơn bão đã ập vào. Những giải pháp chống đỡ tình thế sẽ khó có thể giải quyết được những thiệt hại về sau”.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm