Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước. Ảnh: Thuận Thắng. |
Cuối phiên làm việc của kỳ họp bất thường lần thứ 3 của Quốc hội khóa XV, diễn ra chiều 18/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo tới các đại biểu Quốc hội bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ thực hiện quyền Chủ tịch nước cùng nhiệm kỳ.
Điều 93 của Hiến pháp quy định: “Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới”.
Phó chủ tịch nước là chức danh do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội; giúp Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và có thể được Chủ tịch nước ủy nhiệm thay Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ.
Đây không phải lần đầu tiên nhân sự Chủ tịch nước thay đổi giữa nhiệm kỳ. Cuối tháng 9/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang do mắc bệnh hiểm nghèo đã từ trần sau hơn 2 năm giữ cương vị người đứng đầu Nhà nước. Khi ấy, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là Phó chủ tịch nước đã được giao quyền Chủ tịch nước trong khoảng thời gian một tháng, đến khi Quốc hội khóa XIV bầu Chủ tịch nước mới.
Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp gần nhất sắp tới, dự kiến diễn ra vào tháng 5. Tuy nhiên, luật cũng quy định Quốc hội có thể họp bất thường theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bầu ra Chủ tịch nước.
Bà Võ Thị Ánh Xuân sinh năm 1970, quê ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Bà Xuân là Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa XI và là Ủy viên Trung ương 2 khóa XII và XIII; là đại biểu Quốc hội khóa XIV; Bí thư Tỉnh ủy An Giang. Bà được Quốc hội khóa XV bầu giữ cương vị Phó chủ tịch nước trong kỳ họp đầu tiên vào tháng 4/2021.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.