Những điểm nóng được cho là sẽ rải khắp thế giới trong năm 2016 hứa hẹn có nhiều biến động. Cuộc chiến chống khủng bố vẫn được nhiều nước đặt là mục tiêu hàng đầu, trong khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ ảnh hưởng trực tiếp không chỉ tới tình hình nước Mỹ mà còn với cả thế giới.
Cô lập khối ung thư IS
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, dự đoán cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ tiếp tục nhưng không thể có kết cục rõ ràng. Diễn biến thực địa vẫn là câu hỏi khó dự đoán.
Theo các chuyên gia, thời kỳ đỉnh cao của IS đã qua trong những quý đầu năm 2015. Lực lượng này sẽ ngày càng suy yếu. Ảnh: Getty |
Theo Tiến sĩ Trường, Mỹ chỉ đánh IS nửa vời, trong khi Nga đánh IS, nhưng theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, 90% của 4.000 vụ không kích là nhằm vào các lực lượng đối lập thân phương Tây chống chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Trung Đông hỗn loạn không hẳn là không có lợi cho các nước lớn.
Nếu Nga - Mỹ hợp lực có thể ép IS bật khỏi chiến trường chính. Nghị quyết cấm vận tài chính của Hội đồng Bảo an hôm 17/12 là đòn điểm huyệt chí mạng đối với IS. Nhà nước Hồi giáo tự xưng sau vài năm có thể chỉ còn trên danh nghĩa, tàn quân sẽ bám trụ ở Libya, Afghanistan, Pakistan, châu Phi....
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường là cựu đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan kiêm Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế. Ảnh: Hồng Duy |
“Tôi cho rằng, các nước lớn liên quan đều không muốn kết thúc cuộc chiến bằng cách tiêu diệt IS vì điều này không đơn giản. Nhưng vì không dễ và một vài lý do khác, họ muốn 'cô lập' cuộc chiến chống IS ở chiến trường chính Iraq - Syria hơn là làm cho nó 'di căn' sang các khu vực khác”, Tiến sĩ Trường cho biết.
Đối với châu Âu, mối nguy từ khủng bố vẫn là vấn đề nan giải, khó có thể kiểm soát. IS chắc chắn sẽ tiếp tục đẩy hỗn loạn sang châu Âu thông qua những vụ tấn công nhuốm màu cực đoan. Trong khi đó, EU đang yếu và chia rẽ vì nhiều vấn đề bất đồng, khiến toàn bộ khu vực dễ bị tổn thương.
Mỹ không để bị lấn át vai trò cường quốc số một
Về những ảnh hưởng của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tới tình hình thế giới trong năm 2016, Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, phân tích: Cả hai đảng của Mỹ đều chưa chọn được ứng viên cuối cùng cho cuộc đua quyền lực nhưng Washington vẫn có những chính sách nhất quán dù chiến thắng thuộc về phe nào.
Đối với đảng Dân chủ, nếu bà Hillary Clinton, ứng viên đang dẫn đầu cuộc đua vào Nhà Trắng trở thành tổng thống, chắc chắn châu Á sẽ được ưu tiên cao. Nó tác động tới chính sách tái cân bằng của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy Washington can dự mạnh mẽ hơn vào tình hình khu vực, trong đó có Biển Đông.
Với chính sách chống khủng bố, Mỹ có những cam kết rõ ràng trong nỗ lực tiêu diệt các phần tử cực đoan. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ đã đưa biệt kích tới Iraq để hợp tác với các lực lượng khác nhằm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Dù ai giành thắng lợi trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng xuyên suốt năm 2016, chính sách này vẫn tiếp tục được thực thi.
Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao. Ảnh: Duy Hiếu |
“Các nền quản trị toàn cầu đang có mâu thuẫn giữa một bên muốn duy trì trật tự thế giới như Mỹ với một bên muốn xóa bỏ hiện trạng nhằm gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế, chẳng hạn như Nga, Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ có chính sách nhất quán là không để đối thủ lấn át vai trò cường quốc số một thế giới mà họ đang nắm giữ”, Tiến sĩ Trần Việt Thái chia sẻ.
Dẫn chứng cho việc Mỹ vẫn chứng tỏ mình là cường quốc số một thế giới, ông Thái đề cập tới việc chiến hạm và máy bay Mỹ áp sát các đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi lấp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển huyết mạch bậc nhất thế giới. Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tuần tra trong năm 2016 và nó sẽ trở thành thông lệ.
