Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài học gì cho nhà bán lẻ sau vụ Big C Miền Đông đột ngột đóng cửa?

Theo ý kiến chuyên gia, thuê bất động sản để phát triển trung tâm thương mại, siêu thị cần tầm nhìn dài hạn 30 - 50 năm để tránh trường hợp không thỏa thuận được giá thuê mới.

Mới đây, Central Retail, đơn vị chủ quản hệ thống siêu thị Big C cho biết sẽ đóng cửa chi nhánh Big C Miền Đông do không thể gia hạn hợp đồng thuê mặt bằng.

Bình luận về sự việc này, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam với dân số gần 100 triệu người cùng với hành vi tiêu dùng tích cực được đánh giá là một miếng bánh hấp dẫn cho các nhà đầu tư phát triển các trung tâm bán lẻ. Tuy nhiên, thị trường đang có những khó khăn và thay đổi nhất định khiến không ít thương hiệu lón như Big C buộc phải thu nhỏ quy mô hoạt động của mình.

"Yếu tố đầu tiên là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua. Thứ hai, các mô hình siêu thị, trung tâm thương mại đang bị cạnh tranh bởi thương mại trực tuyến, đây được xem là một xu thế mới nổi của ngành bán lẻ trong mùa dịch. Cuối cùng, tốc độ cạnh tranh của các nhà bán lẻ trong nước đang ngày càng trở nên gay gắt, trở thành đối thủ đáng gờm cho các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam", ông Khương đánh giá.

Với 3 yếu tố này, ông cho rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài có mô hình kinh doanh không phù hợp với thị trường có ý định rút lui khỏi Việt Nam là điều dễ hiểu.

Big C Mien Dong dong cua anh 1

Từ bài học của Big C Miền Đông, chuyên gia nhận định thuê đất phát triển siêu thị và TTTM cần tầm nhìn dài hạn. Ảnh: Y Kiện.

Cùng với đó, ông cho rằng các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng về chiến lược mua hoặc thuê đất bởi đất phát triển trung tâm bán lẻ không giống như các loại hình bất động sản khác mà cần tầm nhìn dài hạn từ 30 - 50 năm.

Bên cạnh đó, khẳng định bài toán mặt bằng là một trong những yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, ông Khương cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà phát triển mặt bằng bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên các bên cũng cần linh động nếu cần thiết.

"Các bên cần cân nhắc kỹ điều khoản về những tình huống bất khả kháng có thể xảy ra khi hợp đồng còn hiệu lực để tránh thiệt hại cho cả đôi bên", ông nhấn mạnh thêm.

Trong 5 năm trở lại đây, chi phí mặt bằng ngày càng trở thành một sức ép lớn đối với không chỉ các SME mà cả những doanh nghiệp lớn. Vị trí của siêu thị Big C Miền Đông cũng được xem là một trong những khu vực có mật độ người dân sinh sống đông đúc, tập trung nhiều loại hình kinh doanh sôi động. Theo số liệu của Chợ Tốt Nhà, chi phí cho một mặt bằng có diện tích từ 90 - 100 m2 trên mặt tiền đường Tô Hiến Thành (quận 10) dao động ở mức 45 - 50 triệu đồng/tháng.

Trước bối cảnh cạnh tranh, chuyên gia của Savills Việt Nam nhận định để tồn tại ở thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có kế hoạch cắt lỗ hoặc thay đổi mô hình kinh doanh, tập trung vào những địa điểm mang tính đại diện cho thương hiệu và trả lại mặt bằng ở những vị trí không quan trọng để chuyển hướng sang loại hình kinh doanh mới.

"Nhiều nhà đầu tư thất bại ở Việt Nam do phát triển mô hình sai, tuy nhiên vẫn có những người tìm được mô hình phù hợp để giữ vững miếng bánh của mình trong thị trường này. Các nhà đầu tư như AEON, Lotte, Emart... vẫn đang mở rộng nhờ chiến lược kinh doanh phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng", ông Khương nói thêm.

Ngày 1/6, Siêu thị Big C Miền Đông (quận 10, TP.HCM) thông báo sẽ dừng hoạt động sau 20 ngày tới do không đạt được thỏa thuận về giá thuê mới từ bên cho thuê.

Đại diện Central Retail, đơn vị chủ quản hệ thống siêu thị Big C, cho biết đã cố gắng thỏa thuận gia hạn hợp đồng thuê mặt bằng. Tuy nhiên, các đề xuất mới của bên cho thuê khiến hai bên không thể thực hiện cam kết giá thấp cho người tiêu dùng, nên phải dừng hoạt động chi nhánh Big C Miền Đông.

Siêu thị Big C Miền Đông là một trong những siêu thị có diện tích “khủng” tại khu vực trung tâm TP.HCM với tổng diện tích lên tới 12.000 m2. Siêu thị này được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2009. Sau khi chi nhánh này đóng cửa, trên địa bàn TP.HCM còn có 7 siêu thị gồm Big C Trường Chinh, Big C Âu Cơ, Big C Phú Thạnh, Big C Gò Vấp, Big C An Lạc, Big C An Phú, Big C Thảo Điền.

Bất động sản dần phục hồi, mặt bằng bán lẻ vẫn ảm đạm

Trong trạng thái bình thường mới, nhu cầu về một số phân khúc bất động sản dần tăng trở lại. Tuy nhiên, làn sóng trả mặt bằng bán lẻ vẫn tiếp diễn.

Hết thời nhà phố chỉ cần dán một tờ A4 là tìm được khách thuê

Mặt bằng nhà phố cho thuê từng được các chủ kinh doanh săn đón một thời nay lâm vào cảnh khó khăn dưới tác động của Covid-19.

Hà Bùi

Bạn có thể quan tâm