Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học từ WTO, hệ thống ngân hàng nên cẩn trọng trong TPP

Bài học về việc phân bổ nguồn vốn chưa hợp lý trong giai đoạn WTO là điều mà hệ thống ngân hàng cần cẩn trọng với TPP sắp tới để tránh xảy ra bong bóng thị trường.

Nhiều chuyên gia độc lập nhận định, trong điều kiện các yếu tố thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.

Theo các nghiên cứu này, Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất trong 12 nước thành viên TPP. Đây là thời điểm hệ thống ngân hàng cần có sự chuẩn bị tốt nhất sẵn sàng hội nhập, đã đến lúc hệ thống tài chính cần chuyển sang hình thái khác. Thay vì đi đàm phán thì chúng ta cần nhanh chóng tham gia vào các hiệp định dù đó là thách thức. Đây là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế một cách toàn diện.

He thong ngan hang anh 1
Việt Nam cần những phân bổ nguồn vốn linh hoạt hơn trong TPP

Tuy nhiên đại diện của NHNN cho rằng, việc đàm phán các điều khoản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đang là điều hết sức thận trọng vì đây chính là trụ đỡ của toàn ngành kinh tế. Thông thường các FTA đã ký kết lĩnh vực tài chính được thể hiện cam kết dưới dạng phụ lục thì với TPP mức cam kết thể hiện bằng một chương. Đó là một thay đổi lớn và tầm quan trọng của lĩnh vực tài chính trong TPP nên việc cẩn trọng là hết sức cần thiết.

Điều dễ nhận thấy là trong mỗi giai đoạn hội nhập các doanh nghiệp không có chiến lược dài hạn để tạo ra giá trị mà chuyển ra định hướng kỳ vọng vào tương lai. Bi kịch lớn chính là hệ thống ngân hàng cũng bị cuốn theo những kế hoạch ngắn hạn rải vốn vào những dự án đầu cơ tạo nên những bất ổn. Việc cần làm lớn nhất lúc này chính là việc doanh nghiệp làm sao kiểm soát được kỳ vọng.

Nhiều chuyên gia cho rằng bài học nhãn tiền từ việc kỳ vọng quá nhiều vào WTO sẽ khiến cho các doanh nghiệp cũng như nhà quản lý gặp rắc rối lớn. Như vậy, hệ thống tài chính, tiền tệ cần phải tỉnh táo trước luồng hội nhập mạnh mẽ sắp tới. Việc phân bổ nguồn vốn nên tập trung vào những lĩnh vực hỗ trợ gia tăng giá trị hơn là các kênh đầu tư sinh lời.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình giảng dạy Fulbright, trong khoảng 10 năm qua tăng trưởng GDP tới 80%. Tuy nhiên có điều lạ là chỉ số thu lời của các kênh đầu tư (vàng, BĐS, chứng khoán) không có kênh nào có mức sinh lợi danh nghĩa cao hơn lạm phát bình quân. Tức là bỏ tiền đầu tư vào các kênh đầu tư hầu như không có mức dương về lợi nhuận. Vậy câu hỏi đặt ra rằng sau 10 năm mức lợi nhuận đầu tư của chúng ta đi đâu?

Nhiều báo cáo gần đây cho thấy, hầu hết các thành phần có được lợi nhuận lớn cũng chỉ là các doanh nghiệp đầu tư vào BĐS, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, giá trị gia tăng của các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào FDI. 

Thực tế, từ giai đoạn 2006 đến 2010 rất nhiều doanh nghiệp tập trung vào đầu cơ thay vì hướng đến kinh doanh ngành nghề cốt lõi. Điều này đã tạo nên bong bóng ở hầu hết các lĩnh vực đầu tư tạo nên sự mất cân bằng rất lớn cho thị trường tiền tệ. Trong đó, hệ thống ngân hàng đang là nguyên nhân tạo ra những trục trặc này khi nguồn vốn giải ngân tập trung vào mua bán sở hữu chéo thay vì đổ vốn vào hoạt động kinh doanh.

“Thời điểm đó, ai cũng suy nghĩ mình thông minh hơn thị trường, nếu thị trường sắp nổ bong bóng sẽ bán hạng mục đầu tư ra kiếm lời. Ai cũng nghĩ mình là người ôm bom cuối cùng nhưng thực sự lúc đó trong tay ai cũng có một quả bom rồi, việc chuyển nhượng lại cho người khác dường như là không thể", ông Huỳnh Thế Du chia sẻ.

Tuy nhiên việc tham gia sâu vào hội nhập là điều không thể chậm trễ trong bối cảnh hiện tại. Vấn đề làm thế nào để chúng ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình? Một lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, điều này cần có một cú hích lớn. Cú hích mạnh tới đâu thì tùy vào mức độ tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Đó là con đường duy nhất và khả thi nhất  để đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng vụ chính sách đa biên, Bộ Công Thương cho rằng: “Hiện tại chúng ta đã có bước chuẩn bị khá ổn, đã đến lúc chúng ta chuyển sang hình thái khác. Thay vì đi đàm phán thì chúng ta cần nhanh chóng tham gia vào các hiệp định dù đó là thách thức. Đây là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế một cách toàn diện."

Theo đó, có 3 lĩnh vực có thể tận dụng được cơ hội này là tài chính vĩ mô, tài chính ngân hàng và doanh nghiệp. Đây là khu vực bơm máu cho thị trường để duy trì sự ổn định. Việc tham gia vào TPP thì quốc gia nào cũng phải có những thiệt thòi để đánh đổi lấy những lợi ích. Điều quan trọng là mức độ đáp ứng của mỗi quốc gia ra sao để tận dụng lợi ích tốt nhất và hạn chế tốt đa những thiệt thòi.

Ông Huỳnh Thế Du chia sẻ: “Tôi sợ dòng vốn FPI (đầu tư gián tiếp vào ngân hàng) đổ về Việt Nam quá nhiều sẽ làm cho các kênh đầu tư như thị trường chứng khoán, bất động sản nóng lên. Như vậy những trục trặc về chính sách tài chính, tiền tệ như thời WTO rất dễ xảy ra. Còn lại những vấn đề về cạnh tranh của các hệ thóng ngân hàng thì không đáng lo lắm, vì ngân hàng trong nước vẫn có những lợi thế nhất định.”


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm