Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: IHS |
Trong một bài phân tích, trang tin CFR.org đã chỉ rõ những thách thức chính trị mà nước Mỹ phải đương đầu trong năm 2016, một năm được coi là đầy biến động. Những vấn đề nổi cộm nhất của năm mới là sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, hỗn loạn ở Trung Đông, căng thẳng châu Á và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Nước Mỹ cần tìm câu trả lời cho hàng loạt câu hỏi lớn trong năm 2016.
Vấn đề Biển Đông
Câu hỏi lớn với Mỹ là việc Trung Quốc sẽ leo thang căng thẳng như thế nào ở Biển Đông vào năm 2016? Hiện tại, Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Trung Quốc cũng đang tiến hành các hoạt động bồi lấp phi pháp nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.
Mỹ luôn xác định họ không phải một bên trong tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, Washington có những lợi ích cốt lõi ở vùng biển này. Nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, Mỹ đã đưa tàu chiến và máy bay áp sát các đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc đang bồi lấp trong năm 2015. Hành động của Mỹ là lời bác bỏ mạnh mẽ với cái gọi là yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Trung Quốc vẫn lên tiếng phản đối các động thái của Mỹ dù các biện pháp chỉ dừng lại trên phương diện ngoại giao. Dẫu vậy, Mỹ phải tính tới khả năng Bắc Kinh gây ra các sự cố trên biển hoặc tai nạn với các phương tiện quân sự của Washington và đồng minh trong khu vực. Trong trường hợp Bắc Kinh tiếp tục sử dụng các biện pháp phản đối trên phương diện ngoại giao, Mỹ cần tìm cách đối phó với việc Trung Quốc tạo ra các “việc đã rồi” trên Biển Đông.
Động thái bất ngờ từ Nga
Năm 2014, Nga bất ngờ sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine. Năm 2015, Moscow phát động chiến dịch không kích ở Syria. Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần khiến Mỹ ngạc nhiên và trở tay không kịp trong quá khứ, liệu ông có lặp lại các sự việc tương tự trong năm 2016? Nếu có, Mỹ cần tìm hiểu đó là gì và xảy ra ở đâu.
Sự trỗi dậy của Iran
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 giúp Tehran từng bước thoát khỏi các lệnh cấm vận quốc tế. Nhà Trắng hay các quốc gia khác cần có chiến lược để đối phó với sự trỗi dậy của một Iran tràn đầy sinh lực. Khi các biện pháp trừng phạt được tháo dỡ, Iran có thể nhận 100 tỷ USD bị chặn trong những năm qua. Nó giúp thúc đẩy nền kinh tế Iran và giúp Tehran có thêm tiềm lực để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và thế giới.
Nhà Trắng hy vọng thỏa thuận hạt nhân làm thay đổi mối quan hệ Iran với phương Tây và thậm chí là thay đổi Iran. Tuy nhiên, chính sách “cây gậy và củ cà rốt” có thể giảm thiểu cơ hội Tehran lật đổ chính quyền ở các nước láng giềng và ngăn chặn nhà nước Cộng hòa Hồi giáo sở hữu vũ khí hạt nhân?
Suy thoái kinh tế toàn cầu
Tăng trưởng kinh tế 2 con số của Trung Quốc tạo ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ trên thế giới và nhiều quốc gia bị phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm xuống mức dưới 7%, và có thể tiếp tục sụt giảm. Trong khi đó, giá dầu thế giới đang giảm mạnh trong nhiều năm trở lại đây, gây tác động nghiêm trọng tới ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ toàn cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang tìm cách tăng lãi suất mà không làm ảnh hưởng tới sự phục hồi nền kinh tế yếu kém của Mỹ.
Việc thế giới không có nền kinh tế lớn sẵn sàng bước vào thời kỳ bùng nổ khiến bức tranh kinh tế toàn cầu nhuốm gam màu tối và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ảnh hưởng của chính trị và địa chính trị có thể sẽ rất lớn. Liệu Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng ở nước ngoài để bù đắp giai đoạn khó khăn nơi quê nhà? Các vấn đề quốc tế khác như khủng hoảng chính trị, khủng hoảng người di cư có thể tồi tệ hơn bởi sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế?
Châu Âu suy yếu
Trong những năm qua, các nước châu Âu phải đối mặt với một cuộc suy thoái lớn. Những kế hoạch thắt lưng buộc bụng khắc khổ chỉ đổi lại bằng sự phục hồi kinh tế yếu ớt. Nhiều cuộc khủng hoảng nợ làm dấy lên câu hỏi về sự tồn tại của khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn tiếp tục để lộ những bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia. Châu Âu có những giải pháp để giải quyết khủng hoảng nhưng dường như chúng chưa đủ. Nếu châu Âu không bứt phá trong năm 2016, liệu chúng ta sẽ phải nói tới việc chia rẽ của liên minh này – một trong những thành tựu vĩ đại nhất thời hậu Thế chiến II – vào năm 2017?