Đề cập tới vai trò và vị trí của Tổng thống Barack Obama trong buổi “hoàng hôn nhiệm kỳ”, Tiến sĩ Trần Việt Thái cho rằng ông chủ da màu đầu tiên của Nhà Trắng đã làm mọi điều có thể. Trong năm 2015, ông Obama đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng, giảm tỷ lệ thất nghiệp, siết chặt một phần luật kiểm soát súng đạn và đạt được những thành tựu ngoại giao lớn như bình thường hóa quan hệ với Cuba hay đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Chắc chắn ông Obama sẽ tiếp tục để lại những dấu ấn nhất định trong năm 2016.
Nga và Mỹ phải hợp tác để giải quyết vấn đề Syria
Đây là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an về tương lai Syria trong năm 2016. Cũng theo tướng Cương, giải pháp chính trị cho vấn đề Syria chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cho cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở quốc gia này.
Cuộc khủng hoảng chính trị Syria có thể tìm được lời giải trong năm 2016. Ảnh: Getty |
Cuối năm 2015, Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết và lộ trình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và nội chiến ở Syria. Nghị quyết nêu rõ việc đình chiến giữa các phe phái, yêu cầu lực lượng đối lập đàm phán với chính quyền tổng thống Bashar al-Assad trước khi tiến hành tổng tuyển cử chọn ra chính quyền mới.
"Nghị quyết của Liên Hợp Quốc thể hiện ý nguyện của cộng đồng quốc tế, sự quan tâm của Đại hội đồng và sự thống nhất của Hội đồng Bảo an. Ngoại trừ IS, còn một vài nhóm đối lập Syria không chấp thuận nghị quyết về vấn đề Syria, điều khiến các lực lượng này khó có cơ hội tồn tại. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả. Xung đột ở Syria, về cơ bản sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với ổn định lâu dài ở quốc gia Trung Đông này", tướng Cương nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an. Ảnh: Công Khanh |
Tuy nhiên, hợp tác giữa Nga và Mỹ ở Syria không phải là toàn diện. Moscow và Washington sẽ bắt tay ở những lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi ích. Đối với những vấn đề bất đồng, hai bên có thể lảng tránh nếu như không đạt được thỏa thuận.
Vấn đề Syria cũng gây tác động tới cuộc khủng hoảng người di cư được coi là tồi tệ nhất từ Thế chiến II. Theo đó, dòng người vẫn tiếp tục đổ vào châu Âu nhưng cường độ giảm hơn so với năm 2015. Châu Âu chưa thể tìm ra biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dòng người liều mạng đi tìm miền đất hứa.
Biển Đông tiếp tục nóng
Đây là chia sẻ của Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, khi dự đoán về tình hình Biển Đông năm 2016.
Những tranh chấp đa phương trên Biển Đông, trong đó có tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia trong ASEAN hay các nước Đông Nam Á với Trung Quốc vẫn tồn tại. Ngoài ra, tranh chấp trên Biển Đông còn là quyền lợi hàng hải, hàng không hay cạnh tranh vị trí thống trị Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, chuẩn đô đốc Lâm nói.
Các hoạt động bồi lấp phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: CSIS |
Các tranh chấp trên Biển Đông đan xen lẫn nhau. Các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia... cũng có những quyền lợi và mối quan tâm đặc biệt với vùng biển này.
“Những sự kiện này không thể chấm dứt trong năm 2015 mà sẽ kéo sang năm 2016. Không chỉ Biển Đông mà biển Hoa Đông cũng sẽ khó bình yên trong năm tới. Thậm chí, ở một số thời điểm, tình hình trên các vùng biển này sẽ nóng bỏng hơn những gì diễn ra trong năm 2015”, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nhận định.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Về các hoạt động của Trung Quốc trong năm 2016, ông Lâm cho rằng Bắc Kinh sẽ gia tăng các động thái trên Biển Đông nhờ nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với năm ngoái. 2016 là thời điểm Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống. Sự chuyển giao quyền lực giữa chính quyền cũ và mới khiến Nhà Trắng có ít thời gian hơn để quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh có thể lợi dụng thời cơ để tăng cường các hoạt động.
Chuẩn Đô đốc Lâm kết luận: “Việt Nam cần cân bằng vị thế giữa các nước lớn. Chúng ta cần khéo léo dung hòa các mối quan hệ”.