Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hãy giúp Việt Nam nếu muốn thế giới chơi theo luật của Mỹ'

Đây là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong buổi tọa đàm “Gặp gỡ Hoa Kỳ” diễn ra tại Hà Nội 23/3.

Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hồng Duy

Tọa đàm “Gặp gỡ Hoa Kỳ” diễn ra dưới sự phối hợp tổ chức của Bộ Ngoại giao, UBND TP Hà Nội và Đại sứ quán tại Việt Nam. Tham dự buổi tọa đàm có ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và nhiều quan chức khác.

Tới dự tọa đàm còn có đại diện của 40 tỉnh thành cả nước, 50 doanh nghiệp Mỹ và số lượng tương đương doanh nghiệp Việt Nam. Buổi tọa đàm diễn ra trong thời điểm Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác, đặc biệt sau chuyến thăm Mỹ năm 2015 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Hiện tại, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đạt trên 45 tỷ USD. Mỹ đang là một trong những quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Hai quốc gia cũng đang là đối tác tích cực trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình. Hiện tại, số sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ xếp thứ 6 trên thế giới.

Lợi ích từ TPP với Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, ông John Hill, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Mỹ khẳng định, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có những lợi ích có thể nhìn thấy cũng như lợi ích lâu dài đối với Việt Nam. Lợi ích trước mắt là việc giảm thuế cho các mặt hàng da giày, may mặc - ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ngoài ra, TPP cũng giúp hàng hóa Việt Nam dễ tiếp cận hơn với thị trường Mỹ.

Theo các nhà nghiên cứu, khi gia nhập TPP, GDP của Việt Nam sẽ tăng 13% trong khi xuất khẩu tăng 37% vào năm 2025. Các ngành chủ lực khác như xuất khẩu thủy sản, trong đó điển hình là tôm, mực hay cá ngừ… cũng có cơ hội tăng trưởng.

Tuy nhiên, quan trọng hơn chính là lợi ích dài hạn. Thứ nhất, việc đàm phán gia nhập TPP là tín hiệu mạnh mẽ mà Việt Nam đưa tới thế giới, nhằm thể hiện sự nghiêm túc theo đuổi nền kinh tế quốc tế. Nó cũng cho thấy Việt Nam khác với các nước đang phát triển khác khi nghiêm túc giải quyết thách thức bằng hành động thực tế. Việt Nam có lợi thế về lao động trẻ, năng động, đây là yếu tố quan trọng để gia tăng năng suất.

Ông Hill dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Việt Nam có những chuyển đổi cần thực hiện, bao gồm xây dựng thể chế hiện đại, thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế do tư nhân làm chủ lực, bảo vệ môi trường, đô thị hóa hiệu quả…. Nếu đạt được các thay đổi này, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Trăn trở của doanh nghiệp Mỹ

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp Mỹ nêu rõ những trăn trở khi dự định đầu tư vào Việt Nam. Câu hỏi lớn nhất mà doanh nghiệp Mỹ muốn tìm câu trả lời là khi nào TPP có hiệu lực, và họ chuẩn bị những gì để vào Việt Nam. Trên thực tế, doanh nghiệp Mỹ rất coi trọng thị trường Việt Nam và trông đợi để đầu tư vào đây. Tuy nhiên, có những điều cần phải khắc phục triệt để nhằm tạo cơ hội cho họ đầu tư.

the gioi choi theo luat cua My anh 1
Đại diện phía Mỹ và Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm "Gặp gỡ Hoa Kỳ". Ảnh: Hồng Duy

Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp Mỹ không có tính kiên nhẫn. Họ luôn thúc ép để đẩy nhanh thủ tục đầu tư. Vì thế, Việt Nam cần có những quy định dễ hiểu, dễ tiếp cận. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần nâng cấp toàn diện cơ sở hạ tầng. Ở thời điểm hiện tại, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng giữa các tỉnh thành của Việt Nam chưa đồng đều.

Để hợp tác diễn ra thuận lợi, phía Mỹ cho rằng, Việt Nam cần có những bước chuẩn bị cụ thể, nhằm sẵn sàng hòa mình vào TPP khi hiệp định này có hiệu lực. Việt Nam cần tận dụng tốt những cơ hội mà TPP mang lại.

