Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hết thời nhà phố chỉ cần dán một tờ A4 là tìm được khách thuê

Mặt bằng nhà phố cho thuê từng được các chủ kinh doanh săn đón một thời nay lâm vào cảnh khó khăn dưới tác động của Covid-19.

Dạo quanh một số con đường mua sắm với hoạt động bán lẻ sôi động ở quận 1 (TP.HCM) như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi... hay Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai quận 3, đường 3/2 tại quận 10, tình trạng nhà phố cho thuê treo biển tìm khách thuê đồng loạt diễn ra ngày càng phổ biến, bất chấp lệnh cách ly xã hội đã được dỡ bỏ được tròn 1 tháng.

Hết thời được săn đón

Hơn tháng nay, ngày càng nhiều mặt bằng trống ở khu vực trung tâm được treo biển cho thuê, trong đó nhiều vị trí có 2 mặt tiền, ở khu vực ngã 3, ngã 4 đông đúc được chủ nhà dán những áp phích lớn để thu hút người thuê.

Theo ông Mai Triều Nguyên, một doanh nhân chuyên phân phối thiết bị công nghệ với nhiều mặt bằng ở vị trí đắc địa tại TP.HCM, đây là tình trạng chưa từng có tiền lệ đối với mặt bằng bán lẻ.

Ông cho biết trước đây, cho thuê một mặt bằng ở TP.HCM chỉ cần dán tờ giấy A4 nói muốn cho thuê là khách đã tìm đến rất nhiều, thậm chí hợp đồng cũ chưa hết đã có môi giới chốt cho hợp đồng sau.

Thế nhưng sau dịch Covid-19, nhiều chủ nhà còn đầu tư những tấm áp phích đỏ rực reo kín mặt tiền, nhiều nơi treo đến 2 tấm. Riêng trên một đoạn đường Hai Bà Trưng (quận 1) đã có đến 20 mặt bằng đang cho thuê.

"Trước kia, chỉ cần dán một tờ A4 là hàng chục người tìm đến hỏi thuê. Nhưng sau dịch mọi thứ đã khác", ông nói.

nha pho cho thue anh 1

Những căn nhà phố san sát nhau đồng loạt treo biển tìm khách thuê ngay giữa trung tâm TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Tương tự, chị Thanh Hà (35 tuổi) từng tìm một mặt bằng ở khu vực phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1) để mở cửa hàng quần áo nhập khẩu đầu tháng 2, tuy nhiên do dịch bệnh nên chị phải hoãn kế hoạch kinh doanh này.

"Khi đó tôi đã gọi cho một số môi giới để tìm mặt bằng, tuy nhiên chỉ hơn 1 tuần sau dịch bệnh bùng phát nên nhà tôi tạm dừng kế hoạch mở tiệm. Hơn 1 tuần nay, các môi giới gọi cho tôi liên tục mời đi xem nhà, muốn ở mặt đường nào cũng có. Dẫu vậy, vì tình hình dịch bệnh khó khăn nên tôi đành phải từ chối, hẹn đến 1-2 tháng sau nếu buôn bán khá hơn mới có nhu cầu", chị Hà nói.

Trong dịch Covid-19, nhà phố cho thuê được đánh giá là nhóm chịu tác động mạnh nhất với sự sụt giảm khách thuê lên đến 50%, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, về phía chủ nhà cũng đang ở trong "thế khó" do đã giảm giá thuê xuống mức rất thấp mà vẫn không có khách thuê. Anh Trần Linh, một môi giới nhà phố tại khu vực quận 1 cho biết chủ nhà đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan do không thể cho thuê mặt bằng.

"Khách cũ thì trả mặt bằng, khách mới thì không muốn thuê, mặt bằng để trống mỗi tháng chủ nhà cũng mất gần 100 triệu đồng, chưa kể nhiều người vay tiền mua nhà để cho thuê lại nên còn phải trả lãi vay hàng tháng", anh Linh chia sẻ.

Ngoài ra, anh cũng thông tin nhiều chủ nhà đã giảm 50% giá thuê cho khách hàng cũ trong mùa dịch, hoặc giảm 20-30% cho hợp đồng thuê mới, tương đương 15-20 triệu đồng/mặt bằng nên rất khó có thể giảm hơn nữa.

Khách thuê đua trả mặt bằng

Không chỉ tại TP.HCM, những địa điểm có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như khu vực trung tâm Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, trục đường Kim Mã, khu vực Cầu Giấy và Đống Đa thường được biết đến với tình trạng luôn hiếm mặt bằng cho thuê và giá thuê tương đối cao, đã có một lượng lớn khách thuê trả lại mặt bằng.

Theo bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao dịch vụ cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho biết thực tế này là hệ quả của hai nguyên nhân chính, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của chủ thuê.

nha pho cho thue anh 2

Mặt bằng khu vực quanh Hồ Gươm có giá cho thuê không dưới 100 triệu đồng/tháng. Ảnh: PV.

"Tuy vậy Covid-19 đã khiến gần 50% lượng khách thuê trả lại mặt bằng. Hơn nữa, lệnh đóng cửa, kiểm soát biên giới của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng tới nguồn cung cấp hàng cho các hoạt động kinh doanh tại khu phố trung tâm, khiến việc tiếp tục kinh doanh gần như không thể. Hiện nay, chuỗi cửa hàng phục vụ khách du lịch đang phải tái cấu trúc, chọn ra những cửa hàng có doanh thu tốt và tiềm năng để duy trì hoạt động", bà Diệu Trang phân tích thêm.

Bà Trang nhấn mạnh: “Một lý do quan trọng khác nằm ở các hoạt động kinh doanh dịch vụ và du lịch tại phố cổ. Trong trường hợp không có khách, việc cố gắng giảm giá cho thuê cũng chưa đủ để duy trì hoạt động kinh doanh tại đây. Ngành thời trang với nguồn hàng nhập từ Trung Quốc, phục vụ giới trẻ thường tập trung nhiều ở trục phố Hàng Bông, Kim Mã, và hai mảng thị trường lớn ở Cầu Giấy và Đống Đa. Một khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đó sẽ là ảnh hưởng mang tính dây chuyền”.

Một khảo sát về khách thuê bán lẻ của Savills trong quý I cho thấy 57% lượng người tham gia mong muốn chủ nhà giảm 40-50% giá thuê và 31% yêu cầu miễn giá thuê.

Việc giảm giá quá nhiều cũng tạo sức ép lên chủ nhà. Khảo sát cho thấy có sự miễn cưỡng đối với việc giảm giá thuê quá nhiều, phần lớn chủ nhà chỉ đưa ra các giải pháp hài hòa trong hỗ trợ về giá về thanh toán và áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định.

Theo chuyên gia đánh giá, do tính phụ thuộc vào các thị trường khác trong chuỗi cung ứng cao nên bất động sản thương mại vẫn sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian, không thể khôi phục theo ngày hay theo tháng.

Văn phòng cho thuê, co-working space đồng loạt giảm giá

Tỷ lệ trống trong các tòa nhà văn phòng ghi nhận tăng nhẹ trong quý I, dự báo xu hướng này sẽ còn gia tăng trong quý II, khiến các chủ đầu tư phải giảm giá cho thuê.

Nhà đầu tư ngoại tăng gom bất động sản Việt

Trong khi thị trường bất động sản tăng trưởng chậm đầu năm, không ít nhà đầu tư nước ngoài vẫn đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội cho các thương vụ M&A giá hời.

Hà Bùi

Bạn có thể quan tâm