Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ASEAN xoay sở khéo giữa vòng tay Trung, Mỹ

Mặc dù nâng cấp quan hệ với Mỹ trên một số lĩnh vực, Malaysia và một số nước thuộc ASEAN vẫn không tỏ ra xa cách hay đối đầu với Trung Quốc nhằm duy trì sự ổn định.

Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây tới Malaysia để dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Tại cả hai sự kiện, ông tái khẳng định cam kết chiến lược của Mỹ đối với châu Á. Song, theo New York Times, phần lớn thành viên ASEAN đều phản ứng như vài năm gần đây: Họ tỏ ra chừng mực khi hoan nghênh cam kết của Mỹ.

Chiến thuật cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc đồng nghĩa với việc các nước phải giữ khoảng cách với Mỹ, hoặc thậm chí phớt lờ nguyện vọng của Washington trong vài thời điểm. Mặc dù vậy, theo nhiều nhà phân tích, chính quyền Obama nên hoan nghênh chiến thuật ấy. Việc một số nước nhỏ và trung bình trong ASEAN giữ khoảng cách với Mỹ là điều tốt cho sự ổn định trong khu vực, và cũng tốt đối với Washington.

Đa số thành viên ASEAN không ngả hẳn về phía Washington. Ngay cả khi các chính phủ Malaysia, Singapore và Indonesia tỏ ra lo ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông, họ vẫn muốn giữ hòa khí với Bắc Kinh thay vì đối đầu trực diện.

Ông Najib Razak, Thủ tướng Malaysia, cố gắng duy trì tình trạng cân bằng trong quan hệ với hai cương quốc Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Ông Najib Razak, Thủ tướng Malaysia (trái), cố gắng duy trì tình trạng cân bằng trong quan hệ với hai cương quốc Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hình mẫu Malaysia

Có thể lấy Malaysia, nước chủ trì Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 vào tháng 11, làm một ví dụ. Để đối phó những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông, từ năm 2013, Thủ tướng Najib Razak đã nâng cấp dần quan hệ với Mỹ bằng cách tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hợp tác chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và cho phép phi cơ do thám Mỹ sử dụng các đường băng, tàu Mỹ neo đậu ở các cảng của Malaysia.

Tuy nhiên, chính phủ Najib vẫn khẳng định việc họ mở rộng những hoạt động quốc phòng với Mỹ không liên quan tới việc chống Trung Quốc. Trên thực tế, Kuala Lumpur cũng phát triển quan hệ quân sự gần gũi hơn với Bắc Kinh. Trong chuyến công du Malaysia của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 10/2013, hai nước nâng cấp quan hệ lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”.

Hồi tháng 9, Malaysia và Trung Quốc tập trận song phương lần đầu tiên ở Eo biển Malacca. Đây là cuộc tập trận lớn nhất giữa Trung Quốc với một nước thuộc ASEAN. Tháng trước, Malaysia cho phép các tàu Trung Quốc neo đậu tại Kota Kinabalu, cảng gần Biển Đông.

Mối quan hệ quân sự ngày càng khăng khít giữa Malaysia với Trung Quốc, bổ trợ cho quan hệ kinh tế sôi động giữa hai nước. Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trên thế giới.

Song Kuala Lumpur cũng không ngả hẳn vào vòng tay Bắc Kinh. Vừa tiếp tục nâng tầm quan hệ với Mỹ, họ cũng sử dụng các diễn đàn của ASEAN và các định chế đa phương khác để giảm thiểu nguy cơ từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thân mật vừa phải với Mỹ

Malaysia không phải là quốc gia duy nhất theo đuổi chiến thuật “thân mật vừa phải” với Mỹ và Trung Quốc. Phần lớn nước thuộc ASEAN (trừ Philippines) và các đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương (như Hàn Quốc, Australia) đều đã thể hiện sự đồng thuận với Trung Quốc trong một số vấn đề, song vẫn đối đầu với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề khác.

Tổng thống
Tổng thống Benigno Aquino của Philippines (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự một sự kiện trong Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila hôm 18/11. Ông Aquino là một trong những người tỏ ra quyết liệt trong việc đối đầu với Trung Quốc. Ảnh: AP

Nhiều nước thúc đẩy quan hệ thương mại khăng khít hơn với Bắc Kinh, gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng, hợp tác với Trung Quốc trong những dự án lớn về thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng.

Một số nước thể hiện sự ủng hộ đối với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc và tham gia Diễn đàn Hương Sơn – một hội nghị về an ninh do Bắc Kinh tổ chức.

Thậm chí một số nước cử người dự lễ duyệt binh hoành tráng ở Bắc Kinh hồi tháng 9 để kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, dù các quan chức cấp cao của Mỹ và các nước đồng minh không tham gia sự kiện.

Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Hiện tại các nước nhỏ và trung bình ở châu Á cũng đang cố gắng giảm nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc. Một số nước, như Indonesia, từ chối hoặc tránh xa những sáng kiến của Bắc Kinh – như đề xuất thực hiện những cuộc tập trận chung với các nước ASEAN trên Biển Đông. Những nước khác phản ứng thận trọng với ý tưởng “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc.

Trong thời gian qua, các nước ASEAN quốc tế hóa vấn đề Biển Đông bằng cách đưa nó ra các diễn đàn đa phương với ASEAN là nòng cốt. Họ khẳng định sự cần thiết của việc ban hành các quy tắc ứng xử trên những vùng biển tranh chấp, đồng thời tăng cường quan hệ quân sự với nhiều cường quốc.

Đây là hành động logic. Giữ khoảng cách là biện pháp để tránh đối đầu trực diện với Mỹ hoặc Trung Quốc, đồng thời kiểm soát những rủi ro mang tính hệ thống trong việc đối phó với mọi cường quốc.

Chiến thuật này càng hợp lý hơn ở Đông Nam Á trong thời đại ngày nay, bởi dư luận vẫn lo ngại về mức độ bền vững trong cam kết của Mỹ đối với châu Á, những toan tính của Trung Quốc trong tương lai hay hướng phát triển của quan hệ Mỹ - Trung.

Như vậy, Mỹ và Trung Quốc nên chấp nhận và khuyến khích chủ trương cân bằng quan hệ của các nước ASEAN, một phần vì nó sẽ là yếu tố duy trì sự ổn định trong khu vực bằng cách ngăn chặn sự phân cực sức mạnh. Nó cũng đảm bảo tính trung lập và trung tâm của ASEAN với tư cách là nền tảng để thảo luận và duy trì an ninh, sự thịnh vượng của khu vực.

Thúc ép hay lôi kéo các cường quốc trong khu vực “chọn phe” sẽ chỉ dẫn tới vòng luẩn quẩn “ra đòn và trả đũa”, làm tăng căng thẳng giữa hai Mỹ và Trung Quốc.

Có thể, Washington không hài lòng với kiểu “hợp tác giữ kẽ” của các nước như Malaysia, song kiểu quan hệ ấy tốt cho Malaysia, khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và cả Mỹ.

Vì sao quân đội Trung Quốc chuyển đổi theo mô hình Mỹ?

Quân số nghĩa vụ quá lớn, kém chuyên nghiệp, tập trung vào lực lượng mặt đất không phù hợp với tác chiến công nghệ cao là lý do khiến quân đội Trung Quốc chuyển sang mô hình Mỹ.

Linh Phong

Bạn có thể quan tâm