Những trăn trở của doanh nghiệp Mỹ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đó là thắc mắc hợp lý. Trên thực tế, môi trường làm việc, lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng không chỉ có ý nghĩa với các doanh nghiệp Mỹ mà còn quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam.

Tuy nhiên, để tạo ra lực lượng lao động có khả năng cạnh tranh hay cơ sở hạ tầng thuận lợi cần có thời gian. Hiện tại, thay đổi thể chế là việc Việt Nam cần và có thể làm ngay. Ông Lộc cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ cần phải tin tưởng điều này.

Theo ông Lộc, đây là mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra. Việt Nam sẽ tiếp tục học tập kinh nghiệm điều hành từ quốc tế, giúp thăng hạng về môi trường cạnh tranh và năm lực kinh doanh. Trong năm 2016, Việt Nam quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh để xếp trong 4 nước tốt nhất ASEAN và tốt hơn cả quốc gia láng giềng phía bắc.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng đặt ra câu hỏi rằng, liệu Mỹ có thể trở thành nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam. Nếu có, khi nào điều này sẽ trở thành hiện thực. Trong quá khứ, Mỹ khó để trở thành nhà đầu tư số 1 Việt Nam nhưng với TPP, Mỹ đã có cơ hội.

TPP là chuỗi kinh tế lớn nhất toàn cầu và Mỹ đứng đầu trong chuỗi đó. Ngược lại, Việt Nam xếp cuối cả về tiềm lực công nghệ cũng như sự phát triển. Việt Nam và Mỹ không cạnh tranh trực diện mà sẽ là quan hệ hợp tác, đôi bên cùng có lợi.

“Nếu Mỹ muốn thuyết phục cả thế giới chơi theo luật chơi của Mỹ, hãy thuyết phục Việt Nam và giúp cho Việt Nam thành công”, ông Lộc nhận định.

Triển vọng hợp tác Việt – Mỹ 5 năm tới

Đề cập tới quan hệ hợp tác song phương, các quan chức Mỹ tái khẳng định quan điểm ủng hộ một Việt Nam tự do, thịnh vượng và độc lập. Việt Nam đã gửi thông điệp tích cực cho thế giới, ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn tìm đến đây đầu tư. Mỹ cũng mong muốn trở thành nhà đầu tư số 1 của Việt Nam.

Phía Mỹ đề nghị Việt Nam nhanh chóng phê chuẩn TPP và thực hiện nghiêm túc các điều khoản của hiệp định, đặc biệt là quyền của người lao động, sở hữu trí tuệ, xuất xứ sản phẩm và các rào cản khác. Mỹ cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết.

“Tôi nghĩ cuộc gặp gỡ hôm nay là cơ hội để thảo luận, làm sâu sắc hơn quan hệ của chính phủ và doanh nghiệp Việt – Mỹ, cũng như giữa doanh nghiệp Mỹ với các tỉnh thành Việt Nam. Đầu tư của Mỹ giúp nâng cao công nghệ, năng lực quản lý cho danh nghiệp. Nó quan trọng để Việt Nam có vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Đại sứ Mỹ Ted Osius nhận định.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, hợp tác Việt - Mỹ giúp đôi bên cùng có lợi. Việt Nam là cửa ngõ để Mỹ tiến vào khu vực trong bối cảnh Washington chuyển trọng tâm châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, Mỹ có công nghệ và khoa học kỹ thuật để Việt Nam có thể học tập.

Ngoài ra, hơn 2 triệu trong số 5 triệu kiều bào Việt Nam sống ở Mỹ nên đây là cầu nối để giao lưu văn hóa, thúc đẩy quan hệ song phương, cũng là điều kiện để doanh nghiệp Mỹ tiến vào thị trường Việt Nam. Việt Nam lại có sự ổn định chính trị cao, là một thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ yên tâm khi đầu tư.

 

Obama lạc quan về khả năng Quốc hội Mỹ thông qua TPP

Tổng thống Barack Obama ngày 22/2 cho biết ông "lạc quan một cách thận trọng" rằng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm