Theo Guardian, chuyến thăm Moscow của bà Merkel sẽ là chương cuối cùng trong mối quan hệ kéo dài hơn một thập kỷ của 2 chính trị gia quyền lực nhất châu Âu.
Mặc dù thường xuyên trong trạng thái căng thẳng và đôi khi là đối đầu, mối quan hệ giữa bà Merkel và ông Putin vẫn chưa bao giờ rạn nứt.
Bà Merkel và ông Putin là những người đã định hình châu Âu trong vòng 2 thập niên qua. Ảnh: Reuters. |
Căng thẳng nhưng chưa bao giờ rạn nứt
Vào năm 2001, ông Putin lần đầu xuất hiện trước Quốc hội Đức sau khi trở thành tổng thống Nga để có bài diễn văn trôi chảy bằng tiếng Đức, kêu gọi đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố. Bà Merkel, khi đó là chủ tịch đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), được cho là đã bày tỏ sự hoài nghi về ông Putin, một cựu điệp viên KGB.
Trong nhiều cuộc gặp gỡ sau đó, cả ông Putin và bà Merkel chưa từng thể hiện sự thoải mái, dù là nói chuyện bằng tiếng Đức hay tiếng Nga. Tuy vậy, phong cách chính trị trái ngược và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau của hai nhà lãnh đạo luôn khiến cho người ta chú ý đến các cuộc gặp thượng đỉnh giữa họ trong 2 thập niên qua.
"Không có chính trị gia nào trên thế giới có thể làm tốt hơn trong việc giữ mối quan hệ cá nhân bất chấp các mâu thuẫn trong một thời gian dài (như bà Merkel và ông Putin)", báo Suddeutsche Zeitung của Đức bình luận trước chuyến thăm của bà Merkel.
Báo Guardian đánh giá sự hoài nghi của bà Merkel với ông Putin phần nào đã được minh chứng qua các sự kiện xảy ra trong vòng 15 năm qua.
Trong một cuộc gặp diễn ra ở Sochi vào năm 2007, ông Putin đã gọi chú chó labrador của mình là Koni vào phòng khi đang hội đàm với bà Merkel. Bà Merkel, người từng bị chó cắn vào năm 1995, thể hiện rõ sự không thoải mái.
"Tôi hiểu tại sao ông ấy phải làm làm vậy - để chứng minh ông ấy là đàn ông", bà Merkel nói với các phóng viên sau cuộc gặp.
Ông Putin gọi chú chó Koni của mình vào phòng trong cuộc gặp với bà Merkel tại Sochi hồi năm 2007. Ảnh: AP. |
Không chỉ vậy, khi nhiều chính trị gia phương Tây ủng hộ việc cô lập Putin, bà Merkel và ông Macron đã kêu gọi EU duy trì việc đối thoại trực tiếp với tổng tống Nga.
Khi bà Merkel bước vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, các đồng minh của ông Putin tin rằng thủ tướng Đức sẽ tìm cách để tạo ra một bước đột phá trong các cuộc đàm phán về xung đột ở miền Đông Ukraine.
Thỏa thuận Minsk - cuộc đàm phán hòa bình do bà Merkel chủ trì giữa Đức, Pháp, Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn - vẫn đang bế tắc.
Bà Merkel quá mềm mỏng với ông Putin?
Cuộc gặp giữa bà Merkel và ông Putin hôm 20/8 cũng diễn ra vào dịp kỷ niệm một năm vụ chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny bị trúng độc. Chính bệnh viện Charite ở Berlin là đơn vị đã xác nhận ông Navalny nhiễm chất độc thần kinh novichok, mặc dù kết luận này bị phía Nga bác bỏ.
"Vụ việc vẫn chưa được giải quyết này tất nhiên sẽ gây căng thẳng cho mối quan hệ của chúng ta với Nga", ông Steffen Seibert, người phát ngôn của bà Merkel, trả lời báo chí trước chuyến thăm của thủ tướng Đức.
Những ý kiến phê bình khác cho rằng bà Merkel đã quá mềm mỏng với Nga. Chuyến thăm cuối cùng của bà Merkel tới Moscow với tư cách thủ tướng Đức cũng diễn ra khi dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 - đường ống khí đốt nối Nga và Đức - sắp hoàn thành. Dự án này sẽ cho phép Nga đưa khí đốt tự nhiên trực tiếp tới Đức mà không cần đi qua các quốc gia Đông Âu.
Các nhà phân tích cho rằng Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ giúp Nga gây áp lực đáng kể tới khu vực Đông Âu, vì Moscow hoàn toàn có thể cắt khí đốt tới các quốc gia này mà không ảnh hưởng đến nguồn cung cho Tây Âu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã gọi đường ống này là "vũ khí mạnh mẽ được trao cho Nga". Ông Zelenskiy được cho là rất thất vọng sau khi Mỹ và Đức thông báo về việc đạt được thỏa thuận cho phép tiến hành xây dựng đường ống này.
Bà Merkel cho biết Đức sẽ phản ứng nếu Nga sử dụng việc cắt giảm khí đốt để gây áp lực lên Ukraine. Thủ tướng Đức cũng dự kiến đến thăm Kyiv vào ngày 22/8, điều dường như là một nỗ lực nhằm xoa dịu các lo ngại của Ukraine.
"Tôi không ngần ngại khi chỉ trích ông ấy", bà Merkel từng nói và cho biết mình không bao giờ do dự thách thức ông Putin trong các cuộc gặp trực tiếp.
Dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) đang chuẩn bị hoàn thành, sẽ giúp đưa khí đốt tự nhiên trực tiếp từ Nga tới Đức mà không cần đi qua Đông Âu. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, lời kêu gọi đàm phán trực tiếp với ông Putin của bà Merkel đang ngày càng đối mặt với những phản ứng dữ dội từ phía EU, nơi một số người bắt đầu tin rằng không thể dùng lý lẽ để tranh luận với nhà lãnh đạo Nga.
"Nhìn chung, chúng ta có nhiều mâu thuẫn với Nga, đáng tiếc là điều đó khiến cho mối quan hệ của chúng ta trở nên rất khó khăn", bà Merkel nói trước Nghị viện của Hội đồng châu Âu ở Strasbourg hồi đầu năm nay.
"Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta phải luôn thảo luận", thủ tướng Đức nói.