Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Philippines tự tin trong vụ kiện Trung Quốc

Một tuần điều trần vụ kiện của Philippines với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đã kết thúc ngày 30/11, với sự tự tin chiến thắng của chính phủ Philippines.

Vùng bồi lấp đất do Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, bà Abigal Valte, cho biết, đoàn Philippines đã đề nghị Tòa án trọng tài thường trực (PCA) xác nhận những quyền của nước này với các khu vực trong vòng 200 hải lý kể từ đường bờ biển, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

"Chúng tôi đã trình bày tất cả lập luận để củng cố cho nội dung chính là đường 9 đoạn của Trung Quốc không có căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế. Diễn biến đến nay là tốt đẹp. Sau vòng điều trần này, chúng tôi hy vọng có thể bảo đảm tòa án sẽ ra phán quyết trong 6 tháng", bà Valte nói với Reuters.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines nhấn mạnh, vụ kiện "không chỉ vì vấn đề lãnh thổ".

"Đây là việc một nước đứng lên vì điều đúng đắn tại một diễn đàn thích hợp. Philippines không thể chống lại một cường quốc quân sự như Trung Quốc. Do vậy, điều quan trọng với chúng tôi là đạt được một giải pháp pháp lý", bà nhấn mạnh.

Trong khi đó, ngay tại phiên điều trần, đại diện cho phía Philippines, ông Albert Ferreros del Rosario cũng nhấn mạnh sự tự tin của nước này vào phán quyết của tòa đồng thời nêu lại về tình hữu nghị với Trung Quốc, xem nước này là "người bạn giá trị" của Philippines. Phán quyết của tòa, theo ông này, sẽ không ảnh hưởng đến tình hữu nghị giữa hai nước. 

Philippines bác bỏ mạnh mẽ ‘chủ quyền lịch sử’ của Trung Quốc

Trưởng đoàn luật sư Philippines Florin T. Hilbay đọc tuyên bố của Manila tại tòa. Ảnh: PCAcases.com

Trước phiên điều trần, Philippines đã nộp các tài liệu bổ sung và bằng chứng để phục vụ những lập luận của Manila. Trong phiên xử lần này, Philippines tập trung phản bác cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như yêu sách đường 9 đoạn, hay đường lưỡi bò, mà Bắc Kinh sử dụng để khẳng định cái gọi là chủ quyền, thông cáo báo chí của PCA cho hay.

Về tuyên bố của Trung Quốc với các quyền lịch sử trên Biển Đông, phía Philippines cho rằng Bắc Kinh không công khai làm rõ bản chất của các tuyên bố “lịch sử chủ quyền” mà họ đưa ra. Manila cáo buộc Trung Quốc mập mờ khi tuyên bố quyền lịch sử để độc quyền khai thác các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật khác trong “đường chín đoạn” cũng như chủ quyền với các đảo (vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa trọng tài) nhưng không khẳng định toàn bộ khu vực thuộc lãnh hải Trung Quốc.

Tuy nhiên, phía Philippines cho rằng họ có quyền lợi trong khu vực và khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không nằm trong các trường hợp ngoại lệ mà Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định đối với các tranh chấp liên quan tới danh nghĩa lịch sử chủ quyền, đồng thời khẳng định tòa án có thẩm quyền xét xử điều khoản này.

Theo quan điểm của Philippines, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý đối với yêu sách chủ quyền trên Biển Đông đồng thời khẳng định Bắc Kinh chưa bao giờ có cái gọi là chủ quyền lịch sử ở vùng biển này. Nhằm tăng thêm tính xác thực cho lập luận của mình, Philippines cho rằng đầu thế kỷ 20, Trung Quốc chỉ xác định lãnh thổ của mình không vượt quá quần đảo Hải Nam. Yêu sách đường lưỡi bò chỉ xuất hiện lần đầu trong những năm 1930.​

Trung Quốc vắng mặt, Việt Nam và các nước dự khán

Thông cáo của PCA cho biết, phiên điều trần diễn ra với sự có mặt của hơn 50 đại diện từ Philippines cùng với các quan sát viên đến từ các nước trong khu vực. Vương quốc Anh dù tòa đã cho phép được dự khán sau đề nghị  khá muộn ở giai đoạn chốt của phiên điều trần, đã không cử người đến dự. Trong khi đó, Mỹ bị tòa PCA bác lời đề nghị cử người đến quan sát do nước này không phải là thành viên của Công ước Luật Biển 1982.

Phiên điều trần lần này có đại diện của các nước Australia, Indonesia, Nhật, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam với tư cách là quan sát viên. 

Về phía Việt Nam, ngày 26/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho hay, lập trường của Việt Nam là theo đuổi và giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông bằng luật pháp quốc tế.

"Chúng tôi luôn quan tâm theo dõi mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông và cho rằng chúng cần đảm bảo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn từ chối tham dự phiên điều trần. Để đảm bảo cơ hội đầy đủ của mỗi bên được lắng nghe và trình bày trước tòa, PCA thông tin cho Trung Quốc về tất cả các diễn biến tại phiên điều trần. Tòa cũng để ngỏ phương án cho phép Trung Quốc tham gia vào tiến trình này ở bất kì thời điểm này. Trung Quốc sẽ được phép gửi các nhận xét về các nội dung được trình bày tại phiên điều trần bằng văn bản tới tòa, trước ngày 01/01/2016.

Những luận điểm PCA sẽ xem xét 

Phán quyết của tòa án PCA mang tính ràng buộc với tất cả các thành viên, bao gồm Trung Quốc. Tuy nhiên, tòa án không có cơ chế thực thi. Do vậy, những phán quyết của PCA thường bị các nước bỏ qua.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nếu PCA ra quyết định ủng hộ những lập luận của Philippines thì đây sẽ là thất bại lớn về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc.

Những luận điểm mà PCA sẽ xem xét:

1. Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham không có quyền hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

2. Các bãi Vành Khăn, Cỏ Mây và Xu Bi chỉ là những kết cấu nửa nổi nửa chìm, không có quyền hưởng quy chế về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

3. Bãi Ga Ven và Ken Nan (bao gồm bãi Hu Gơ) là những thực thể nửa nổi nửa chìm, không được hưởng quy chế lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, song ranh giới của chúng khi mực nước ở mức thấp có thể được sử dụng để quyết định đường cơ sở.

4. Các bãi Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

5. Với hành vi can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá truyền thống quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, Trung Quốc đã ngăn cản trái phép ngư dân Philippines kiếm sống.

6. Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ mà Công ước quốc tế về Luật Biển quy định về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại bãi Scarborough/Hoàng Nham và bãi Cỏ Mây.

7. Bằng việc cho phép tàu của lực lượng hành pháp thực hiện các hành vi nguy hiểm, gây nguy cơ đụng độ để cản trở các phương tiện của Philippines gần bãi Scarborough/Hoàng Nham, Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ của họ theo quy định của UNCLOS.

Philippines nộp đơn khởi kiện Trung Quốc ra toà quốc tế từ tháng 1/2013, yêu cầu tòa coi "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là bất hợp pháp và không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Phiên điều trần thứ hai liên quan vụ kiện chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 24 đến 30/11.

'Philippines sẽ thắng trong phản bác đường chín đoạn'

Giáo sư Jay Batongbacal, Đại học Philippines, trao đổi với Zing.vn về buổi điều trần vụ kiện phản đối yêu sách phi lý của Bắc Kinh tại Biển Đông sẽ diễn ra từ ngày 24/11.

Minh Anh - Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm