Ngay sau khi CLB Hà Nội thông báo rằng tiền vệ Đỗ Hùng Dũng đạt thể trạng tốt, có thể thực hiện các bài tập nặng, HLV Park Hang-seo đã triệu tập anh lên tuyển Việt Nam. Trong buổi tập đầu tiên, Hùng Dũng cho thấy khả năng bắt nhịp anh với các đồng đội.
Đây là tín hiệu tích cực và cho thấy rằng HLV Park có thể cho Hùng Dũng ra sân ở AFF Cup 2020. Đây cũng là điều cần thiết, giúp ích cho quá trình trở lại của tiền vệ này. Trong một cuộc trao đổi với Zing, bác sĩ Phạm Quốc Hùng, người phẫu thuật cho Hùng Dũng, chia sẻ rằng tiền vệ CLB Hà Nội cần được thi đấu giao hữu, cọ xát nhiều để có thể lấy lại phong độ và sự tự tin cao nhất.
Tuy nhiên, HLV Park cần tính toán kỹ càng mỗi khi sử dụng tiền vệ này. Bởi lẽ, bài học sau những ca tái phát chấn thương của Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng vẫn còn đó.
Những bước chạy, động tác chạm bóng của Hùng Dũng đã rất ổn nhưng không nên sử dụng tiền vệ này một cách vội vàng. Ảnh: VFF. |
Thời điểm này, sau một khoảng thời gian dài chỉ tập hồi phục và không vận động mạnh, Hùng Dũng chưa đạt thể trạng tốt nhất. Bác sĩ Hùng chia sẻ: "Hùng Dũng chú ý tập lại cơ vì sau một khoảng thời gian dài không thi đấu, các nhóm cơ còn yếu và dễ gây chấn thương".
Những va chạm mạnh, trực diện có thể khiến Hùng Dũng tổn thương các phần cơ. Vì vậy, trong những cuộc đối đầu với Malaysia, Indonesia, tiền vệ này cần được ngồi ngoài. Ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 trên đất UAE, tuyển Việt Nam đã gặp ít nhiều khó khăn trước lối đá quyết liệt, không ngại va chạm trước 2 đối thủ này.
Trong cuộc đối đầu Indonesia, tuyển Việt Nam bị phạm lỗi 16 lần và đối thủ cũng phải nhận đến 5 tấm thẻ vàng. Thậm chí, tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh còn phải rời sân sớm sau khi bị đối phương triệt hạ. Cầu thủ quê Thái Bình phải vắng mặt ở 2 trận gặp Malaysia, UAE và mất khoảng một tháng để hồi phục hoàn toàn. Đến trận gặp Malaysia, tuyển Việt Nam bị phạm lỗi 20 lần. Giống Indonesia, các học trò ông Tan Cheng Hoe bị phạt cảnh cáo 5 lần.
Ngoài vấn đề tránh chấn thương do va chạm mạnh, việc không sử dụng Hùng Dũng trong các trận gặp những đối thủ khó như Malaysia, Indonesia cũng sẽ tốt cho tâm lý của tiền vệ này. Thông thường, sau những ca chấn thương nặng và mất nhiều thời gian để hồi phục, các cầu thủ có tâm lý ngại va chạm, sợ nhận bóng. Trong khi đó, với vai trò tiền vệ trung tâm, Hùng Dũng phải liên tục nhận bóng và đối mặt với những tình huống pressing từ đối thủ.
Tuấn Anh (số 11) từng mất một tháng để hồi phục chấn thương sau khi lĩnh cú vào bóng ác ý của hậu vệ Indonesia. Ảnh: Quang Thịnh. |
Bác sĩ Hùng cũng chia sẻ: "Vấn đề bây giờ là tâm lý của Hùng Dũng còn dè dặt, ngại va chạm. Hùng Dũng đang ngại mắc phải vấn đề như Đình Trọng, Văn Hậu. Đó là trở lại sớm và tái phát chấn thương".
Vì vậy, sẽ là lý tưởng hơn khi cho Hùng Dũng thi đấu với Lào, Campuchia, những đối thủ bị đánh giá thấp nhất bảng. Nếu cẩn thận, HLV Park có thể để tiền vệ này vào sân khi tuyển Việt Nam tạo ra khoảng cách an toàn về tỷ số. Khi đó, áp lực đối với Hùng Dũng là nhẹ nhàng hơn.
So với những trận giao hữu hay đấu tập nội bộ, các trận đấu ở AFF Cup 2020 rõ ràng có chất lượng tốt hơn dù đối thủ có là Lào hay Campuchia. Không khí tại một giải đấu chính thức sẽ giúp Hùng Dũng làm quen lại với việc thi đấu đỉnh cao. Từ đó, anh có thể lấy lại sự tự tin.
Một yếu tố khác là tuyển Việt Nam vẫn đang chơi tốt trước đối thủ trong khu vực Đông Nam Á khi vắng Hùng Dũng. Những chiến thắng trước Indonesia, Malaysia cho thấy điều đó. Hai đội bóng này đều có thực lực tốt và đã giành điểm trước tuyển Thái Lan ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022.
Vì vậy, tuyển Việt Nam cần Hùng Dũng ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 hơn. Sau 6 trận thua, tuyển Việt Nam cho thấy khoảng trống lớn ở tuyến giữa khi Hùng Dũng vắng mặt. Và AFF Cup 2020 nên được coi là môi trường để tiền vệ này lấy lại nhịp độ thi đấu đỉnh cao cũng như sự tự tin cao nhất.
Thời điểm này, Hùng Dũng chưa cần phải sắm vai trò trụ cột ở tuyển Việt Nam. Bởi lẽ, nếu cố gắng gượng ép sử dụng anh trong những trận cầu quan trọng, HLV Park có thể phải trả giá.